Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ “lớp học Facebook”

Joachim De Lombaert (trái) và Edward Baker, từng tham gia “Lớp học Facebook” trước khi lập mạng xã hội Friend.ly.

Vào mùa thu năm 2007, một lớp học mới lạ dành cho sinh viên trường Đại học Stanford đã ra đời. Tại đây, 75 sinh viên được giao bài tập phát triển những ứng dụng thu hút nhiều người sử dụng chạy trên mạng xã hội Facebook. Khi đó, họ không thể hình dung được lớp học này đã thay đổi cuộc đời họ như thế nào.

Hàng triệu người đã dùng những ứng dụng miễn phí được các sinh viên của Đại học Stanford phát triển. Sau đó, khi các nhà quảng cáo bắt đầu quan tâm, một số sinh viên kiếm được nhiều tiền hơn cả những giảng viên của họ. Sự thành công đáng kinh ngạc của một số dự án tại lớp học nhanh chóng thu hút sự quan tâm của Thung lũng Silicon.

Mô hình thu nhỏ của Thung lũng Silicon

Hơn 500 người, trong đó có nhiều nhà đầu tư, đã tham dự buổi giới thiệu những dự án cuối cùng vào tháng 12-2007. Trong chớp mắt, lớp học nói trên – được biết đến với tên gọi “Lớp học Facebook” – vô tình trở thành bệ phóng cho sự nghiệp và sự thành đạt của hàng chục sinh viên và giảng viên của lớp. Joachim De Lombaert, năm nay 23 tuổi, nhớ lại: “Mọi thứ diễn ra quá nhanh chóng”.

Vào thời điểm đó, viết ứng dụng cho Facebook vẫn còn là một công việc mới mẻ. Tuy nhiên, bằng cách hướng dẫn sinh viên viết những ứng dụng đơn giản, phân phối chúng nhanh chóng và chỉ quan tâm đến việc hoàn thiện chúng sau đó, “Lớp học Facebook” đã giúp hình thành một công thức chuẩn cho một thế hệ doanh nhân và nhà đầu tư mới ở Thung lũng Silicon và những nơi khác.

Đối với nhiều người, chặng đường dài từ việc biến một ý tưởng thành sản phẩm rồi từ đó lập doanh nghiệp đã trở thành một cuộc chạy đua nước rút.

Đã có thời việc thành lập công ty đòi hỏi nhiều tiền bạc, thời gian và con người. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, sự xuất hiện của phần mềm nguồn mở miễn phí và dịch vụ đám mây đã giúp giảm chi phí trong lúc các mạng quảng cáo mang lại doanh thu nhanh chóng hơn. Hiện tượng ứng dụng càng thúc đẩy xu hướng nói trên, từ đó tạo ra một làn sóng phát minh sáng tạo mới.

Ngay từ đầu, “Lớp học Facebook” đã trở thành một mô hình thu nhỏ của Thung lũng Silicon. Làm việc trong từng nhóm ba người, 75 sinh viên của lớp đã phát triển những ứng dụng miễn phí được tổng cộng 16 triệu người sử dụng chỉ trong 10 tuần, đồng thời mang về khoảng một triệu đô la Mỹ doanh thu từ quảng cáo. Những thành công như thế đã truyền cảm hứng để nhiều sinh viên từ bỏ kế hoạch kinh doanh ban đầu và tập trung vào lĩnh vực ứng dụng. Sự thành công không đến với tất cả mọi người, nhưng những người thật sự thành công đã góp phần giúp Facebook phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng bắt đầu xem xét lại cách tiếp cận của họ. Một số nhà đầu tư thành lập quỹ dành riêng cho loại công ty tập trung vào ứng dụng này. Ông Dave McClure, một trong những giảng viên của “Lớp học Facebook”, cho biết: “Rất nhiều khái niệm và ý tưởng tại lớp học này đã ảnh hưởng đến cấu trúc của quỹ đầu tư mà tôi đang làm việc”. Ông Dave McClure là nhà sáng lập công ty đầu tư 500 Startups chuyên đầu tư vào công ty công nghệ mới thành lập.

Vườn ươm công nghệ

Gần bốn năm sau khi tham gia “Lớp học Facebook”, nhiều sinh viên nhận ra rằng việc lập công ty riêng khó khăn hơn nhiều so với việc viết ứng dụng. Dù vậy, không ít sinh viên nhận được phần thưởng xứng đáng khi biến những bài tập về nhà ngày đó thành những công ty thực sự. Về phần mình, Facebook không tham gia tích cực vào lớp học ở trường Stanford nhưng một số kỹ sư công ty có dự vài buổi học. David Fetterman, một kỹ sư Facebook, nhận định: “Lớp học này giống như là một vườn ươm”.

Vườn ươm công nghệ này là ý tưởng của ông B.J Fogg, người điều hành Phòng thí nghiệm công nghệ thuyết phục tại Đại học Stanford. Là một giảng viên năng động và quan tâm đến sự phát minh sáng tạo, ông Fogg tập trung nghiên cứu cách thức sử dụng công nghệ và tâm lý con người để tác động lên hành vi của họ. Ông Fogg mở “Lớp học Facebook” chỉ với suy nghĩ rằng nền tảng Facebook sẽ là một cách tốt để kiểm tra một số lý thuyết của mình. Việc lớp học này giúp hình thành một mô hình doanh nghiệp mới là điều mà ông không hề nghĩ đến khi đó.

Ban đầu, nhiều sinh viên tiếp cận lớp học dưới góc độ kinh doanh. Chẳng hạn như Edward Baker là một sinh viên ngành kinh tế nhưng thiếu kỹ năng công nghệ. Vì thế trong tuần học đầu tiên, Baker dành nhiều thời gian tìm kiếm cộng sự là kỹ sư. Anh nói: “Tôi muốn tìm một chuyên gia kỹ thuật để có thể cùng tôi thành lập công ty sau này”. Sau cùng, Baker chọn De Lombaert và hai người cùng với một sinh viên nữa, Alex Onsager, phát triển ứng dụng Send Hotness cho phép người sử dụng gửi điểm số đến những bạn bè mà họ xem là “hấp dẫn” và so sánh bảng xếp hạng mức độ hấp dẫn của nhau.

Ứng dụng thu hút được số lượng người sử dụng và tiền bạc nhiều hơn sản phẩm của những nhóm khác trong lớp. Sau đó, họ bán ứng dụng Send Hotness cho một trang web hẹn hò. Được khích lệ bởi sự thành công này, De Lombaert và Baker quyết định lập công ty mạng xã hội Friend.ly. Nền tảng Facebook vẫn đang là một thỏi nam châm thu hút các nhà phát triển ứng dụng trẻ tuổi, trong đó có những người mà cuộc đời của họ đã chuyển sang một hướng khác nhờ lớp học đặc biệt nói trên.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Dịch vụ đám mây giúp tăng doanh số dịch vụ CNTT
  • CIO và thách thức từ môi trường công nghệ mới
  • Tiếp sức sáng tạo kiểu Google
  • Khi ngành bất động sản tiếp thị trực tuyến
  • Nhà đầu tư công nghệ chuyển hướng
  • Ba xu hướng làm thay đổi thị trường phần mềm và dịch vụ
  • 50 năm con người vào vũ trụ (12-4-1961 – 12-4-2011): Gagarin và bí mật cuối cùng
  • Thiết kế trò chơi “thực tế tăng cường”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com