Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng rất ấn tượng về sự biến mất đột ngột của sự đa dạng thực vật cổ xưa. Những phát hiện về thực vật cổ xưa mang lại thông điệp vượt thời gian cho con người hiện đại. Sự nóng lên của Trái đất sẽ là mối đe dọa lớn đối với loài người trong thế kỷ 21, có tác động đến toàn hành tinh, và trước mắt tác động sâu sắc nhất đến ngành y tế công cộng, làm nảy sinh nhiều vấn đề y tế - xã hội...
Nguyên nhân của tuyệt chủng các loài sinh vật trong quá khứ
Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi phát hiện chỉ cần khí thải nhà kính CO2 tăng một lượng nhỏ lên cũng có thể gây ra sự biến mất cho một số loài thực vật. Chính CO2 cũng là nguyên nhân khiến nhiệt độ trái đất nóng lên. Sự nóng lên của địa cầu từ lâu đã được xem như thủ phạm gây ra tuyệt chủng.
Richard Lane, Giám đốc chương trình của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (NSF), bộ phận Khoa học địa cầu, nhà tài trợ một phần của nghiên cứu này cho biết: "Những khám phá bất ngờ về lịch sử khí hậu trái đất làm rung chuyển nền tảng tri thức và hiểu biết về thay đổi khí hậu hiện nay”.
Jennifer McElwain đến từ Đại học Dublin, lưu ý rằng khí SO2 thải ra từ các vụ phun trào núi lửa cũng có thể góp phần đáng kể trong việc đẩy thực vật tới bên bờ tuyệt chủng. Ông cho biết: "Hiện tại, chúng tôi không có cách nào để phát hiện sự biến đổi khí SO2 ở hiện tại so với quá khứ, vì thế rất khó để đánh giá liệu SO2 có tham gia cùng với CO2 trong việc ảnh hưởng tới sự tuyệt chủng hay không".
Một nghiên cứu tập trung vào giai đoạn giữa kỉ Triat và kỉ Jura, thời điểm được cho là đánh dấu sự tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật đã chỉ ra rằng sự tuyệt chủng các loài sinh vật trong quá khứ không diễn ra một cách từ từ, trải dài qua hàng triệu năm như người ta vẫn nghĩ.
Trước đây, việc sử dụng hoá thạch để xác định một cách chi tiết về tốc độ tuyệt chủng là điều vô cùng khó khăn. Hoá thạch chỉ cung cấp một bức ảnh chộp nhanh hay cái nhìn thoáng qua về những sinh vật từng tồn tại trong quá khứ.
Nhà khoa học Peter Wagner thuộc Viện bảo tàng khoa học tự nhiên quốc gia Mỹ ở Washington D.C đã phát triển một kĩ thuật cho phép phát hiện những dấu hiệu suy tàn sớm nhất của hệ sinh thái cổ, trước khi thực vật bắt đầu bị tuyệt chủng. Phương pháp này cho biết những dấu hiệu cảnh báo sớm rằng liệu hệ sinh thái có đang trong tình trạng nguy hiểm không.
Wagner cho biết: "Đào sâu 20 mét ở mỏm đá khu vực East Greenland, các hoá thạch thu được cho thấy sự chênh lệch về đa dạng loài như trong ước tính. Nhưng ở độ sâu 10 mét cuối cùng, sự đa dạng loài đã giảm thấp tới mức vượt ra khỏi giới hạn của sai số tự nhiên. Hệ sinh thái ngày càng ít hỗ trợ cho sự sinh tồn của loài”.
Người ta ước tính rằng, tới năm 2100, mức CO2 trong khí quyển có thể tăng gấp 2,5 lần so với mức độ hiện tại. McElwain cho biết: "Dĩ nhiên đây là một viễn cảnh tồi tệ nhất. Tuy vậy, chính ở tại ngưỡng này sự huỷ diệt hệ sinh thái cổ đã thực sự diễn ra”.
"Cần chú ý trước những dấu hiệu cảnh báo sớm của sự huỷ hoại trong hệ sinh thái hiện đại. Bài học từ quá khứ cho thấy mức độ tuyệt chủng cao - có thể lên tới 80% - có thể diễn ra rất đột ngột. Tuy nhiên chúng thường được báo trước bằng sự thay đổi sinh thái học trong một thời gian dài”.
"Những dấu hiệu cảnh báo sớm của sự tàn phá phô bày một cảnh hiển hiện”. McElwain cho biết. "Mối đe dọa lớn nhất tới mức độ đa dạng sinh thái học hiện nay là sự thay đổi trong việc sử dụng đất như việc phá rừng. Nhưng thậm chí chỉ cần sự thay đổi tương đối nhỏ trong lượng CO2 và nhiệt độ trái đất cũng gây ra những hậu quả khôn lường cho hệ sinh thái".
Và tác động trực tiếp tới hiện tại
Bản báo cáo của các chuyên gia y tế công cộng hàng đầu là một văn bản mới nhất trình bày chi tiết những tác động của cuộc khủng hoảng môi trường đang đến gần và là văn bản đầu tiên đề cập đến vai trò của những nhà chăm sóc sức khoẻ nhằm cải thiện vấn đề.
Anthony Costello, giáo sư Nhi khoa và Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường ĐH London (Anh) phát biểu tại cuộc Hội thảo quốc tế: "Đó là một dự báo xấu đối với trẻ em toàn thế giới. Người chịu hậu quả là con và cháu chúng ta. Ngay cả những dự báo lạc quan nhất cũng phải lo ngại sâu sắc và yêu cầu hành động".
Ma mút - một loài vật nổi tiếng cổ xưa đã diệt vong vì sự thay đổi khí hậu. |
"Không một tổ chức quốc tế nào có thể đưa ra được các giải pháp có hiệu quả vấn đề hết sức phức tạp này." GS. Richard Horton viết trên Tạp chí Lancet. "Đó là một mối đe dọa cấp bách và nguy hiểm. Nó đòi hỏi một sự đáp ứng chưa từng có tiền lệ của các chính phủ và các tổ chức quốc tế".
Tuyệt đại đa số các chuyên gia, 95%, thậm chí 99% đều nhất trí cho rằng Trái đất đang bị nóng lên. Kirby Donnelly, giám đốc Trung tâm Y tế nông thôn Texas nói "Chỉ còn lại chuyện cần bàn là những vấn đề gì sẽ xuất hiện và làm thế nào để đối phó với chúng".
Bản báo cáo dựa trên dự báo của các chuyên gia là đến cuối thế kỷ này Trái đất sẽ nóng lên từ 2 đến 6 độ C, và lấy theo dự báo lạc quan là 4 độ.
Với sự tăng nhiệt độ như vậy, những vấn đề y tế sau đây có thể xảy ra:
1. Những bệnh như sốt xuất huyết và sốt rét trước đây quan niệm là bệnh ở xứ nhiệt đới sẽ chuyển lên phía bắc và trở thành phổ biến do nhiệt độ tăng.
2. Những đợt nắng nóng sẽ làm chết nhiều người hơn ở nhiều vùng hơn trên thế giới (đợt nắng nóng năm 2003 đã làm chết trên 70.000 ở châu Âu).
3. Năng suất mùa màng sẽ giảm, dẫn tới mất an ninh lương thực. 800 triệu người phải lên giường ngủ với cái bụng lép kẹp.
4. Nước khan hiếm dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày và suy dinh dưỡng tăng gấp bội.
5. Những thiên tai như lũ lụt rút nhanh do sự thay đổi bản đồ mưa và tan băng sẽ ngăn cản việc tiêu thoát nước đến bệnh tiêu chảy và nhiều bệnh tật khác.
6. Nhiều người ở thành phố sẽ lâm vào cảnh thiếu nhà ở, xuất hiện các khu nhà ổ chuột, những bất công về phúc lợi y tế, đặc biệt nguy hiểm khi có thiên tai, dịch bệnh.
Các tác giả bản báo cáo đề xuất các chính sách giảm các khí thải cacbon, cưỡng chế tạm thời việc thải và bình đẳng hoá hệ thống phúc lợi y tế cùng các biện pháp khác.
Bản báo cáo kết luận: "Sự nóng lên của Trái đất tác động đến toàn hành tinh và tác động sâu sắc nhất đến ngành y tế công cộng, làm nảy sinh nhiều vấn đề y tế - xã hội. Đã đến lúc phải hành động tích cực, ngăn chặn sự tăng nhiệt độ này mà trước hết là giảm khí thải trên phạm vi toàn cầu. Nếu hành động càng muộn, khó khăn sẽ càng lớn và càng khó giải quyết".
(Theo Phan Minh // Sức khỏe & Đời sống // ScienceDaily, HealthDay)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com