Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn ngân hàng chạy vòng quanh

Một số ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất vượt trần, thậm chí có nơi tới 13,5% khiến các ông lớn quốc doanh đứng ngồi không yên vì lo bị giành giật vốn.

Để chuẩn bị vốn cho nhu cầu giải ngân cuối năm, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) lên kế hoạch phát hành 6.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi VND ghi danh đợt hai, kéo dài từ 18/10/2010 đến 18/1/2011.

Trong lần thông báo đầu tiên, phát đi cuối chiều 18/11, Vietinbank cam kết khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi có thể hưởng lãi cao nhất tới 13% một năm trong ba tháng đầu tiên, sau đó sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần. Ngoài ra, khách hàng còn được thưởng lãi suất và hưởng cách tính lãi linh hoạt, mà nếu cộng dồn lại, lãi suất thực có thể vượt 13,3% một năm, ngang ngửa với mức đỉnh 13,5% do một ngân hàng cổ phần công bố cách đây ít ngày.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, Vietinbank lại quyết định chỉnh sửa, đưa lãi suất về 12% thay vì mức 13% một năm ban đầu. Các điều kiện ưu đãi như thưởng hay tính lãi cho số ngày lẻ của định kỳ điều chỉnh lãi suất vẫn giữ nguyên.

Đại diện ngân hàng lý giải phương án 13% được đưa ra nhằm tăng khả năng cạnh tranh và tránh nguy cơ bị hút vốn bởi các ngân hàng nhỏ, những nơi đã đẩy lãi suất lên cao hơn 13%. Còn nay phải đưa về 12% vì Vietinbank là ngân hàng quốc doanh phải làm gương trong việc ổn định thị trường. Hơn nữa Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank đang đảm đương vai trò Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, nơi vừa giành được sự đồng thuận của các thành viên về việc giữ lãi suất huy động tiền đồng không quá 12%.

"Thực tình là trong hệ thống của chúng tôi đã có tín hiệu vốn bị chảy sang các ngân hàng có lãi suất cao hơn. Chúng tôi làm gương, nhưng các ngân hàng khác cứ tăng cao lãi suất thì chúng tôi thật thiệt thòi", vị đại diện này than thở.

Câu chuyện Vietinbank đẩy lãi suất lên cao rồi lại giật xuống thấp cho thấy một phần sự bí bách và căng thẳng trên thị trường tiền tệ hiện nay. Các ngân hàng thi nhau đẩy lãi suất vượt mức đã cam kết, nhằm tăng cường vét vốn cuối năm và đề phòng vốn của mình không bị ngân hàng khác giành mất. Thực tế đã xảy ra trường hợp nhân viên ngân hàng nhỏ mang cả xe chở tiền tới phòng giao dịch của ngân hàng quốc doanh mời gọi khách hàng của nhà băng này về chỗ mình gửi với lãi suất cao hơn.

Trước Vietinbank, một số ngân hàng quốc doanh khác đã ngấm ngầm cho phép khách hàng thỏa thuận để đẩy lãi suất tiền gửi lên sát 13% một năm.

Một quan chức Hiệp hội Ngân hàng buồn bã cho rằng những gì diễn ra trên thị trường tiền tệ hiện nay không chỉ vì nhu cầu vốn cuối năm tăng cao, mà còn do nhiễu tín hiệu điều hành. Trong khi Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu ổn định lãi suất để làm sao vừa kiềm chế lạm phát mà vẫn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thì Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại tuyên bố chủ trương của Chính phủ về việc để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường.

"Các ngân hàng không biết đâu là tín hiệu đúng và dẫn tới tình trạng một số thành viên Hiệp hội Ngân hàng đã không tuân thủ cam kết kiềm chế lãi suất. Việc cạnh tranh bằng lãi suất thế này sẽ khiến dòng vốn hữu hạn trên thị trường chạy vòng quanh, từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao", vị quan chức này nói.

Theo vị quan chức này cuộc cạnh tranh không bình đẳng sẽ khiến ngân hàng nghiêm túc thiệt thòi, nhưng thiệt thòi hơn cả chính là các doanh nghiệp phải đi vay vốn sản xuất kinh doanh và những người lao động đang cần công ăn việc làm.

Trao đổi với phóng viên chiều 18/11, Phó tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ cho rằng trước mắt ngân hàng sẽ nghiêm túc thực hiện cam kết trong Hiệp hội Ngân hàng bởi tình hình huy động trong hệ thống vẫn tốt. Tuy nhiên, theo ông Thọ, nếu các ngân hàng lớn cứ giữ lãi suất quanh 12% trong khi các ngân hàng nhỏ đẩy lên trên 13, thậm chí trên 14% sẽ tạo cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường ngân hàng.

Mặt khác, cuối năm nhu cầu vốn phục vụ thanh toán, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng dân cư tăng cao. Những lúc như vậy, mặt bằng lãi suất trên thị trường khó có thể giữ mức thấp. "Hơn nữa, ngân hàng cũng phải áp dụng mức lãi suất phù hợp với tình hình giá cả, lạm phát", ông Thọ lý giải.

Tuy nhiên, theo vị quan chức Hiệp hội Ngân hàng, mặt bằng lãi suất hiện nay đã có lợi cho người gửi tiền, bởi nó quá thực dương so với lạm phát (theo tính toán cả năm nay chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng không quá 10%). Nếu đẩy lên cao hơn, cao quá khả năng chấp nhận của doanh nghiệp, sẽ này sinh tâm lý có tiền thì gửi ngân hàng còn hơn bỏ vào sản xuất kinh doanh.

(VnExpress)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!