Trong số các nhà đầu tư nổi tiếng trên danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes xếp hạng hàng năm không chỉ có Warren Buffett và George Soros. Năm 2006, Carl Icahn - với giá trị tài sản 9,7 tỷ USD - đã vượt qua George Soros (8,5 tỷ USD) để trở thành nhà đầu tư giàu thứ hai trên thế giới.
Đánh thức lĩnh vực kinh doanh hợp đồng quyền chọn
Từ cuối năm 1977, Carl Icahn bắt đầu mua vào cổ phiếu của Công ty Tappan - một công ty sản xuất lò nướng có trụ sở đặt tại Ohio. Ông tiếp tục mua cho đến khi sở hữu 20% cổ phần của công ty. Không phải nhà đầu tư nào cũng đồng ý với Icahn rằng Tappan là một món hời.
Carl Icahn |
Các ông chủ của Litton Industries đã cân nhắc việc mua quyền kiểm soát công ty nhưng rồi họ lại kết luận rằng công ty này đã đến mức độ không thể vực dậy nổi. Thế nên họ bỏ cuộc.
Còn bác của Icahn thì nghĩ ông quẫn trí mất rồi. Nhưng chỉ một năm sau đó, ông bác đã thay đổi quan điểm khi thấy cháu mình kiếm được khoản lợi nhuận 2,7 triệu USD từ cổ phiếu Tappan.
Năm 1961, Icahn lần đầu tiên bước vào khu phố tài chính Wall Street trong vai trò nhà môi giới tập sự cho Công ty Dreyfus & Co. với mức lương 100 USD mỗi tuần. Lúc bấy giờ đang là thời kỳ kinh tế phát triển nên cổ phiếu là món hàng rất dễ bán.
Và Icahn lại là một người bán hàng giỏi. Giống như các khách hàng của mình, Icahn dùng số tiền 4.000 USD dành dụm để mua cổ phiếu. Trong năm đó, hầu hết các loại cổ phiếu ông mua đều tăng giá. Nhưng khi “quả bóng thị trường” bị bơm quá căng và nổ tan tành vào năm 1962, Icahn phút chốc mất hết tất cả vốn liếng - trên 50.000 USD.
Thậm chí ông còn phải bán chiếc xe hơi của mình để đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Nói rằng đây là một kinh nghiệm khởi nghiệp có lẽ còn nhẹ. Nhưng Icahn không phản ứng như nhiều người là tìm một lĩnh vực kinh doanh nào đó an toàn hơn, chẳng hạn như thực hiện ước mơ của mẹ ông là trở thành bác sĩ.
Ông nhận ra rằng nếu có thể mất tiền nhanh đến thế thì cũng có thể kiếm tiền chỉ trong khoảng thời gian tương đương, quan trọng là nhà đầu tư cần xây dựng một chiến lược đúng đắn chứ không phải “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” như ông từng bắt chước các khách hàng của mình.
Icahn nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng cách tự mình đầu tư với tư cách là một nhà môi giới các hợp đồng quyền chọn. Vào thập niên 1960 vẫn chưa phổ biến thông lệ môi giới để mua bán các hợp đồng quyền chọn. Người mua và người bán tự liên lạc với nhau và giao dịch diễn ra thông qua các cuộc thỏa thuận trên điện thoại.
Đây là lãnh địa đầu tư hẹp nhưng lại là nơi người ta thường xuyên lợi dụng những điểm thiếu hiệu quả trong việc định giá để ép nhà đầu tư. Icahn quyết định khai thác điểm yếu này.
Cuối cùng, vào năm 1967, Icahn tự kinh doanh cho chính mình với một chỗ trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. Ông phát hành một bản tin hàng tuần chuyên về các hợp đồng quyền chọn. Bản tin này đã trở thành nguồn thông tin duy nhất cho công chúng quan tâm đến giá của các hợp đồng quyền chọn.
Từ triệu phú lên tỷ phú
Khi Icahn bắt đầu mua vào tháng 9/1982, giá mỗi cổ phiếu của Dan River chỉ ở khoảng trên dưới 10 USD. Icahn tích lũy được 15% cổ phần và nói với ban quản trị rằng ông sẽ mua 40% đến 50% công ty ở mức giá 16-17 USD mỗi cổ phiếu để giành quyền kiểm soát.
Ban quản trị kiện ông ra tòa nhưng Icahn đã kháng án thành công. Ông mua thêm 15 triệu USD cổ phần trong một cuộc đấu giá có quy mô nhỏ hơn. Ban quản trị cố tìm một “vị cứu tinh” nhưng không ai muốn mua lại công ty này.
Cuối cùng, ban quản trị đành thuyết phục nhân viên dùng quỹ hưu để mua lại cổ phiếu của công ty mà Icahn đang nắm giữ nhằm bảo vệ quyền kiểm soát của ban quản trị. Bán hết cổ phiếu ở mức giá 26 USD mỗi cổ phiếu Icahn thu về khoản lợi nhuận 8 triệu USD chỉ trong 6 tháng.
Tuy nhiên, thương vụ lớn đầu tiên của Icahn là mua cổ phiếu của Phillips Petroleum. Bắt đầu vào tháng 12/1984, ông đã tích lũy được khoảng 5% cổ phần của Phillips Petroleum ở mức giá 46 đến 47 USD/ cổ phiếu.
Vào tháng 2/1985, ông đề xuất mua toàn bộ công ty với giá 55 USD/cổ phiếu trong vụ mua đứt bằng tiền vay trị giá 8,1 tỷ USD, hoặc ban quản trị mua hết cổ phiếu của ông với cùng mức giá đó.
Ban quản trị thông báo kế hoạch điều chỉnh cơ cấu vốn của mình (bao gồm cả một chiến lược phòng ngừa việc chia sẻ quyền lực), Icahn liền khởi động cuộc chiến ủy nhiệm để đánh bại kế hoạch ấy. Cuối cùng ông đã giành phần thắng.
Tháng 3/1985, Phillips đã mua hết cổ phần của ông. Icahn ra đi với khoản lợi nhuận 50 triệu USD, cộng thêm phụ phí 25 triệu USD, chỉ 3 tháng sau khi ông mua cổ phiếu đầu tiên. Cứ thế, các thương vụ tiếp tục được thực hiện, lần sau lãi lớn hơn lần trước, mang lại cho Icahn những khoảng lợi nhuận khổng lồ.
Chẳng hạn thương vụ cổ phiếu Công ty ACF cũng trong năm 1984 giúp ông bỏ túi 325 triệu USD còn thương vụ cổ phiếu Công ty Texaco trong hai năm từ 1987-1989 giúp mang về cho ông khoản khổng lồ, trên 500 triệu USD!
Ngay cả khi tuổi đã cao, Icahn vẫn không tỏ ra có dấu hiệu chững lại. Năm 2004, ở tuổi 68, khi hầu hết những người khác đều từ giã thương trường để thư giãn trong các câu lạc bộ chơi golf thì với 7,6 tỷ USD trong túi, Icahn tuyên bố sẽ thành lập quỹ bảo hộ trị giá 3 tỷ USD. Sau khi đầu tư 300 triệu USD bằng tiền riêng của mình, ông tuyên bố sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà đầu tư nào đồng ý góp vốn 25 triệu USD. Và đến năm 2006, ở tuổi 70, tài sản của Carl Icahn - nổi tiếng trong giới đầu tư với biệt hiệu “Người lang thang cô độc” - đã lên đến 9,7 tỷ USD! |
(Theo vietnamnet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com