Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
Sự sắp đặt của số phận
Trong một cuộc trò chuyện, tôi hỏi bác Thành quê ở đâu? Ông đáp: “Bác Thành nhiều quê lắm, sinh ra ở Quảng Nam, lớn lên chút vào Sài Gòn, rồi sang Pháp, sang Mỹ và về Việt Nam. Sau đó lại sang Pháp 20 năm, qua Mỹ 6 năm và 20 năm nay ở Việt Nam”.
Nhìn cách ông say sưa kể về gia đình với những kỷ niệm êm đềm về mẹ, về bà ngoại... với nụ cười tươi tắn thường trực trên môi, không ai nghĩ rằng, tết năm nay ông bước sang tuổi 80.
Bắt đầu du học từ năm 17 tuổi, ông sang Pháp theo học ngành khoa học hàng không vũ trụ. “Nhưng ba tôi khuyên nên chọn con đường kinh tế. Khoa học vũ trụ cũng rất hay, nhưng học kinh tế sau này sẽ giúp được nhiều cho đất nước”- Ông Thành kể.
Ông được học bổng học ở một trường dòng ở Hoa Kỳ nhưng sau đó chuyển lên học ngành kinh tế tài chính tại Đại học Columbia, New York. Đây là đại học hàng đầu của Mỹ, chuyên về ngành kinh doanh, tài chính. Năm 1954, chàng thanh niên 22 tuổi Bùi Kiến Thành tốt nghiệp ngành kinh tế tài chính tại đây. Ông là người Việt đầu tiên được đào tạo về tài chính bài bản tại Hoa Kỳ.
Nhà tài chính họ Bùi cũng cho rằng mình có may mắn được đào tạo ở một môi trường rất tốt và có nhiều bạn bè sau này là những chính khách, nguyên thủ của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Nó tạo cho mình có chỗ quan hệ để sau này nhờ đó giúp ích được cho đất nước.
“Cũng lạ lắm, cuộc đời sắp sếp cho mình ngồi nói chuyện, quen biết những người chức vụ cực lớn ngay từ lúc họ là người bình thường và lúc họ trở thành nguyên thủ rồi trở lại bình thường”.
Ông bắt đầu câu chuyện về Ngô Đình Diệm như thế. Lần đầu tiên ông biết Ngô Đình Diệm là từ hồi còn nhỏ. “Những năm đó, Ngô Đình Diệm là bạn của gia đình tôi. Có lần ông phải chạy trốn trong một nhà thờ ở Sài Gòn, bà má tôi mới nấu mì Quảng đưa tôi mang vào cho ông. Năm 1952, tôi gặp lại ông bên Mỹ, môi cuối tuần, chúng tôi lại gặp nhau trò chuyện”.
Năm 1954, Ngô Đình Diệm trở về làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam.
Ông Thành kể: Năm đó, tôi cũng trở về làm cố vấn về kinh tế, tài chính và kiêm luôn phiên dịch cho ông ấy. Tháng 12 năm đó, Chính phủ Pháp trả lại ngân hàng Đông Dương, tôi được cử đi tiếp quản và thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Ngoại hối”.
Hai năm sau, ông lại được Ngô Đình Diệm cho quay trở lại Mỹ học nâng cao và thành lập văn phòng Đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại Mỹ. Lúc đó ông mới 24 tuổi, là người trẻ tuổi nhất trong hơn 60 đại diện Ngân hàng nhà nước tại Hoa Kỳ.
Ông cũng tâm sự, số phận cho ông gặp Ngô Đình Diệm, trở thành bạn vong niên thân thiết, rồi giúp Ngô Đình Diệm, được giao nhiều trọng trách có ích cũng mang lại cho ông nhiều cơ hội.
Thế nhưng số phận trớ trêu, năm 1963, Chính quyền Diệm bị đảo chính. Ông Thành nhớ lại: “Trong danh sách 12 người cần phải bắt ngay của "Hội đồng quân nhân cách mạng" thì đứng đầu là Ngô Đình Diệm, đứng cuối là Bùi Kiến Thành”. Rồi ông bị bắt giam 15 tháng.
“Tôi ra đi năm 1965, sang Pháp, nấp mình dưới khoang một tàu viễn dương, lênh đênh số phận một “thuyền nhân” rời xa quê hương vì không chấp nhận những lý do và hoàn cảnh của chiến tranh”, ông chia sẻ.
Cùng năm đó, ông bắt đầu vào kinh doanh bất động sản, phát triển xây dựng nhà đất tại Pháp. Chỉ một năm sau, từ tay trắng, ông đàng hoàng đưa vợ và 4 người con sang Pháp sinh sống. Năm 1884, sau 20 năm ở Pháp ông chuyển sang Mỹ. Ông làm giám sát khu vực Chicago (Mỹ) của Tập đoàn Tài chính Quốc tế Mỹ American International Group (AIG).
Người chiến sỹ âm thầm
Từ năm 1980 nhận lời mời của một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, ông có đưa ra nhiều đóng góp và được công nhận trong sự nghiệp xây dựng chính sách đổi mới, chuyển đổi từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường... Tháng 11/1991, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông bỏ lại gia đình và tất cả những gì đã có sau nửa đời bôn ba.
Lý do khiến ông trở về là bởi muốn tiếp tục công việc đã làm từ trước đến nay, từ 1980 đến 1991. Lúc đó, bối cảnh đất nước cũng rất nghiêm trọng. Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam làm sao để tìm lối thoát? Các vị lãnh đạo có muốn tôi về Hà Nội cùng giúp sức góp ý. Được tiếp tục đóng góp cho đất nước thì cũng thấy thú vị lắm.
Ông nhớ lại một kỷ niệm: “Trước khi Mỹ công nhận ngoại giao với Việt Nam, một hãng dầu khí Mỹ ký hợp đồng với Trung Quốc khai thác dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam. Sau khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời vào hỏi ý kiến, tôi quay sang Mỹ”.
Tổng thống Mỹ cho phép chính phủ Việt Nam trước khi mở quan hệ bình thường, để giải tỏa cấm vận đặc biệt của Chính phủ Hoa Kỳ, cho phép Việt Nam thuê Công ty luật Convington & Burling tiến hành nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa. Đặt nền móng pháp lý cho nước ta giải quyết các tranh chấp đã và đang xảy ra tại đây. Cùng lúc đó, Chính phủ Mỹ cũng khuyến cáo công ty dầu khí của Mỹ đừng có triển khai công việc.
Ông đã làm con thoi đi lại giữa Hà Nội và Washington rất nhiều lần để hỗ trợ nhà nước giải quyết thành công các vấn đề hóc búa như cải thiện các mối quan hệ với Hoa Kỳ, chương trình tù binh và mất tích trong chiến tranh (MIA – POW), giải quyết vấn đề tài sản tịch thu của công dân Mỹ sau chiến tranh, thu hồi tài sản Việt Nam bị nhà nước Mỹ tịch thu sau chiến tranh v.v…
Đáng quý hơn, khi biết rằng, để đóng góp ý kiến xây dựng đất nước ông vấp phải sự chống đối của những đối tượng chống đối quá khích. Thầm lặng và liều lĩnh, ông vẫn cứ chấp nhận để được đóng góp sức mình xây dựng quê hương.
Gần đây nhất, ông tư vấn cho Cục Hàng Hải Việt Nam lập dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Văn Phong, tỉnh Khánh Hoà, với tiềm năng trở thành một cảng biển hàng đầu trong khu vực Châu Á.
Bài học từ người mẹ.
Dù là người nổi tiếng, từng thành công trong nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh doanh, cố vấn, chuyên gia cao cấp... nhưng tiếp xúc với ông ai cũng thấy ở ông một sự khiêm nhường, cũng như cảm nhận được sự gần gũi.
Ông chia sẻ, trong kinh doanh, ông có được nhiều bài học từ sự liều lĩnh của cha – bác sỹ Bùi Kiến Tín, trong cuộc sống ông học được nhiều phẩm chất quý từ mẹ.
“Ông ngoại làm quan, liên tục phải đi ra, đi về giữa Quảng Nam với Huế, anh Hai thì học ở Hà Nội, bà cụ (mẹ ông) là cô Ba. Mới 13 tuổi đã phải gánh vác toàn bộ công việc nông trại rộng mấy chục mẫu ruộng của gia đình ”. Ông Thành chia sẻ.
“Năm 1944, tôi 13 tuổi, lúc đó là, ba tôi – bác sỹ Bùi Kiến Tín đưa cả gia đình chuyển vào Sài Gòn. Cũng tại đây, ba tôi đã lập ra viện bào chế đông dược miền Nam và tạo nên thương hiệu “Dầu gió Bác sĩ Tín” mà cả miền Nam thời ấy sử dụng. Sau giải phóng Viện được chuyển giao cho Nhà nước quản lý, hiện nay là Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC nổi tiếng khắp cả nước”.
Ông Thành nhớ: “ Tại xưởng sản xuất, ông cụ lo phần chuyên môn kỹ thuật, còn bà lo điều khiển nhân viên. Bà điều khiển viện bào chế rất tốt, rất có uy đối với nhân viên cũng như trong gia đình. Bà sống rất thoải mái, giúp được nhiều người. Có người bà nuôi trong nhà, có người bà nuôi nơi này, nơi kia để cho có chỗ ở”.
Có một điều đặc biệt là bà đối xử bỉnh đẳng với tất cả mọi người, từ những người ông Tổng thống Ngô Đình Diệm, cho tới những người nhân viên trong xưởng, nhân dân hay cán bộ chiến sỹ thì với bà đều là những người tốt ngang nhau cả.
“Bà rất bình dân, giản dị không bao giờ tỏ ra là mệnh phụ phu nhân. Bà chơi với ai cũng được, từ người bán hàng rong, anh lái xe, cho đến bộ trưởng, Tổng thống... bà cũng đều quý như nhau hết. Mà ai cũng thương, cũng nể bà” - ông Thành chia sẻ.
Ông nhớ: “Bà có một nhà máy gạch ở Biên Hòa, gần sông Đồng Nai. Có một anh lái xe cho bà là cán bộ của kháng chiến. Năm 1968, tết Mậu Thân, anh này chỉ huy một đội quân đánh Sài Gòn, ông dùng xe tải của nhà máy gạch chở quân từ Biên Hòa về Sài Gòn. Quân thì ở trong, bên ngoài chồng gạch lên. Đi đến đâu, cảnh sát Sài Gòn thấy xe của bà bác sỹ Tín thì họ nể lắm, không kiểm soát gì. Thế nên, anh này chở quân về Sài Gòn chót lọt”.
Rồi cũng năm đó, anh bị bắt, đày ra Côn Đảo. Ông Thành nhớ: “ Anh bị giam ở Côn Đảo bà cũng ra thăm dù rằng anh này chỉ là lái xe của bà. Hồi đó, bà gọi người phu nhân của một tướng lĩnh Không quân đến và nhờ bà phu nhân về nói với chồng cho mượn chiếc trực thăng để ra Côn Đảo. Vị phu nhân này ngạc nhiên hỏi ra làm gì, thì bà chả lời “Tui có một anh lái xe bị giam ở đó thì muốn ra thăm anh này thôi chứ chẳng có chuyện chi”.
Tôi học được ở bà phong cách bình dân, giản dị, không kiêu hãnh với ai. Mọi người đều bỉnh đẳng với nhau, dù là bán hàng rong, hay bộ trưởng, mỗi người có cái phẩm giá của người ta, mình thấy những cái hay, cái đẹp của mỗi người.
Năm 2004, ông là một trong Việt kiều tiêu biểu đầu tiên được bầu chọn danh hiệu Vinh danh nước Việt. Ông vẫn khiêm nhường: “Khi đứng lên bục nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt", lòng tôi như nghẹn lại vì xúc động. Xúc động vì so với những gì toàn dân tộc ta đã làm từ xưa đến nay, tôi cảm thấy công lao đóng góp của mình chỉ là hạt cát nhỏ bé”.
Để kêt thúc câu chuyện, người viết hỏi ông về mong ước của ông trong tương lai? Ông cho biết: “Ước mơ là làm sao tạo được môi trường thông thoáng để đất nước phát triển tốt, để phát triển tự do dân chủ của mọi người, phát triển cơ hội cho toàn dân để xây dựng đất nước giàu mạnh tự do hạnh phúc”.
---------------------------------------------------------------------------------
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Nhận định về thị trường tiền tệ năm 2011
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com