Thay vì bán hàng cao cấp tại các đô thị lớn, dân kinh doanh điện máy đang tính dạt về ven đô và đi vào thị trường ngách để khai thác thị trường mới và tránh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
2011 là năm điêu đứng chưa từng xảy ra với ngành hàng điện máy. Do khó khăn và không cạnh tranh nổi với các siêu thị điện máy trong những mặt hàng thông dụng, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ đã chuyển hướng kinh doanh, đi theo thị trường ngách.
Thống kê của một số siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội cho thấy, tính đến cuối tháng 12/2011, ngành này tăng trưởng chưa tới 10%. Nhiều siêu thị đang bị thua lỗ và hàng tồn kho chồng chất. Điều này khác xa với dự báo khả quan của GFK (Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ Đức), tăng trưởng thị trường điện máy Việt Nam năm 2011 là 40%.
Chọn thị trường mới
Khó khăn lộ rõ với tất cả từ cửa hàng nhỏ lẻ cho đến những siêu thị điện máy lớn. Lợi nhuận bán hàng rất thấp hoặc không có. Bán 1 chiếc ti vi LCD 32 inch, lợi nhuận cao nhất chỉ ở mức 3%. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn còn khả dĩ hơn laptop, máy ảnh, đầu DVD, máy quay... tất cả đều không có lãi.
Người mua thưa thớt, chỉ dịp nào khuyến mãi khủng mới thấy nhộn nhịp, còn hầu như các siêu thị lúc nào cũng vắng khách. Kinh tế khó khăn khiến nhu cầu về hàng điện máy giảm mạnh. Nhiều cửa hàng điện máy nhỏ lẻ tại phố Hai Bà Trưng lâm vào cảnh khó khăn, doanh số bán hàng năm nay chỉ bằng 60%-80% so với 2010.
Không cạnh tranh nổi với các siêu thị điện máy trong những mặt hàng thông dụng như tivi, máy giặt điều hoà, tủ lạnh... tại phố điện máy Hai Bà Trưng Hà Nội, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ đã chuyển hướng kinh doanh, đi theo thị trường ngách với các thiết bị nghe nhìn cao cấp, máy ảnh, máy ghi âm chuyên nghiệp, hàng điện máy xách tay... - vốn không phải là thế mạnh của các siêu thị điện máy. Những mặt hàng này có số lượng ít và phục vụ cho đối tượng khách hàng có lựa chọn (khả năng chi trả cao) song lợi nhuận thu về lớn. Đây được cho là hướng đi đúng của các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ.
Chủ một cửa hàng ví dụ, khi chuyển sang bán thiết bị âm thanh cao cấp, chỉ cần bán một chiếc giá để thiết bị này cũng lãi hơn bán 1 chiếc ti vi LCD 32 inch rồi. Những sản phẩm đơn chiếc là hàng xách tay từ các nước Nhật, Mỹ, Tây Âu... hiện được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng nhỏ lẻ trên phố Hai Bà Trưng.
Sự kiện Wonder Buy phá sản là phát sung đầu tiên trên bức tranh xám xịt của thị trường điện máy (ảnh SGTT) |
Tuy nhiên, xuất xứ hàng hoá thì không phải tất cả đều rõ ràng. Vấn đề bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm không phải cửa hàng nào cũng có đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp và phục vụ tốt. Nhiều sản phẩm còn không có linh kiện thay thế. Các cửa hàng phải chấp nhận rủi ro trong chuyện này. Họ phải trả tiền hoặc tự sửa cho khách nếu hàng bị hỏng.
Do vậy, nhiều địa chỉ đã bị loại khỏi cuộc chơi do thiếu đội ngũ bảo hành chuyên nghiệp, dịch vụ chất lượng chưa tốt, mất uy tín với khách hàng.
Thời gian qua, nhiều cửa hàng cũng đẩy mạnh tăng chất lượng dịch vụ sau bán hàng và khai thác nguồn hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có bảo hành chính hãng.
Chạy ra vùng ven
Trong khi các cửa hàng nhỏ lẻ hướng vào thị trường ngách thì các siêu thị điện máy lại đang có xu hướng dịch chuyển ra vùng ven. Mới đây tại Hà Nội, Công ty Trần Anh và Media Mart đã mở siêu thị tại Long Biên. Ra khu vực vùng ven có lợi thế là phí thuê mặt bằng thấp. Trong nội thành giá thuê 1m2 sàn lên tới 30 USD thì tại quận Long Biên chỉ 10 USD/m2 lại tận dụng được hạ tầng như bãi đỗ xe rộng rãi.
Đặc biệt, chuyển ra vùng ven, các siêu thị nhắm tới khách hàng ngoại tỉnh. Đại diện Trần Anh cho hay siêu thị điện máy mới mở tại Long Biên thu hút nhiều khách hàng từ Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... Doanh số bán ra của siêu thị này bằng siêu thị tại Tây Sơn và Cầu Giấy cộng lại. Tất nhiên, bán chạy tại đây là hàng bình dân, chẳng hạn như nồi cơm điện (180.000-300.000 đồng/chiếc)... nhưng bù lại, số lượng bán ra nhiều, có tuần lên tới cả nghìn chiếc.
Dự kiến, các khu vực vùng ven khác như Hà Đông, Nam Thăng Long (Cầu Giấy) thời gian tới sẽ là nơi "đổ bộ" của các siêu thị điện máy.
Bên cạnh việc hướng ra ven đô, các siêu thị điện máy cũng tăng cường mở chuỗi siêu thị. Mới đây, Nguyễn Kim đã mở một chuỗi 5 siêu thị từ Bình Dương tới Đà Nẵng. Đại diện hãng này tiết lộ năm tới sẽ mở tới 50 siêu thị điện máy trên cả nước. Trước đây, các siêu thị điện máy thường thuê mặt bằng lớn từ 7.000-10.000 m2 nhưng nay đã chuyển hướng sang những siêu thị nhỏ 3.000 m2 và đến gần khách hàng hơn.
Đẩy mạnh phá giá
Theo các DN, năm 2012 vẫn là năm khó khăn với ngành hàng điện máy, vì vậy ngoài cắt giảm tối đa các chi phí thì các siêu thị cũng sẽ đẩy mạnh phá giá và giảm giá sâu nhiều sản phẩm.
Bắt đầu vào đầu tháng 1/2012 các siêu thị sẽ liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi rầm rộ với nhiều sản phẩm giá giảm từ 20-50%. Cũng trong năm tới, dự báp các chương trình khuyến mãi khủng như giá tivi LCD rẻ như tivi CRT, giá laptop rẻ như máy tính cá nhân... được không ít các siêu thị tung ra để kích cầu tiêu dùng.
Phá giá và giảm giá sâu được coi là chiêu khuyến mãi nhằm tăng cảm xúc cho khách hàng. Theo các siêu thị, mỗi chiếc ti vi LCD bán ra trong các chương trình khuyến mãi như vậy, nhà bán lẻ có thể lỗ trên dưới 300.000 đồng/chiếc, nhưng người ta không quan tâm tới điều này. Phá giá, mục đích người bán hàng hướng tới tất nhiên không phải là lợi nhuận, mà đó là các hiệu quả khác như khẳng định thương hiệu, thu hút khách hàng, gây sức ép với đối thủ cạnh tranh và tăng thị phần...
Tuy nhiên, không phải DN bán lẻ điện máy nào cũng có thể áp dụng chiêu khuyến mãi này. Để làm được như vậy phải đảm bảo 3 điều kiện là quy mô lớn, hệ thống quản lý, điều hành tối ưu và tài chính mạnh.
Những DN nào mạnh sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển, còn DN nào không đủ lực sẽ phải giải thể phá sản, sáp nhập. Xu hướng mua bán, sáp nhập đang âm thầm diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị điện máy. Tại Hà Nội hiện có trên 30 siêu thị máy lớn, dự báo sang 2012 một nửa trong số này sẽ bị bán hoặc sáp nhập.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com