Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vietcombank hai năm chật vật hệ số CAR

picture
Sau khi tăng vốn đợt 2, hệ số CAR của Vietcombank dự tính mới đạt được 9,5% - Ảnh: Việt Tuấn.
Một ngân hàng có ROE luôn cao nhất trong khối ngân hàng quốc doanh và trong Top 5 ngân hàng cổ phần những năm gần đây nhưng hai năm chật vật vẫn chưa xong yêu cầu đảm bảo hệ số CAR.

Ngày 1/11, Ngân hàng Nhà nước có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thống đốc, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Thông tư 13 và Thông tư 19 về quy định các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Thông tư 13 có hiệu lực từ 1/10/2010, trong đó yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) của các ngân hàng là 9%, thay vì mức 8% trước đó. Với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đến lúc này và có thể cho đến đầu năm tới vẫn chưa thể “nghiêm túc” thực hiện được quy định này.

Tại vì thí điểm?

Không phải đến lúc này, hay ở thời điểm sát kề hiệu lực Thông tư 13, Vietcombank mới gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

Theo quy định trước đó, hệ số CAR yêu cầu thấp nhất phải là 8%. Trong năm 2009, có những thời điểm mức thực tế của Vietcombank còn thấp hơn cả yêu cầu này.

Đây là thành viên có tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn dẫn đầu khối ngân hàng quốc doanh và trong Top 5 các ngân hàng thương mại cổ phần trong những năm gần đây. Hệ số CAR từ năm 2008 trở về trước luôn đạt trên 8%.

Thế nhưng sự chật vật của Vietcombank trong đảm bảo yêu cầu CAR tối thiểu bắt đầu khó khăn từ năm 2009, và có những thời điểm thấp hơn cả 8%. Nguyên do là ngân hàng phải thực hiện theo hướng dẫn mới của Ngân hàng Nhà nước về xác định vốn tự có (Công văn số 7634/NHNN-TCKT ngày 30/9/2009), trong đó có những điều chỉnh về chỉ tiêu và giới hạn xác định vốn cấp 1 và vốn cấp 2.

Nhưng nguyên nhân chính được ngân hàng này nhấn mạnh trong các giải trình trước cổ đông thời gian qua là do chưa được tăng vốn điều lệ nên khó khăn trong việc cải thiện vốn chủ sở hữu. Ở đây, Vietcombank vướng phải rào cản “thí điểm” cổ phần hóa, trong đó có ràng buộc về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện tăng vốn…

Trong những câu chuyện bên lề, một số lãnh đạo của ngân hàng này từng nói rằng họ chỉ muốn được “bình thường” như các thành viên khác; tức là cổ phần hóa xong, việc tăng vốn được thực hiện như bao ngân hàng cổ phần khác thời gian qua, thay vì theo một cái "khung" thí điểm nào đó.

Cuối cùng, đợt 1 của kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng đã xong. Tuy nhiên, liệu đó có phải là nguyên nhân chính yếu?

Báo cáo của Vietcombank cho biết là cũng đã “tích cực tái cơ cấu tài sản có”. Và khi xong cả việc tăng vốn đợt 1 (thêm 1.123 tỷ đồng), tạm hạch toán ghi nhận cả thặng dư IPO được giữ lại, cũng như “tích cực tái cơ cấu tài sản có”, tại thời điểm 30/9/2010, hệ số CAR (hợp nhất) của Vietcombank cũng chỉ được 8,17%!

Chưa chắc thời điểm đảm bảo

Ngày 20/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có công văn thông báo phê duyệt phương án tăng 33% vốn điều lệ của Vietcombank (đợt 2). Triển khai tiếp đợt này, hệ số CAR dự tính sẽ đảm bảo được yêu cầu, song hiện chưa xác định được thời điểm cụ thể.

Tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước có công văn trên, chỉ còn đúng 10 ngày để Thông tư 13 có hiệu lực. Vietcombank có muốn “đốt cháy” độ trễ của các quy trình cũng không thể đảm bảo thời hạn nâng CAR lên tối thiểu 9%. Thêm vào đó, ngân hàng này còn phải tổ chức đại hội đồng cổ đông để thông qua phương án tăng vốn theo đúng quy định của Nghị định 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại và các văn bản pháp luật có liên quan, dù chủ trương đã được đại hội đồng cổ đông thông qua đúng 5 tháng trước đó.

Phải đến ngày 9/11 này Vietcombank mới tổ chức được đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu trên. Cứ cho là đại hội sẽ thông qua phương án, nhưng khoảng thời gian còn lại của năm cũng khó để hoàn tất các thủ tục của bước tăng vốn này. Theo đó, thời điểm để đảm bảo hệ số CAR tối thiểu 9% vẫn chưa thể xác định; nếu thuận lợi và sớm có thể là cuối 2010, muộn hơn là trong quý 1/2011.

Như vậy, khả năng sau 3 tháng Thông tư 13 có hiệu lực, ngân hàng quốc doanh đầu tiên cổ phần hóa này vẫn không đảm bảo được quy định. Chuyện còn lại là cân nhắc điều khoản thực hiện và xử lý của Thông tư.

Theo phương án tăng vốn đợt 2, Vietcombank sẽ phát hành thêm 33% cổ phần, ứng với gần 4.364 tỷ đồng tính theo mệnh giá, cũng như theo giá phát hành. Thời điểm được nhấn mạnh trong tờ trình là “ngay sau khi có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng”. Vốn điều lệ dự kiến sau đó sẽ tăng từ 13.223,71 tỷ đồng lên 17.578,54 tỷ đồng. Và khi đó, hệ số CAR mới có thể đạt 9,5%, thở phào sau hai năm chật vật.

Câu chuyện còn lại là 4.364 tỷ đồng tăng thêm đó sẽ được sử dụng như thế nào? Vietcombank cũng đã định sẵn kế hoạch: khoảng 900 tỷ đồng được dùng để tăng đầu tư góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp khác (khi chưa tăng đã gần chạm “room” 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ theo quy định); đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ khoảng 700 tỷ đồng; số còn lại được dùng để tăng trưởng tín dụng và kinh doanh vốn.

Và với vốn điều lệ mới, năm 2011, Vietcombank dự kiến sẽ có tăng trưởng tổng tài sản là 15%, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn khoảng 20% và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.150 tỷ đồng (chỉ tiêu kế hoạch năm 2010 là 4.500 tỷ đồng); hiệu suất sinh lời vốn chủ sở hữu (ROEA) 18% trong năm 2010 dự kiến sẽ tăng lên khoảng 18,5% trong năm 2011.

 

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!