Kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro tốt sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đúng hướng. Ảnh: Hoài Nam |
Phát biểu tại Hội thảo “Kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro - Phương thức quốc tế tối ưu và ứng dụng tại Việt Nam” do Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG) tổ chức, ông Jean-Yves Le Corre - sáng lập viên Viện Kiểm toán nội bộ khu vực châu Á cho rằng, cần xem rủi ro là cơ hội, vừa là thách thức.
Khảo sát của Viện Kiểm toán nội bộ khu vực châu Á tháng 4/2009 chỉ ra rằng, khoảng 50% các công ty tin rằng, những hoạt động kiểm soát nội bộ trong DN có thể giảm thiểu một số tác động có hại của nền kinh tế mà họ đang gặp phải.
Theo ông Jean-Yves Le Corre, các công ty đa quốc gia hoạt động ở châu Á cần phải chú trọng đến yếu tố văn hoá trong kiểm soát nội bộ và “một bộ mặt lạc quan nếu có thể là điều hết sức cần thiết trong báo cáo kiểm soát nội bộ để tránh tác động xấu do tâm lý bi quan”. Những rủi ro mà đa số ông chủ công ty khu vực châu Á muốn biết nhiều nhất là: rủi ro về tài chính, tín dụng, rủi ro tuân thủ hay việc cắt giảm chi phí/chi tiêu...
Quy trình kiểm soát nội bộ cần được xây dựng một cách nghiêm túc và cụ thể ngay từ khi thành lập DN. Nên có các kiểm soát viên hoặc ban quản trị độc lập để giám sát mọi hoạt động của DN. Ngoài ra, các kiểm soát viên phải thiết lập kênh đối thoại với người quản lý và hợp tác với nhau nhằm giảm thiểu “lỗ hổng kiến thức”.
Theo ông Jean-Yves Le Corre, mô hình kiểm soát nội bộ ở Công ty Vinamilk là một điển hình, với việc đại hội cổ đông bầu ra Ban kiểm tra giám sát HĐQT và giám đốc kiểm soát nội bộ theo dõi Ban giám đốc.
Yếu kém trong kiểm soát nội bộ DN, theo ông Lim Choi Ghee - chuyên viên Công ty cổ phần Kiểm toán - Tư vấn Vietvalues, là việc giao dịch với các bên liên quan có nguy cơ gây bất lợi cho DN cũng như cổ đông. Phần lớn các DN Việt Nam không có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản đối với các vấn đề này, do vậy khả năng bị xâm phạm rất cao. Vấn đề này có vẻ đặc biệt thấy rõ tại những DN nhà nước (SOEs), nơi mà chi tiêu cho hoa hồng là phổ biến và mức lương chính thức rất thấp.
“Khủng hoảng xảy ra ở Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết và Tập đoàn Vinashin vừa qua là một ví dụ điển hình của yếu kém trong kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro”, ông Lim Choi Ghee nhấn mạnh và cho rằng, việc không đưa ra được quy trình kiểm soát chặt chẽ đã khiến Bông Bạch Tuyết ngừng hoạt động chỉ vì thiếu con dấu của Tổng giám đốc. Trong khi đó, Vinashin là tập đoàn chuyên về hàng hải lại đầu tư quá nhiều vào các dự án bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm.
“Với một hệ thống thuế và quản lý không toàn diện như hiện nay, mức độ công khai minh bạch tài chính của các DN Việt Nam là rất thấp”, ông Lim Choi Ghee nói và cho rằng, muốn khắc phục những yếu kém trong kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro, trước tiên, phải tạo ra sự minh bạch và công khai trong hoạt động.
Bất kỳ hoạt động giao dịch nào có rủi ro cao cũng phải được sự chấp thuận của đa số cổ đông. Cổ đông thiểu số phải được bảo vệ quyền lợi bằng việc yêu cầu triệu tập hội nghị cổ đông và yêu cầu thanh tra khi ban giám đốc hoặc HĐQT có hoạt động vi phạm lợi ích cổ đông.
(Theo Quang Duy // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com