Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ vườn kiểng Hoàng Duy ở Chợ Lách. Ảnh: Ban Mai |
Nằm giữa hai dòng sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên, quanh năm được phù sa bồi đắp, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nhận được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên. Với những vườn trái cây trĩu quả, vườn ươm cây giống xanh mướt, cồn cát mênh mang cùng những rừng dừa soi mình xuống các con sông chở nặng phù sa. Cư dân ở đây đã tận dụng những ưu đãi này, vươn lên làm giàu.
Cái nắng gay gắt của ngày hè vẫn không làm loãng đi không khí mát mẻ trong ngôi nhà được làm toàn bằng rễ cây si của nghệ nhân trồng cây kiểng Nguyễn Văn Công, ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách. Ông Công gọi ngôi nhà của mình là thư quán, một căn phòng đọc sách được “xây dựng” chỉ với... lá và cây. Ngồi trong “thư quán”, khách tham quan như lạc vào một thảo cầm viên, với đủ loại cây kiểng thú được trưng bày. Những bầy nai rừng đang ngơ ngác gặm cỏ bên những chú hươu nhô đầu ra khỏi bờ dậu, góc bên kia là cặp rồng đang vươn mình bay lên... Năm năm trước, chủ nhân của khu vườn phải “chạy ăn từng bữa” vì những loại hoa, cây cảnh “dội chợ”, mỗi năm chỉ làm được có mấy tháng cận Tết. Ông Công nghĩ phải thay đổi cách làm, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong một lần, ngồi dưới những ngôi nhà được lợp bằng lá dừa, ông nảy ra ý định, tại sao không thể làm những ngôi nhà bằng cây xanh, cột kèo là thân cây, mái bằng lá cây? Và những ngôi nhà như vậy được ra đời. Sau đó, đơn đặt hàng các loại kiểng dành cho các công trình lớn như nhà hàng, khách sạn, nhà biệt thự đến với ông ngày càng nhiều hơn. Giá mỗi cây kiểng công trình bán ra thị trường dao động từ 6-10 triệu đồng. Ngoài việc bán cây, ông Công còn đảm nhận dịch vụ “hậu mãi” cho khách hàng. “Khách hàng xuống vườn chọn mua cây, sau đó tôi sẽ thuê xe đưa cây lên thành phố, lắp ráp và cắt tỉa cây cho hợp với cảnh quan nhà của gia chủ”, ông chủ vườn cho biết. Lần đầu chỉnh sửa cây, hướng dẫn chăm sóc cho khách hàng, ông Công không lấy tiền công, mà chỉ tính tiền xe đi lại. Những lần chỉnh sửa cây tiếp theo mỗi năm, ông mới tính thêm phí dịch vụ. Dịch vụ chăm sóc cây của ông khá đắt hàng, ông Công và các công nhân của mình đi lại liên tục qua các tỉnh thành để chăm chút cho những “đứa con xa xứ”. Nhờ dịch vụ này, vườn kiểng Năm Công giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Không dừng lại ở thị trường nội địa, những cây kiểng công trình của ông Công cũng thu hút sự quan tâm của khách hàng từ Trung Quốc, Đài Loan và Singapore. “Tôi vừa ở Singapore về, sau khi bán cây cho họ, mình phải hoàn tất việc trồng và chăm sóc cây theo hợp đồng”, lão nông Nguyễn Văn Công hồ hởi khoe. Những ngày này, ông Công tất bật hơn. Một mặt, ông đang chuẩn bị những cây kiểng lớn cho ngày hội các sản phẩm nông nghiệp của huyện Chợ Lách, mặt khác ông bận chăm chút, cắt tỉa lại vườn kiểng của mình, chuẩn bị đón khách tham quan. Vườn kiểng của ông được chọn làm điểm đến cho khách du lịch, trong tour tham quan miệt vườn sông nước của huyện Chợ Lách. Khu vườn của ông cũng đang chộn rộn, với bê tông, vôi vữa, xi măng, đá gạch để xây thêm nơi nghỉ chân cho du khách. Chỉ tay vào công trình đang xây dựng, lão nông Năm Công tâm sự: “Chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ du khách tốt hơn, bằng cách tạo ra nhiều dịch vụ mới như ẩm thực, nghỉ ngơi, thư giãn... sau khi thăm vườn kiểng”. Vùng đất cây lành trái ngọt Chợ Lách không chỉ sản sinh ra những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, với những làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng độc đáo. Chợ Lách còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bình chọn là nơi sản xuất giống cây ăn trái do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam. Thật vậy, Chợ Lách có những nông dân nhạy bén với những thay đổi của thị trường, liên tục thay đổi giống cây, hoa để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chẳng hạn như ông chủ vườn kiểng Hoàng Duy, Nguyễn Văn Hoàng. Ông chủ động thăm dò thị trường xuất khẩu, nhập những giống kiểng đang được ưa chuộng ở thị trường quốc tế, chăm sóc cây và xuất trở lại với giá trị cao hơn nhiều so với nhập khẩu. Ông Hoàng cho biết sau khi nhập những giống cây này về trồng, gia đình ông tạo ra nhu cầu cho thị trường nội địa, bằng cách địa phương hóa tên gọi cho những giống cây này. “Bí quyết của chúng tôi là đưa vào thị trường nội địa những cây cảnh lá màu mới lạ, có tên gọi dễ nhớ và càng... sang trọng, đài các càng tốt”. Vị chủ nhân của vườn kiểng Hoàng Duy hóm hỉnh chỉ tay vào khu vườn xanh mướt những cây kiểng nói, “này là cây Công chúa, Bạch mã hoàng tử, Cung điện hoàng hậu...”. Vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây kiểng, nông dân ở Chợ Lách có thể tự hào về những thành quả trong thời gian qua. Theo ông Lê Phước Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, hiện toàn huyện có 4.209 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh hoa kiểng. Mỗi năm, huyện Chợ Lách xuất ra thị trường khoảng 10 triệu cây các loại, chủ yếu là kiểng lá, bonsai, kiểng thú và các loại cây công trình. Thị trường tiêu thụ chính của cây kiểng là TPHCM, các tỉnh thành khác và một số quốc gia trong khu vực. Doanh số thu được mỗi năm từ những vườn kiểng ở Chợ Lách đạt khoảng 100 tỉ đồng. Tuy nhiên âu lo nhất của huyện Chợ Lách là tình trạng canh tác nhỏ lẻ. Nhà vườn chưa tiếp cận những thành tựu kỹ thuật nhằm tạo ra hàng hóa có số lượng lớn, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh để tham gia vào thị trường quốc tế.
(Theo Ban Mai // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com