Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Techcombank bị “tuýt còi”: Cuộc đua lãi suất có dừng?

Sau vụ lãi suất náo loạn bởi chương trình “3 ngày vàng” do ngân hàng  thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) triển khai, Ngân hàng Nhà nước đã “ra tay” chấn chỉnh.

Ngay khi thông tin về lãi suất “khủng” 17% của Techcombank được báo chí phản ánh, Ngân hàng Nhà nước đã họp với các lãnh đạo 12 ngân hàng tại Hà Nội để kiểm điểm hiện tượng tăng lãi suất bất thường thời gian qua. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước kiểm điểm trực tiếp một động thái bất thường về lãi suất huy động, đồng thời Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu Techcombank phải xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để thông báo chính thức.
 
Thanh khoản có “căng”?

 Hiện tượng đua lãi suất huy động rất dễ khiến người gửi liên tưởng đến tình trạng thiếu thanh khoản của các ngân hàng. Đặc biệt với lãi suất huy động lên tới 17-18% thì không hiểu nhu cầu vốn bị áp lực đến mức nào. Tuy nhiên, theo thông tin từ Techcombank cũng như từ Ngân hàng Nhà nước, mức huy động trên không gắn liền với suy luận về thanh khoản. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, không thấy có lý do “phần cứng” nào để Techcombank tăng lãi suất bất thường vì các chỉ số của ngân hàng này trên sổ sách giấy tờ về cơ bản không có gì đáng ngại. Cân đối vốn của Techcombank với hệ số sử dụng vốn khoảng 70%, tỷ lệ an toàn tương đối tốt.

Thông tin từ Techcombank cũng cho biết, mức lãi suất trên cũng chỉ áp dụng với duy nhất một chương trình khuyến mại và cũng chỉ kéo dài 3 ngày. Ngân hàng này cũng khẳng định vào dịp này, hầu hết các ngân hàng đều có các chương trình khuyến mại bằng hàng hóa hoặc bằng tiền và nếu quy đổi tương đương ra lãi suất thì cũng có tỷ lệ không nhỏ.

Nếu thừa nhận việc lãi suất huy động đột biến trên là cá biệt thì vẫn chưa có cơ sở để lo ngại về vấn đề áp lực hút tiền cuối năm của các ngân hàng. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức cao. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất huy động niêm yết phổ biến là 12,5% đến 13,5%. Sau khi Techcombank bị “tuýt còi”, không còn ngân hàng nào dám “trưng” ra các quảng cáo lãi suất “khủng” nữa nhưng điều đó không có nghĩa là hạn chế được các thỏa thuận ngầm hoặc các hình thức khuyến mại lách quy định.
 
Cần sự mạnh tay


Ngay trong cuộc họp ngày 8-12, các ngân hàng cũng “biện hộ” việc xé rào vì lo ngại sự dịch chuyển vốn từ ngân hàng mình sang các ngân hàng khác, buộc họ phải đẩy lãi suất huy động lên.

Trong một động thái mới nhất, thỏa thuận trần lãi suất huy động đã được nâng lên 14% đối với các mức huy động thông thường và 15% nếu tính cả khuyến mại. Như vậy, chắc chắn trần lãi suất thực sẽ là 15%. Điểm khác biệt trong sự đồng thuận lần này là các ngân hàng cùng ký cam kết. Tin từ Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đồng thuận lần này mang tính bắt buộc. Ngân hàng nào vi phạm sẽ phải chịu các biện pháp phạt từ cơ quan quản lý.

Cùng thời điểm, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chỉ thị triển khai các giải pháp tiền tệ. Cụ thể, các ngân hàng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo Thông tư 13 và Thông tư 19; duy trì vốn khả dụng đủ đảm bảo an toàn thanh toán cho các khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổ chức kinh tế và dân cư trong tháng 12-2010 và dịp Tết; tập trung các nguồn vốn kết hợp với điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng để tăng khối lượng vốn và tỷ trọng cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, dự trữ hàng phục vụ Tết, cho vay khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và chi phí sản xuất có hiệu quả của doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các mức lãi suất huy động và cho vay phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ và nội dung đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng.

Đặc biệt Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện kịp thời các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng góp phần ổn định giá cả và kinh tế vĩ mô; giám sát tình hình thực hiện lãi suất huy động và cho vay bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đối với các đơn vị tại Hội sở chính Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc yêu cầu thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân, điều hành lượng tiền cung ứng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, kết hợp với điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ khác, để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và lãi suất thị trường tiền tệ ở mức hợp lý. Trong trường hợp thị trường tiền tệ diễn biến bất thường, áp dụng quy định đối với lãi suất kinh doanh của tổ chức tín dụng phù hợp với Điều 12 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng.

Có thể nói việc triển khai các giải pháp kiềm chế cuộc đua lãi suất lần này khá mạnh tay và đồng bộ. Mặc dù mặt bằng lãi suất vẫn đang khá cao nhưng chí ít thị trường còn có thể kỳ vọng vào một sự ổn định, thay vì “loạn” lãi suất.

(Báo Đại Đoàn Kết)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!