Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Con đường tương lai của Cộng đồng Đông Á

Cộng đồng Đông Á tương lai sẽ là khối thống nhất trong đa dạng. Ảnh: Reuters.

Thông điệp rõ ràng nhất từ các hội nghị thượng đỉnh tại Thái Lan cuối tuần qua là quyết tâm xây dựng Cộng đồng Đông Á trong tương lai. Một sự đồng thuận nổi lên tại hội nghị kéo dài ba ngày, từ 23 đến 25-10-2009 - là để Đông Á dẫn dắt thế giới và duy trì sự phồn vinh, các nước trong khu vực cần phải làm việc cùng nhau, xây dựng nên một cộng đồng gần gũi hơn và kết nối được với phần còn lại của thế giới. 

Về lâu dài, chưa ai biết được hình dáng của cộng đồng khu vực này sẽ ra sao vì nhiều thách thức đang còn ở phía trước. Nhật Bản và Úc bất đồng ý kiến chung quanh vấn đề quy mô của Cộng đồng Đông Á, chỉ bao gồm ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) theo đề xuất của Nhật; hay ASEAN+6 (thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand) và có thể mở rộng để bao gồm một số thành viên APEC như đề xuất của Úc. Tại hội nghị này, Trung Quốc không nói nhiều về cơ cấu Cộng đồng Đông Á mà tập trung vào mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, công bố những thông tin viện trợ hào phóng cho các nước láng giềng để phát triển cơ sở hạ tầng kết nối từ Singapore tới Côn Minh. Vai trò của Mỹ trong Cộng đồng Đông Á tương lai cũng là đề tài chưa có sự đồng thuận giữa các quốc gia trong khu vực.

Hội nghị cấp cao ASEAN cũng đã công bố chính thức việc Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm tới, từ  ngày 1-1-2010 đến ngày 31-12-2010.

Nhưng thành tựu nòng cốt của hội nghị là sự nhất quyết và tầm nhìn chung. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối thoại đồng ý rằng khu vực này cần có một khung hợp tác mới để ràng buộc vào nhau những khía cạnh khác biệt và đôi khi xung đột. Một cộng đồng hợp tác chặt chẽ cũng sẽ giúp châu Á hưởng lợi từ tiến trình hồi phục khá nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Hãng tin AFP trích lời phát biểu bế mạc của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva hôm Chủ nhật 25-10 cho biết, “mô hình tăng trưởng cũ trong đó châu Á phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của phương Tây đã không còn có lợi nữa khi châu Á tiến mạnh về tương lai”. 

Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama có lẽ là người hào hứng nhất với tiến trình hợp tác và hội nhập Đông Á. Ngay sau khi nhậm chức gần đây, và trước hội nghị thượng đỉnh tại Thái Lan, Thủ tướng Hatoyama đã thảo luận chủ đề này với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tại nhiều cuộc gặp gỡ song phương và đa phương.

Theo nhật báo Thái Lan The Nation, trong những năm tháng sắp tới Nhật Bản chắc chắn sẽ đóng vai trò nổi bật hàng đầu trong cơ cấu khu vực mới mẻ này. Nhưng kế hoạch của Thủ tướng Hatoyama chỉ có thể biến thành hiện thực nếu Nhật Bản bảo đảm được sự cân bằng trong mối quan hệ với ASEAN, quan hệ tay ba với Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như quan hệ song phương với Mỹ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Hatoyama nhấn mạnh rằng, cả ASEAN với tư cách là một tập thể, và Hoa Kỳ, với tư cách một đồng minh, đều là những nhân tố bắt buộc phải có trong mọi cơ cấu khu vực. Đối với ASEAN, theo ông Hatoyama, sự hòa nhập hoàn toàn vào năm 2015 là yếu tố then chốt.

Tiến trình hòa nhập trong nội bộ 10 thành viên ASEAN đã có nhiều bước tiến quan trọng trong những năm gần đây song cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết, cho dù tổ chức này đã trở thành một tập thể hoạt động theo luật lệ sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái. Sự kiện một số nguyên thủ quốc gia không tham dự lễ khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN, tranh cãi giữa Thái Lan và Campuchia chung quanh vấn đề cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra và tranh chấp lãnh thổ gần khu đền Preah Vihear, giữa Thái Lan và Philippines chung quanh thuế suất nhập khẩu gạo là những trở ngại trước mắt.

Cách nhìn của ASEAN về Cộng đồng Đông Á tương lai cũng không hoàn toàn giống với đề xuất của Nhật Bản. Theo báo The Nation, tại thời điểm này, điều rõ ràng là ASEAN không có ý định đi theo mô hình châu Âu cho dù tổ chức ASEAN áp dụng một số kinh nghiệm tốt nhất từ EU. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhiều lần đề cập tới những trở ngại trong việc theo đuổi con đường hội nhập như vậy - đó là sự khác biệt về thể chế chính trị, về trình độ phát triển kinh tế, sự tôn trọng chủ quyền quốc gia, quan niệm về quyền bỏ phiếu bình đẳng. Khó có thể hình dung rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết trước năm 2015 dù trong diễn văn khai mạc hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã hối thúc rằng ASEAN không còn thời gian để chần chừ, mà cần hành động nhanh chóng hơn, xử lý chính sách tốt hơn cũng như kết nối sâu rộng hơn trong nội bộ ASEAN và trong khu vực Đông Á.

Nhiều chuyên gia hy vọng, sự hội nhập giữa các nước ASEAN có thể diễn ra nhanh hơn nếu như tiến trình hợp tác, hội nhập kinh tế và tiến đến gần nhau giữa ba cường quốc kinh tế Đông Á được diễn ra suôn sẻ trước năm 2015. Trong hai năm qua, cả ba nước Trung-Nhật-Hàn đều nỗ lực cải thiện quan hệ láng giềng và quan hệ này đang diễn ra theo chiều hướng tốt hơn. Cả ba, theo cách riêng, đều ứng xử với ASEAN như là những đối tác chiến lược. Trung Quốc đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác với ASEAN và dự kiến thiết lập văn phòng đại diện thường trú tại ASEAN vào cuối năm nay. Nhật Bản và Hàn Quốc đều có kế hoạch nâng cấp quan hệ với ASEAN lên tầm cao mới. Tuy vậy, cả ba nước đều đang vật lộn với những vấn đề chủ quyền và lãnh thổ, chưa biết họ có khả năng gác lại bất đồng để chấp nhận một cơ chế bình đẳng mỗi quốc gia một lá phiếu theo mô hình EU trong Cộng đồng Đông Á tương lai hay không.

Quan hệ với Mỹ cũng là một vấn đề gai góc. Tháng tới, theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ lần đầu tiên gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC tại Singapore. Trong thời gian này ông cũng chính thức viếng thăm Trung Quốc lần đầu tiên và nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ tiếp Tổng thống Obama tại Tokyo. Việc Mỹ không phản đối sự hình thành một khối kinh tế-chính trị khu vực cho thấy một xu hướng thực dụng mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á, diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố “Mỹ đang quay lại Đông Nam Á”.

Tại hội nghị cấp cao cuối tuần qua, Thủ tướng Úc Kevin Rudd nhấn mạnh rằng, mọi sự hợp tác khu vực đều cần phải bao gồm cả Washington. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á không muốn nêu tên nhận xét với hãng tin AFP: “Vài quốc gia muốn Mỹ trở thành một thành viên của cộng đồng tương lai như là một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc”. Giáo sư Chaiwat Khamchoo, nhà phân tích của Đại học Chualalongkorn ở Bangkok nhận định: “Dù muốn hay không tôi nghĩ chúng ta cũng không tránh được vai trò của Mỹ bởi vì Mỹ là nước lớn có sức mạnh cả kinh tế lẫn an ninh. Một số quốc gia Đông Á vẫn nghi ngờ lẫn nhau nên muốn Mỹ có một vai trò”.

Theo AFP, một cường quốc khác là Nga cũng đã nộp đơn gia nhập Cộng đồng Đông Á và đã tham dự các cuộc họp cấp cao cuối tuần qua với ASEAN+6. Những động thái như vậy cho thấy con đường tương lai của Cộng đồng Đông Á sẽ có nhiều thay đổi bất ngờ và thú vị, có ảnh hưởng tới con đường của từng nước trong khu vực.

(Tổng hợp)

(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Trung Quốc sơ tán dân để tránh nhiễm độc chì
  • Nhiều cam kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN 15
  • Manila chuẩn bị đón bão Mirinae
  • Bão Mirinae tấn công Philippines
  • Trung Quốc đạt tăng trưởng kinh tế hơn 7%
  • Dự trữ lương thực của Ấn Độ đủ để vượt qua khủng hoảng
  • Thái Lan sẵn sàng tổ chức Hội nghị ASEAN lần 15
  • Trung Quốc kêu gọi kiềm chế sau vụ phóng tên lửa