Theo dự báo của các chuyên gia, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2009 ước đạt khoảng 55 tỉ USD, giảm gần 12% so với năm trước, nhưng trong đó đáng chú ý là dệt may đã qua mặt dầu thô trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, với dự báo đạt 9,1-9,2 tỉ USD, vượt kế hoạch 1-2%. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, giá bình quân của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm, việc dệt may đạt được kết quả như trên là rất ấn tượng.
Nếu so với những tháng cuối năm cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu dệt may tới 3 thị trường hàng đầu là Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tháng 10 đạt gần 800 triệu USD, tăng khoảng 15% so với tháng 10-2008; sang Nhật Bản đạt hơn 80 triệu USD, tăng 10%; sang EU đạt 1,6 tỉ USD... Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tới các thị trường ASEAN, Nga và Canada cũng đạt mức tăng khá vào những tháng cuối năm.
Dệt may tạo ra nhiều việc làm cho lao động nữ. Ảnh: Dongnai |
Có thể nói, ngành dệt may đã thể hiện sự năng động và chủ động trong hội nhập để vươn lên sau nhiều khó khăn về thị trường và lao động hồi đầu năm. Trước hết là sự chủ động đẩy mạnh số lượng xuất khẩu khi giá cả hàng dệt may giảm theo xu hướng chung của thế giới. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2009 có điểm khác biệt so với những năm trước đây khi tỷ lệ nội địa hóa hàng dệt may đạt 42 – 43%, so với 37% năm 2008. Theo số liệu xuất khẩu dệt may 11 tháng đầu năm nay, lượng nguyên liệu nhập khẩu sử dụng cho sản xuất dệt may trị giá 4,7 tỉ USD, giảm từ 12 – 16%, so với 8,2 tỉ USD giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhờ tỷ lệ nội địa hóa cao nên theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), hàng dệt may của nước ta được hưởng ưu đãi thuế khi vào thị trường Nhật.
Các doanh nghiệp không chịu ngồi yên chờ thị trường thế giới hồi phục sau khủng hoảng mà đã vươn tới những thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi, Đông Âu... Việt Nam đã xuất khẩu vải sang thị trường Trung Đông, khăn bông và phụ liệu sang một số nước. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, châu Âu có kim ngạch lên tới 7 - 8 tỉ USD, các doanh nghiệp bắt đầu phát triển tới những thị trường mới có quy mô nhỏ 100 - 200 triệu USD.
Nhờ chủ động tìm kiếm thị trường, đa phần các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý I, và một số nhận được đơn hàng đến hết quý II/2010. Đây là tín hiệu đáng mừng. Theo các doanh nghiệp, đặc điểm chung nhất của những đơn hàng mới là có số lượng sản phẩm lớn hơn và đơn giá tăng lên đáng kể so với những đơn hàng trong năm 2008 và 2009. Đơn giá có khi tăng lên khoảng 10% so với giữa năm 2009. Thậm chí sau thời gian sa thải lao động để củng cố hoạt động, nhiều doanh nghiệp hiện không có sự chuẩn bị tốt, phải từ chối bớt đơn hàng. Theo đánh giá của các chuyên gia, đơn hàng tăng có thể vì lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam chứ thị trường hiện chưa hoàn toàn hồi phục. Thực tế, Việt Nam đạt khoảng 10 tỉ USD trong hơn 100 tỉ USD thị trường dệt may thế giới.
Bên cạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đang rất quan tâm đến thị trường nội địa và hiện đang xúc tiến hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn, kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn, góp phần đẩy mức tiêu thụ nội địa trong 10 tháng tăng trên 18% so với cùng kỳ.
Sự vươn lên của ngành dệt may đặc biệt có ý nghĩa khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu bị tác động do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn tới giảm sản xuất và mất việc làm. Tuy chưa có mức lương hấp dẫn, nhưng dệt may là ngành tạo ra rất nhiều việc làm cho xã hội, nhất là lực lượng lao động từ nông thôn. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện ngành dệt may đang tạo ra việc làm cho khoảng 2 triệu lao động trên cả nước. Theo kế hoạch đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 10,5 tỉ USD và 16-18 tỉ USD năm 2015 với sản phẩm có hàm lượng giá trị nội địa cao hơn. Để đạt được mục tiêu đó, ước tính nhu cầu sử dụng lao động sẽ tăng lên trên 3,5 triệu người. Đây là một trong những lợi ích thiết thực do ngành dệt may mang lại.
(Theo N.Minh/Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com