Không điều chỉnh tỷ giá và Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp thị trường là giải pháp được ấn định thực hiện trong thời hạn ba tháng cho đến Tết Nguyên đán. Vậy sau Tết rồi sao? Tất cả phụ thuộc vào diễn biến thị trường, còn biến động thị trường phụ thuộc vào đâu?
Trước hết không thể không nhận ra rằng cơn “sốt” tỷ giá vừa qua cần phải được hạ nhiệt. Nhưng uống thuốc giảm sốt rồi không có nghĩa là cơn sốt đã dứt hẳn. Nó có thể bùng phát trở lại nếu không có các thuốc khác đi kèm sau đó nhằm chữa trị căn bệnh tận gốc. Ổn định theo nghĩa cố định tỷ giá trong một thời gian dài là bất khả thi. Vì thế, giữ nguyên tỷ giá trong thời hạn 90 ngày phần lớn có ý nghĩa giải pháp tình thế.
Nhìn trên toàn cục, biến động tỷ giá là một trong những rủi ro lớn nhất của kinh tế vĩ mô và những yếu tố góp phần làm tăng nhiệt tỷ giá đã được tích tụ suốt một thời gian dài. Nó giống cái nồi áp suất được đun nhỏ lửa trong nhiều giờ, đã tạo đủ lực làm nhừ thức ăn bên trong. Cái nồi ấy cần phải được xả van từ từ, một cách linh hoạt. Nếu thả ngay tức thì, hơi nóng có thể táp vào người đầu bếp và gây thương tích nặng nề. Do đó cách thức xả van là câu chuyện nên được quan tâm hàng đầu.
Đang có những đề xuất nên quay trở lại cơ chế hai tỷ giá theo thị trường như đã từng tiến hành 4-5 năm trước. Đã gọi là theo thị trường thì làm gì có hai tỷ giá. Nhưng thực tế phương thức điều hành đó đã có chỗ đứng và phát huy tác dụng trong cơ chế thả nổi tỷ giá có kiểm soát.
Cụ thể hơn nữa là cho phép áp dụng tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ thông qua một đồng tiền thứ ba. Ở nửa phần kiểm soát, Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng một tỷ giá có bao cấp cho các nhu cầu nhập khẩu chính đáng mà nền kinh tế cần.
Thế nào là nhu cầu nhập khẩu chính đáng thì chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng tự xác định, tự đáp ứng. Chẳng hạn nhập khẩu thuốc men, xăng dầu, phân bón... được bao cấp tỷ giá, còn lại những mặt hàng khác sẽ phải chịu tỷ giá thị trường thông qua một đồng tiền thứ ba.
Tỷ giá tiền đồng - đô la Mỹ tính qua tỷ giá euro, yen Nhật, bảng Anh... và đô la Mỹ sẽ không giống với tỷ giá do NHNN ấn định cộng trừ thêm biên độ cho phép. Nó linh hoạt hơn nhiều và nó chính là phép thử đối với nền kinh tế. Sự chấp nhận nó ở mức nào, trên phương diện nào, chiếm tỷ trọng như thế nào trong tổng thể thanh toán xuất nhập khẩu là thước đo nền kinh tế thực sự chịu được tỷ giá bao nhiêu. Nó cũng là bước chuẩn bị cần thiết để tiến tới thả nổi tỷ giá trong tương lai khi các điều kiện chín muồi.
Với cơ chế hai tỷ giá trước đây NHNN đã từng có thể tuyên bố tỷ giá sẽ biến động 1%/năm. Sự xóa bỏ phương thức giao dịch tỷ giá thông qua một ngoại tệ thứ ba đã khiến tỷ giá trở nên cứng nhắc, tạo tiền đề sản sinh ra những loại phí chạy quanh tỷ giá và lòng tin vào đồng nội tệ giảm sút một phần xuất phát từ những loại phí này.
Lòng tin là câu chuyện biết rồi - khổ lắm - nói mãi, song nói mãi có lẽ vẫn không thừa. Lòng tin sẽ trở lại nếu Nhà nước nói và Nhà nước làm đúng như đã nói. Lãi suất đã được thả nổi, các ngân hàng thương mại có quyền ấn định lãi suất tiền gửi, cho vay trên cơ sở tính toán của riêng họ và tự chịu trách nhiệm về hành động đó.
Tại sao trong cuộc họp do NHNN triệu tập ngày 5-11-2010, 16 ngân hàng phía Bắc lại cùng đồng thuận lãi suất huy động không quá 12%/năm? Ngân hàng XYZ đưa ra lãi suất tiền gửi 13%/năm có được không? Thả nổi theo thị trường mà lại còn có những động thái hành chính làm như đồng thuận, thử hỏi quyền tự chủ của các ngân hàng có thực không?
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com