Mức bội chi ngân sách hằng năm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng tăng thu từ kinh tế trong nước, giảm dần sự phụ thuộc thu từ tài nguyên, dầu thô và xuất nhập khẩu, đồng thời tiết kiệm và tăng cường hiệu quả chi ngân sách là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm từng bước giảm dần mức bội chi NSNN.
Phân tích đặc thù nguồn thu NSNN thời gian qua, TS Nguyễn Thị Hải Hà (Viện Khoa học Tài chính) cho rằng: Giống như các nền kinh tế khác ở giai đoạn đầu phát triển, thu NSNN của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ các cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, do là nước xuất khẩu dầu thô nên thu từ dầu thô cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN. Thu từ tài sản, từ thuế thu nhập cá nhân, các khoản phí còn tương đối hạn chế. Chẳng hạn năm 2008, tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm tới 48% tổng thu NSNN, điều này cho thấy thu NSNN phụ thuộc đáng kể vào thị trường thế giới. Bên cạnh đó, thu từ các cơ sở kinh tế trong năm 2008 chiếm 39% tổng thu NSNN, trong khi đó thu thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm 3%, các khoản phí, lệ phí và thu từ nhà đất chiếm khoảng 10%, do vậy nguồn thu trong nước cũng rất nhạy cảm với các biến động kinh tế. Về chi NSNN, cũng do nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn đầu phát triển nên cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, thể chế tài chính chưa hoàn thiện và do tốc độ tăng giá tương đối cao... nên áp lực tăng chi NSNN là rất lớn. Ðặc biệt năm 2009, chi NSNN đã được điều chỉnh tăng do Chính phủ thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong khi đó, nguồn thu NSNN bị giảm, nhất là thu từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu giảm do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, áp lực cân đối NSNN là rất lớn. Thêm vào đó, với quy trình ngân sách nhà nước truyền thống, theo năm và giới hạn bội chi NSNN là 5% GDP nên mức bội chi thực tế luôn tiệm cận ở giới hạn cho phép. Như vậy, khả năng điều chỉnh ngân sách theo các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước rất hạn chế.
Nhận định về cân đối NSNN trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia kinh tế, thu NSNN khó tăng mạnh do các doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải tiếp tục đối phó với những tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu. TS Nguyễn Thị Hải Hà (Viện Khoa học Tài chính) phân tích, nguồn thu NSNN chưa có khả năng tăng nhanh trở lại. Một mặt, do bản chất thu NSNN có độ chậm vì thu NSNN hôm nay được tính theo các kết quả hoạt động kinh tế đã diễn ra trước đó. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, gây tác động bất lợi tới nguồn thu nội địa, thu xuất nhập khẩu. Thêm vào đó, giá dầu vẫn ở mức thấp so với mức đỉnh điểm năm 2008 và sự suy giảm sản lượng dầu xuất khẩu, nhập khẩu (cùng với sự ra đời của nhà máy lọc dầu trong nước) cũng làm hạn chế số thu từ dầu thô và thu thuế nhập khẩu xăng dầu trong các năm tới. Trong khi đó, các áp lực chi có xu hướng mạnh hơn. Một mặt, việc triển khai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng đã gây áp lực lên việc điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tạo nguy cơ lạm phát trong thời gian tới. Nguy cơ lạm phát cao lại tạo áp lực đối với tăng chi an sinh xã hội, chi tiền lương. Mặt khác, các nút thắt về cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, vận tải, điện, lao động có kỹ năng và trình độ quản lý... đang đặt ra các yêu cầu chi NSNN tăng cao...
Theo TS Ðặng Văn Du (Học viện Tài chính), nguy cơ tăng bội chi NSNN vẫn luôn tiềm ẩn và có thể bị đẩy lên mức cao. Nhằm ngăn chặn nguy cơ này, cùng với tăng quy mô chi NSNN hằng năm thì rất cần những cải cách quyết liệt hơn về quản lý chi. Mỗi đồng vốn của NSNN chi ra đều phải bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Muốn vậy, công khai, minh bạch về ngân sách càng phải được đề cao hơn đồng thời nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan liên quan đến quản lý và điều hành NSNN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách cơ cấu chi NSNN theo hướng ổn định tỷ trọng chi đầu tư phát triển, đồng thời tăng chi thường xuyên về duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý giá theo đúng cơ chế thị trường nhằm hạn chế độc quyền Nhà nước. Thông qua đó, từng bước thiết lập môi trường cạnh tranh của các DN, nhờ đó NSNN cũng có cơ hội giảm gánh nặng về hỗ trợ và người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn mặt hàng với giá cả hợp lý.
Ðể bảo đảm NSNN bền vững thì thu NSNN cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt thực hiện cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng thu từ kinh tế trong nước, giảm dần sự phụ thuộc nguồn thu từ tài nguyên, dầu thô và xuất nhập khẩu bởi các khoản thu này khó bền vững do phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường thế giới. Cần điều chỉnh hợp lý chính sách thu phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, đi đôi với tăng cường quản lý thu bằng cách đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tài chính...
(Theo Hải Thu // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com