Các CTCK đều có chung nhận định, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm điểm, vì vậy nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị không nên giải ngân mạnh trong giai đoạn này.
HNX-Index nhiều khả năng giảm về mức đáy cũ
(CTCK ACB - ACBS)
Cả hai sàn đều có một phiên giảm điểm trong ngày giao dịch 30/6. Cụ thể, chỉ số VN-Index mất 2,06 điểm (-0,47%) và lùi về mức 432,54. Tương tự như vậy, chỉ số HNX-Index giảm 0,5 điểm (-0,67%) và đóng cửa tại mức 74,35.
Trong báo cáo gửi thường vụ Quốc hội, Chính phủ lại một lần nữa đề xuất nới chỉ tiêu lạm phát lên mức 17%. Theo giải trình của Chính phủ thì sau khi xem xét tình hình kinh tế trong 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu cũ 15% không còn phù hợp nữa, đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện nay.
Nếu đề xuất này được thông qua thì đây sẽ là lần thứ 3 trong năm nay Chính phủ thay đổi chỉ tiêu này. Tuy nhiên, việc thay đổi mục tiêu này sẽ không gây nhiều tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán vì hầu như tất cả các nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích đã dự báo trước mức lạm phát có khả năng tăng cao hơn mục tiêu 15% của Chính phủ và Chính phủ có thể phải điều chỉnh lại mục tiêu trong 6 tháng cuối năm.
Về dự báo cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới, sàn HOSE có thể tiếp tục giao dịch lình xình và đi ngang với những phiên tăng giảm nhẹ xen kẽ nhau. Trong khi đó HNX-Index nhiều khả năng vẫn tiếp tục giảm nhẹ về mức đáy cũ. Với tình hình này, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài và chờ đợi thị trường tích cực hơn.
Thị trường dễ tiếp tục có một phiên giảm
(CTCK Trí Việt - TVSC)
Trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 30/6, 2 sàn có dao động nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản cực thấp (tổng giá trị giao dịch 2 sàn chưa tới 200 tỷ đồng), thậm chí có những lúc HNX-Index đã tăng trong 15 phút khi HOSE bước vào đợt 2, nhưng không thu hút được dòng tiền. Những yếu tố làm dấy lên nhiều lo lắng hơn nữa sau phiên giao dịch 29/6.
Với diễn biến này, thị trường dễ tiếp tục có một phiên giảm điểm nữa vào cuối tuần này như là 1 phần trong chuỗi diễn biến chúng tôi đã nói tới từ các báo cáo trước. Thị trường có lẽ sẽ có cơ sở phục hồi tốt hơn khi SSI, KLS, VND giảm về các vùng có sự hỗ trợ mạnh quanh tương ứng các mức 17, 10, 10.
Nên cân nhắc bán ra để chờ cơ hội mua vào
(CTCK Euro Capital)
Những thông tin tốt xấu vẫn đan sen và không tạo động lực cho thị trường hồi phục. Trong khi bên bán ngày càng mất kiên nhẫn thì bên mua vẫn chỉ tập trung đặt lệnh quanh mức giá sàn và điều này chỉ đủ khiến đà giảm của chứng khoán chậm lại. Các tín hiệu kỹ thuật thể hiện rủi ro giảm giá lớn và thậm chí một đợt sụt giảm mạnh khiến các chỉ số giảm về vùng đáy tương ứng ngày 27/05 có thể diễn ra.
Từ các kết luận này, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc bán ra để chờ cơ hội mua vào với mức giá tốt hơn. Ngay cả khi thị trường hồi phục nhưng thanh khoản không cải thiện rõ ràng (hơn 50 triệu trên cả hai sàn) thì đây vẫn là cơ hội bán ra của nhà đầu tư.
Khả năng lớn thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm
(CTCK FPT - FPTS)
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 đã kết thúc trong sắc đỏ của hầu hết các mã cổ phiếu trên cả hai sàn HOSE và HNX. Sự chênh lệch giữa bên mua giá thấp - bên bán giá cao khiến cho diễn biến thị trường tiếp tục lình xình, thanh khoản tiếp tục xuống thấp. Đóng cửa, chỉ số VN-Index để mất 2,06 điểm trong khi chỉ số HNX-Index giảm 0,48 điểm. Kịch bản thị trường tăng nhẹ đầu phiên và sau đó quay đầu giảm dần tiếp tục tái diễn.
Ngoài ra, phiên giao dịch ngày 30/6 tiếp tục cho thấy dấu hiệu của một bộ phận nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đang bị lung lay, dao động. Một lượng nhỏ nguồn cung giá rẻ đã được đưa ra vào cuối phiên giao dịch.
Trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi những dấu hiệu phục hồi tiếp theo của nền kính thế thì những thông tin vĩ mô gần đây đang mang chiều hướng tiêu cực nhiều hơn khi dự báo lạm phát liên tục được điều chỉnh tăng, nỗ lực giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất của các ngân hàng sẽ thu hẹp dòng tiền vào chứng khoán.
Do đó, khả năng của một đợt sụt giảm tiếp theo sẽ được đánh giá cao nếu tâm lý đầu tư tiếp tục không nhận được hỗ trợ kịp thời. FPTS tiếp tục bảo lưu quan điểm đứng ngoài quan sát thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo.
Thị trường sẽ vẫn tiếp tục xu hướng lình xình giảm điểm
(CTCK VNDirect - VND)
Với phiên giảm điểm hôm nay thì HNX-Index chính thức điều chỉnh về Fibonacci 50%, đây sẽ là một mốc hỗ trợ tương đối cho thị trường. Thêm vào đó, ngày 1/7 là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, mối lo ngại về thời điểm chốt NAV cuối quý II được giải tỏa có thể khiến cho thị trường có hồi phục nhẹ. Sự nảy lại có thể chỉ diễn ra trong phiên, hoặc có thể kéo dài sang tuần sau thì cửa kiếm lợi nhuận sau T4 vẫn rất hẹp.
Hiện tượng hàng loạt các cổ phiếu lớn như SSI, FPT, PVD, HAG, PVX xuất hiện đáy mới trong phiên 30/6 rất đáng lo ngại. Vĩ mô hiện chưa cho thấy dấu hiệu ổn định, đặc biệt là những thay đổi về quy định tín dụng của các NHTM dành cho lĩnh vực chứng khoán và bất động sản sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút dòng tiền vào thị trường, vì thế chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ vẫn tiếp tục xu hướng lình xình giảm điểm.
Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên giữ tỷ lệ tiền mặt cao. Chỉ khi hình thành xu hướng giá tăng kèm thanh khoản tăng, cơ hội hình thành W trung hạn mới sáng sủa, nếu không sự bật lại sẽ rất ngắn, việc mua vào trong giai đoạn này cần ý thức đến rủi ro T+.
Chưa nên tham gia giải ngân mạnh
(CTCK Dầu khí - PSI)
Phiên giao dịch ngày 1/7, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Thị trường sụt giảm nhẹ với dấu hiệu đi ngang hoặc giảm nhẹ của hầu hết các bluechips. Tuy nhiên, dấu hiệu giảm mạnh trên một số mã pennies và midcap bắt đầu xuất hiện. Trên phương diện kỹ thuật, thị trường hiện tại vẫn chưa xác lập xu hướng cụ thể và trong trạng thái sideway. Công cụ MACD với đường Histogram vẫn duy trì vùng giá trị 0. ADX rất thấp (<20) cho thấy thị trường hiện không có xu hướng.
Sự phân hóa giảm trên thị trường thể hiện sự tác động của một số yếu tố thông tin tiêu cực. Chính phủ nới chỉ tiêu lạm phát năm 2011 , ở mức 15 - 17% khi mục tiêu kiếm chế lạm phát cả năm dưới 15% được đánh giá là không khả thi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mức lạm phát 17% cũng vẫn là mục tiêu phải phấn đấu. Bên cạnh đó, nếu áp dụng dự thảo mới về quy định các tỷ lệ an toàn tín dụng (NHNN) thì tín dụng chứng khoán có thể giảm rất mạnh.
Thị trường yếu, dòng tiền bị bó hẹp và thanh khoản thị trường thấp, thế nhưng tiềm năng về nguồn cung cổ phiếu với trên 20 doanh nghiệp đang chờ niêm yết lại đang là con số khá lớn. Diễn biến những phiên giao dịch qua cho thấy hiện trạng một số mã mới niêm yết trên sàn nhưng đã sụt giảm mức giá sàn liên tiếp nhiều phiên, đặc biệt dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị ngay trong phiên đầu tiên trên sàn đã cho thấy phần nào thực tế sẽ diễn ra khi thị trường đang khó khăn mà phải đón nhận một lượng cổ phiếu lớn niêm yết trên sàn.
Thị trường giảm nhẹ, VN-Index vẫn trong trạng thái sideway với thanh khoản duy trì mức thấp. Trên thị trường bắt đầu xuất hiện sự phân hóa và giảm mạnh của một số mã pennies và midcap. Những thông tin trong ngày có thể sẽ tác động tiêu cực tới thị trường ở các phiên sắp tới. NĐT nên hạn chế các giao dịch ngắn hạn và chưa nên tham gia giải ngân mạnh vào thời điểm hiện tại.
Thị trường có thể sẽ lại tái diễn những bước đi giằng co
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Sắc đỏ đã ngay lập tức trở lại ngự trị trên thị trường chứng khóa Việt Nam khi về cuối phiên cả HNX và VN-Index đều quay đầu giảm nhẹ. Bầu không khí giao dịch vẫn chẳng có dấu hiệu nào sẽ cải thiện, vẫn là sự trầm lắng và ảm đạm đến buồn chán.
Tâm lý thận trọng đã hạn chế đáng kể giao dịch của các nhà đầu tư, kéo theo đó tính thanh khoản của thị trường cũng vẫn chỉ lầm lũi ở mức thấp đáng lo ngại. Có thể thấy rằng, không ít nhà đầu tư vẫn đang lựa chọn phương án quan sát và đứng ngoài chờ đợi, nhiều khả năng là chờ đợi những tín hiệu rõ ràng và tích cực hơn từ phía vĩ mô. Hiện nay, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất có lẽ là chỉ số CPI, theo thông tin mới nhất thì Chính phủ vừa mới đề xuất Thường vụ Quốc hội nới định hướng chỉ tiêu CPI của năm 2011 trong khoảng từ 15-17%, thay cho con số 15% của lần trước.
Như vậy, nếu điều này được thông qua thì Chính phủ sẽ có thêm dư địa để theo đuổi các mục tiêu quan trọng khác, trong đó có tăng trưởng GPD. Tuy nhiên, có thể thấy rằng từ nay cho đến cuối năm áp lực lạm phát vẫn khá lớn, theo đó nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ vẫn theo hướng thắt chặt. Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng và chưa lạc quan vào triển vọng của thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch cuối tuần này, thị trường có thể sẽ lại tái diễn những bước đi giằng co và ảm đạm của mình với biên độ dao động hẹp.
VN-Index nhiều khả năng sẽ đi ngang
(CTCK Quốc tế - VIS)
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2011 được nhiều nhà đầu tư mong đợi đã đến. Tuy nhiên, sức cầu thị trường chưa cải thiện, giao dịch ảm đạm và nhà đầu tư nước ngoài không còn đóng vai trò nâng đỡ thị trường đã tác động nhiều đến chỉ số VN-Index. Bên cạnh đó, việc làm đẹp NAV của các quỹ đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo đà bật lên cho chỉ số VN-Index và có thể giúp thị trường ổn định trong ngắn hạn và hãm đà giảm giá của các cổ phiếu.
Trái với mong đợi, chỉ số VN-Index chỉ khởi sắc trong đợt 1 với mức tăng nhẹ 0,61 điểm và nhanh chóng giảm điểm trong đợt khớp lệnh liên tục và duy trì giảm mạnh hơn 2,06 điểm đến cuối phiên.
Chưa có thêm thông tin vĩ mô đủ mạnh hỗ trợ thị trường, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng giữ tiền trong tài khoản, hoặc tạm thời rút ra để sử dụng cho mục đích khác. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán ra chốt lãi hoặc cắt lỗ để chờ đợi thị trường xác định xu hướng rõ ràng mới đưa ra quyết định đầu tư. Vì vậy chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ đi ngang và xoay quanh ngưỡng 430 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần.
Tín hiệu cho một chu kỳ mới
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Diễn biến cung cầu vẫn không có thêm nhiều biến động, giao dịch vẫn co ở mức thấp cùng với biên độ hẹp. Dao động đi ngang và khối lượng theo chiều hướng đi xuống trong thời gian tương đối dài vẫn thường là tín hiệu cho một chu kỳ mới.
Chỉ tiêu lạm phát tiếp tục được Chính phủ đề xuất nới rộng hơn với mục tiêu là 17% cho năm nay. Nếu tính đến hiện tại lạm phát 6 thàng đã là 13,29%, so với mục tiêu mới là 17% , như vậy 6 tháng cuối năm lạm phát chỉ được tăng 3,71%, bình quân 0,62%/tháng. Đây được xem là một nhiệm vụ đầy khó khăn cho Chính phủ vì lạm phát luôn có chiều hướng gia tăng dần về những tháng cuối năm. Tuy vậy, vẫn sẽ còn nhiều chính sách phía trước để thực hiện cho mục tiêu này.
Rủi ro từ thị trường bất động sản đang cận kề khi mà đã hết thời hạn cho các TCTD giảm dư nợ phi sản xuất về 22%. Biện pháp xử phạt các NHTM không thực hiện đúng với chỉ thị của NHNN đang được NĐT rất quan tâm và là một phần quyết định đến tâm lý trong thời gian sắp tới.
Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đầu tư. Đối với NĐT có mức chịu đựng rủi ro cao, giải ngân ở mức thấp bên cạnh với chính sách cắt lỗ. Còn đối với NĐT cẩn trọng hơn, tiếp tục đứng ngoài quan sát, chờ đợi cơ hội vào lại thị trường an toàn hơn.
Lo ngại lực cầu sẽ sụt giảm trong những phiên tới
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 ghi nhận áp lực bán rất mạnh trên cả 2 sàn, bất chấp lực đỡ NAV của nhà đầu tư tổ chức. Nếu không có lực cầu “bất thường” vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn của sàn Hà Nội giúp chỉ số hồi phục, HNX-Index và VN-Index có thể đã có chung một kịch bản giảm mạnh về cuối phiên.
Sau phiên giao dịch ngày 30/6, dường như nhà đầu tư đang lo ngại lực cầu sẽ sụt giảm trong những phiên tới khi không còn lực đỡ NAV của các tổ chức và họ chủ động bán ra trước.
(Báo doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com