Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ II: Thất thủ cao nguyên, CIA đổ lỗi cho tướng lĩnh Sài Gòn

Trùm CIA tại Sài Gòn Polgar (trái) vào Trại David (trong sân bay Tân Sơn Nhất) 5/1973

Trong khi Stephens và cộng sự lên máy bay rời Plâyku thì Polgar, Trưởng Văn phòng CIA Sài Gòn, lại soi xét các báo cáo để cố xác minh chính xác ý định của quân đội VNCH đối với vùng cao nguyên.

Liên lạc với tướng Đặng Văn Quang (cố vấn an ninh của Tổng thống Thiệu) và tướng Lê Nguyên Khang (phụ tá hành quân của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH), Polgar cùng nhận được câu trả lời: không biết gì về quyết định triệt thoái quân đội VNCH khỏi cao nguyên.

Tướng Khang nói với Polgar rằng vừa gặp tướng Cao Văn Viên buổi sáng, và tướng Viên nói rằng chẳng có vấn đề gì cả.  Quyền trưởng Phái bộ Mỹ tại Sài Gòn, Wolfgang Lehmann, cũng nói với Polgar là vừa gặp Tổng thống Thiệu lúc 9 giờ sáng - có lẽ lúc ấy báo cáo của Stephens về cuộc họp ở Cam Ranh chưa đến tay Polgar - và  ông Thiệu không nhắc gì đến chủ đề này.

Do vậy Polgar suy đoán rằng ông Thiệu có thể đã định chuẩn y về nguyên tắc kế hoạch của tướng Phú là di tản khỏi Plâyku và Kontum để tập trung binh lực nhằm phản công giành lại Ban Mê Thuột. Với cách giải thích này thì tướng Phú đã hiểu sai và hành động hấp tấp dẫn đến hậu quả thê thảm.

Về việc Chính quyền Sài Gòn không hề có động tác thông báo cho Phái bộ Mỹ, Polgar cho rằng không thể xảy ra việc rất nhiều đầu mối của Phái bộ Mỹ biết mà lại cố tình lờ đi. Nhận định của Polgar là thực sự họ không hề biết điều mà tướng Phú đưa ra trong kế hoạch.

Nhưng sau đó, ngày 17/3/1975,  tướng Cao Văn Viên trả lời cơ quan tùy viên quân sự Mỹ một sự thật rằng việc triệt thoái quân khỏi cao nguyên đã được thực hiện.

Trưởng cơ quan tùy viên quân sự Mỹ, tướng Homer Smith chất vấn tướng Viên vì sao nói không có chuyện gì khi hai người gặp nhau tại cuộc họp ở Cam Ranh ngày 14/3, thì ông Viên đáp: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác, Tổng thống Thiệu trực tiếp ra lệnh và không cho để lộ quyết định”.

Cuộc rút chạy khỏi Plâyku của quân lực VNCH buộc CIA tại Sài Gòn lo ngại một cuộc tấn công mở rộng về phía nam của quân đội Bắc Việt. Ngày 14/3, trong khi ông Thiệu họp kín với các tướng lĩnh tại Cam Ranh, Polgar đã đánh giá được chuyện Ban Mê Thuột thất thủ và áp lực của quân đội Bắc Việt đang tăng rất cao ở Tây Ninh.

Polgar cho rằng  cuộc khủng hoảng của VNCH lúc này là tồi tệ nhất kể từ năm 1965 (sau khi quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam), vì thế ông ta báo cáo về tổng hành dinh CIA ở Langley rằng tình hình  ác liệt hơn cả hồi mùa hè năm 1972.

Sau đó, tướng Quang báo với Tổng thống Thiệu chuyện chưa từng xảy ra là “quân đội chán nản, thậm chí tuyệt vọng”, còn tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, nhận định, việc mất cao nguyên là sự tàn phá tâm lý ghê gớm đối với binh sĩ VNCH.

Sự sụp đổ cực kỳ nhanh chóng của quân lực VNCH không chỉ bởi sức mạnh tổng tấn công của quân đội Bắc Việt, mà còn vì lý do VNCH bỏ ngỏ trận địa cho bộ đội Bắc Việt.

Với việc cả Vùng chiến thuật 1 và 2 đều nằm trọn trong tay quân đội Bắc Việt, Văn phòng CIA Sài Gòn gửi báo cáo về Mỹ và muốn tổng hành dinh CIA hiểu rằng, thảm họa này hoàn toàn là do ông Thiệu quyết định ngược đời và sự kém cỏi của các tướng lĩnh dưới quyền ông ta.

Các tướng lĩnh vừa kém năng lực chỉ huy, vừa kém đạo đức, vô kỷ luật, ích kỷ.v.v... và .v.v...Thủ tướng Trần Thiện Khiêm liên đới trong chuyện này chỉ là việc phải tìm bằng được một kẻ giơ đầu chịu báng. Lúc này người Mỹ bắt đầu phàn nàn về VNCH như là “đứa con ngoài giá thú” của Quốc hội Mỹ, gây phiền toái và “phá gia chi tử”!

Còn Hà Nội có thể hài lòng với những gì họ đạt được. Với tình trạng kiệt quệ của VNCH lúc này, liệu Hà Nội có còn quan tâm đến đàm phán với VNCH nữa không?

Hà Nội giờ đây rất mạnh so với cuối năm 1972-khi B52 rải thảm bom xuống Hà Nội, còn Sài Gòn thì rất yếu. “Chúng ta đã thoát khỏi giai đoạn của Kissinger và đi vào giai đoạn của Quốc hội Mỹ, nhưng chúng ta chẳng thể làm được gì nữa rồi” - CIA Sài Gòn viết trong báo cáo gửi Tổng hành dinh như thế.

Ngày 19/3/1975, tổng hành dinh CIA thông báo cho Polgar về một cuộc họp nhiều bên với nội dung "cả Bộ Quốc phòng và đại diện Chính phủ Mỹ đều đánh giá cao  báo cáo của CIA Sài Gòn... hầu hết những nguồn tin về kế hoạch và hành động của miền Nam Việt Nam chỉ có  trong sáu ngày gần nhất mà thôi”.

Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông Graham Martin về Mỹ để chữa bệnh ngắn ngày, và việc giao dịch cấp cao tại Việt Nam  với Tổng thống Thiệu được giao cho ông Lehmann, quyền Trưởng Phái bộ Mỹ tại Sài Gòn.

Báo cáo đáp lại tổng hành dinh CIA,  Polgar miêu tả Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn lúc ấy cứ như “con tàu không người lái” suốt những ngày Đại sứ Martin vắng mặt. Lehmann thì không chỉ đạo được. Số nhân viên cao cấp trong sứ quán thì vừa lơ là vừa sai lầm trong  việc nhận định các tình huống mới, cũng như  hệ lụy của nó.

Theo CIA Sài Gòn, các quan chức Sứ quan Mỹ chỉ đơn thuần “phản ánh thời tiết ở Washington”, họ vẫn chỉ bận tâm với nhóm đối lập không thân cộng sản chống Chính quyền Sài Gòn mà thôi. Nhưng điều đó không còn là vấn đề nữa.

Tổng thống Thiệu không thích cách điều hành trong áp lực ngoại giao nữa. Vì thế, Sứ quán Mỹ chỉ nắm được chút ít thông tin giá trị từ quan chức cấp thấp hơn mà thôi.

Cũng trong ngày 20/3, tổng hành dinh CIA có được thông tin về kế hoạch tổng quát của Thiệu, trong đó có việc khởi động một chương trình di tản bằng đường hàng không sang các nước châu Á (đồng minh của Mỹ) trong tình huống phải tị nạn. Vậy CIA Sài Gòn có thể nắm được Thiệu, hoặc ít nhất là Khiêm (Thủ tướng Trần Thiện Khiêm) hoặc tướng Đặng Văn Quang không?

Báo cáo trả lời của Polgar đề cập cuộc gặp giữa Lehmann với Tổng thống Thiệu cùng ngày 20/3, trong đó có  lưu ý đến một chiến dịch tái chiếm mới và nói nó được vạch ra một cách sơ sài nên chưa  sẵn sàng báo cho người Mỹ theo kênh chính thức.

Polgar  bèn viết trong báo cáo rằng, chúng tôi mong một điều may mắn đối với Chương trình Di tản Châu Á, nhưng nói thẳng ra nó chẳng có gì khác biệt.

Xe tăng của Bắc Việt không thể nào dừng bánh chỉ với sự cảm thông mà phải có súng chống tăng và máy bay mới chặn được xe tăng. Sai lầm của Mỹ là tuân thủ từng điều một của Hiệp định Paris, tức cản trở việc Bắc Việt  dốc toàn lực về quân sự thì lại sẽ bỏ lơi việc kiến tạo một nền độc lập không cộng sản ở Nam Việt Nam.

Tổng hành dinh CIA xác nhận điều đó nhưng lại viện dẫn trách nhiệm sắp xếp chuyện này là  của cấp cao hơn (ám chỉ ông Kissinger và Tổng thống Ford). Và bóng ma thảm họa sụp đổ của chính quyền VNCH ngày càng lộ rõ ở Sài Gòn sau cuộc tháo chạy thê thảm khỏi Plâyku và Kontum vào ngày 21/3.

Sau đó Tổng thống Thiệu đổ tội thất thủ cao nguyên lên đầu tướng Phú, khiến ông này từ chức và  uống thuốc độc tự tử vào ngày 29/4/1975.

(Còn nữa)

_____

Kỳ sau: Phó văn phòng AFP tại Sài Gòn bị thủ tiêu như thế nào?

(Theo Tô Nam - lược dịch // Tienphong Online)