Trong số 436 công ty niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2011, 54% DN làm ăn kém hơn so với cùng kỳ. Biến động tỷ giá, chi phí đầu vào tăng là những nguyên nhân tác động đến hiệu quả kinh doanh. Nhưng trên hết, chi phí lãi vay đang ngày càng ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các công ty.
Giải trình về lợi nhuận sau thuế quý I/2011 giảm 77% so với cùng kỳ, ông Nguyễn Hữu Hoạt, Phó tổng giám đốc CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) thừa nhận, lãi vay tăng cao đã tác động không nhỏ đến hoạt động DN. Do lãi suất tăng, chi phí trả lãi của PNC đã tăng từ 1,35 tỷ đồng (quý I/2010) lên 3,63 tỷ đồng (quý I/2011). Tương tự, chi phí lãi vay của CTCP Thép Bắc Việt (BVG) tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, từ 2,3 tỷ đồng lên 7,5 tỷ đồng, đẩy BVG vào chỗ thua lỗ 2,4 tỷ đồng trong quý I.
Tuy nhiên, "ngồi trên đống lửa" phải kể đến những DN có nợ vay nhiều như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1). Do tăng vay nợ cộng với mức lãi vay ở mức 17 - 18%/năm, trong quý I, chi phí trả lãi vay của HT1 là 202,05 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ. Nếu lãi vay tiếp tục duy trì ở mức hiện nay, dự đoán chỉ riêng trả lãi cho khoản nợ ngắn hạn 1.662,9 tỷ đồng cũng đủ khiến HT1 lao đao. Thực tế, HT1 lỗ hơn 56 tỷ đồng trong quý I cũng vì nguyên nhân chi phí lãi vay quá cao.
Trong khi đó, chi phí lãi vay không những chưa giảm mà còn có dấu hiệu nhích lên. Ghi nhận từ các DN cho thấy, lãi vay trung bình hiện DN tiếp cận đã lên 20 - 22%/năm. Với mức lãi suất này, đại diện CTCP Basa khẳng định, Công ty sẽ tiếp tục thua lỗ trong quý II. Để có thể "sống được" với lãi suất này, ít nhất DN phải đạt tăng trưởng lợi nhuận 30%. Trong điều kiện vĩ mô hiện tại, đây là con số khó đạt với nhiều DN.
Không còn cách nào khác, như ông Dương Quang Bình, Phó tổng giám đốc CTCP Thép Tiến Lên (TLH) chia sẻ, Công ty đành "chịu trận", chấp nhận để lãi vay ăn vào lợi nhuận. Cùng với đó, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ lãi vay tăng, TLH chủ trương hạn chế đầu tư, tiết kiệm chi phí, tăng cường vòng quay vốn. Đây cũng là giải pháp được Caosumina (CSM) và nhiều DN lựa chọn.
Riêng CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) đối phó bằng cách thay đổi phương thức đầu tư vùng nuôi nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc AGF, thay vì bỏ tiền mua 80 héc-ta đất thực hiện vùng nuôi, AGF sẽ đi thuê đất. Ngoài ra, để chủ động nguồn tiền và tiết giảm chi phí, AGF có kế hoạch bán tòa nhà 38 - 40 Nguyễn Thái Bình (Quận 1, TP. HCM).
Tuy nhiên, những giải pháp trên của DN cũng chỉ là những biện pháp tình thế trước mắt, vì muốn duy trì và phát triển sản xuất thì vẫn phải vay vốn. "Các kênh huy động vốn như phát hành cổ phiếu, trái phiếu… đều tắc cả, khi cần vốn hoạt động cũng chỉ còn biết gõ cửa ngân hàng", ông Bình cho biết.
Hiện nay, TLH đã tăng khoản mục vay và nợ ngắn hạn thêm 16,7 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Khoản mục này cũng tăng thêm 63 tỷ đồng ở CTCP Xây dựng và kinh doanh vật tư (CNT), 49,5 tỷ đồng ở CTCP Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL)...
Rõ ràng, dù biết lãi vay đang ở mức "cắt cổ" nhưng DN không còn lựa chọn nào khác. Các đơn vị này chỉ có thể hy vọng, mặt bằng giá mới và nỗ lực gia tăng sản lượng trong các quý còn lại sẽ giúp họ "vớt vát", cũng như bù đắp được phần nào chi phí lãi vay. Tuy nhiên, ngay cả những DN có doanh thu các quý còn lại tăng trưởng so với quý I, thì giá vốn tăng do giá cả nguyên vật liệu tăng là yếu tố cản trở khả năng tạo lãi gộp để bù đắp chi phí lãi vay. Chẳng hạn, trong quý I/2011, giá vốn hàng bán của BAS là 9,1 tỷ đồng, cao hơn mức 7,7 tỷ đồng doanh thu, dẫn đến lãi gộp -1,4 tỷ đồng.
Với áp lực lãi vay tăng, trong khi giá vốn và các chi phí khác đã và dự báo sẽ tiếp tục tăng, có thể dự đoán bức tranh lợi nhuận quý II và các quý còn lại trong năm nay của nhiều DN niêm yết sẽ không nhiều màu sáng.
(ĐTCK )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com