Thủ đoạn rửa tiền của giới tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi. Ảnh: Hoài Nam. |
Ông Vương Tịnh Mạch, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, Việt Nam đã sớm có quy định liên quan đến hành vi rửa tiền. Tại Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 đã có quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp, tuy nhiên, tại thời điểm đó, thuật ngữ “rửa tiền” chưa được sử dụng.
Theo Điều 19, Luật các Tổ chức tín dụng 1997 thì: “Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng không được che giấu, thực hiện bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp”.
Ngày 7/6/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền.
Trong Nghị định này, lần đầu tiên thuật ngữ “rửa tiền” được sử dụng và giải thích như sau:”Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, nguỵ trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có”.
Đánh giá về “bước tiến” này, PGS.TS Trần Ngọc Thơ, Trường Đại học kinh tế TP.HCM cho rằng, điều đó cũng có nghĩa là, nước ta đã chứng minh cho người dân và các quốc gia trên thế giới thấy rõ quyết tâm của Chính phủ là “không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống rửa tiền, nhất là đối với các hành vi liên quan đến lạm dụng thân thế chính trị hoặc là liên quan đến các yếu nhân đặc biệt.
Theo Nghị định này, những giao dịch bằng tiền mặt từ 200 triệu đồng trở lên và giao dịch tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương đều phải được ghi nhận và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước bằng nhiều hình thức như văn bản, các phương tiện điện tử, điện thoại.
Gần đây, tháng 6/2009, Quốc hội Việt Nam đã thông qua “Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự”. Trong đó, Điều 251 được sửa đổi quy định thành “tội rửa tiền”. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Khung hình phạt cao nhất cho tội danh này lên đến 15 năm tù.
Theo Cục Phòng chống rửa tiền (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), trước đây, hành vi rửa tiền nằm trong loại tội phạm khác, nay tách ra độc lập và bị xét xử sẽ có tác dụng tích cực trong công tác phòng chống rửa tiền.
Việc quy định thành một tội danh độc lập có khung hình phạt cao thể hiện quyết tâm lớn của Việt Nam trong cuộc chiến chống rửa tiền.
Để tăng cường “sức chiến đấu” trong cuộc chiến này, Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 8/7/2005. Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền có chức năng làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin, và có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp tài liệu, hồ sơ về các thông tin về các giao dịch đáng ngờ, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, phân tích, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến đấu tranh phòng, chống rửa tiền.
Hiện nay, Trung tâm đã được nâng cấp thành Cục Phòng chống rửa tiền (thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước).
Ngày 13/4/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 470/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, có chức năng giúp Thủ tướng chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, giải pháp trong công tác phòng, chống rửa tiền.
Trưởng ban chỉ đạo là Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Các Phó trưởng ban chỉ đạo là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an... Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về hợp tác quốc tế, từ năm 2007 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm các nước châu Á- Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG) có nghĩa vụ cùng các thành viên khác thực hiện 40+9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng triển khai thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong tổ chức này.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, thủ đoạn rửa tiền của giới tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi, nên các doanh nghiệp, cá nhân khi nhận được những thư tín dụng ưu đãi từ tổ chức hay người nước ngoài cần nghiên cứu thận trọng.
Biện pháp tốt nhất là tìm đến các tổ chức tư vấn tài chính và tín dụng quốc tế để nhận được những lời khuyên cần thiết. Khi có nghi ngờ về dấu hiệu rửa tiền, nên báo với cơ quan chức năng của ngân hàng và công an để tiến hành các hoạt động nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và chống tội phạm rửa tiền.
Đó là những phương thức tốt nhất để tránh các rủi ro do bọn tội phạm quốc tế gây ra ở nước ta, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, công dân và an ninh kinh tế của đất nước.
(Theo Hữu Tuấn - Huy Hào // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com