Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất tiền gửi khó giảm

Các ngân hàng liên tục đưa ra chương trình khuyến mãi tiết kiệm Ảnh: Đức Thanh
Mặc dù các ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết hạn chế gia tăng chi phí đầu vào, nhưng với tình hình hiện tại, lãi suất tiền gửi khó có thể hạ nhiệt.
 
Trong những ngày gần đây, không chỉ ngân hàng nhỏ, mà ngay cả Vietcombank, BIDV... cũng liên tục tung ra các chuyên trình khuyến mãi tiết kiệm. Vietcombank tưng bừng khuyến mãi “Quà tặng vàng tháng 4” cho khách hàng cá nhân khi gửi tiết kiệm từ 30 triệu đồng hoặc 3.000 USD với kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng đều được nhận lãi tiền mặt với giá trị lên tới 6,5 triệu đồng.

Trong khi đó, BIDV đưa ra sản phẩm “Tiết kiệm siêu khuyến mãi”. Theo đó, ngoài mức lãi suất hấp dẫn được cố định trong suốt thời gian gửi, khách hàng tham gia sẽ được tặng ngay một phần quà tại thời điểm gửi tương đương với mức lãi suất tới 1,5%/năm.

Tại SeABank, với mức tiền gửi 1 tỷ đồng trở lên đối với kỳ hạn 3 tháng, bên cạnh mức lãi suất được hưởng 10,499%/năm, khách hàng còn được nhận thêm khoản tiền thưởng của Ngân hàng lên đến 8 triệu đồng. Khoản tiền này sẽ được SeABank tặng ngay cho khách hàng khi gửi tiền. Như vậy, nếu cộng vào, lãi suất huy động của ngân hàng này sẽ lên đến 13,8%/năm. Còn nếu gửi 100 triệu đồng (kỳ hạn 1 tháng), ngoài lãi suất được hưởng mức tối đa theo quy định là 10,499%/năm, khách hàng còn được SeABank tặng thêm 250 triệu đồng...

Các ngân hàng quy mô nhỏ cho rằng, nếu giảm chi phí huy động vốn trong lúc này sẽ rất khó thu hút được khách hàng gửi tiền, đặc biệt trước áp lực thu hút vốn từ các kênh đầu tư khác đang ngày một hấp dẫn hơn, như vàng đã giảm sâu so với cuối năm trước, chứng khoán cũng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Trong cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây, các ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất không gia tăng thêm chi phí đầu vào để từng bước “hạ nhiệt” lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ sẽ không dễ dàng chút nào, vì cạnh tranh huy động vốn vẫn nóng.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao đến nay, trần lãi suất huy động tiền gửi chưa được bỏ, kể cả khi đã tính đến việc bỏ trần lãi suất cho vay đối với khoản vốn ngắn hạn. Trong bối cảnh hiện nay, nếu bỏ trần lãi suất tiền gửi, sẽ có sự dịch chuyển lớn về dòng vốn giữa các ngân hàng. Ngân hàng nhỏ sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao hơn, với kỳ vọng hút được vốn, gia tăng thị phần. Lúc này, người có tiền sẽ lựa chọn nơi có lợi hơn để gửi vốn. Do đó, cạnh tranh huy động tiền gửi sẽ trở nên không lành mạnh và mặt bằng lãi suất đầu vào bị đẩy lên cao.

Như vậy, lãi suất thỏa thuận sẽ khó điều chỉnh giảm như mong muốn của các nhà điều hành ngân hàng. Với mức lãi suất thỏa thuận được các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ áp dụng hiện nay, doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay. Hiện tại, SeABank có lãi suất cho vay thỏa thuận áp dụng cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân là 17 - 18%/năm; OCB ở mức 16 - 17%/năm...

Với mức lãi suất vay vốn cao như vậy, doanh nghiệp chủ yếu sử dụng vốn tự có để sản xuất - kinh doanh, vì vay vốn với lãi suất 17 - 18%/năm thì doanh nghiệp phải đảm bảo mức lãi tối thiểu 25% mới có thể bù đắp được chi phí hoạt động.

(Theo Thùy Vinh // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!