May mặc là một trong những mặt hàng Nga có nhu cầu nhập khẩu khá lớn. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hikosen Cara. Ảnh: Phan Hà. |
Theo đánh giá của Bộ Công thương, Nga là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần phải lưu ý nhiều vấn đề. Phóng viên Báo Bà Rịa- Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Chí Tâm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương nhân dịp ông có chuyến công tác tại BR-VT vào cuối tháng 5 vừa qua. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường Nga hiện nay?
- Nga là một trong những thị trường lớn của thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ USD. Hiện tại, cũng như những nền kinh tế lớn khác, Nga đang chịu tác động nhất định của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, về lâu dài Nga vẫn là thị trường giàu tiền năng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như may mặc, thuỷ sản…
* Vào thời điểm này, muốn đưa hàng vào thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam gặp những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?
- Về thuận lợi, đây là thị trường có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, là thị trường truyền thống mà các doanh nghiệp Việt Nam đã từng khai thác. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các doanh nghiệp không cần nghiên cứu và tìm hiểu những nét mới của thị trường Nga bởi cơ chế, nhu cầu, yêu cầu… hàng hóa luôn thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, cũng có không ít những khó khăn, do người tiêu dùng Nga ngày nay khó tính, luôn đòi hỏi khắt khe hơn trước rất nhiều về chất lượng cũng như hình thức sản phẩm.
Vấn đề thanh toán cũng là một trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc thanh toán qua hình thức mở tín dụng thư (L/C) chưa nhiều, còn những cách thanh toán khác chưa bảo đảm độ tin cậy, độ an toàn cho các doanh nghiệp giao hàng. Việc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan để điều tiết nhập khẩu còn khá phổ biến và khó dự báo trước như đưa ra các lệnh hạn chế và cấm nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với hàng nông sản, thuỷ hải sản và thịt đông lạnh…
* Theo ông, khi tiếp cận thị trường này, các doanh nghiệp phải lưu ý điều gì?
- Trước hết, các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu nhu cầu của thị trường nên có quan niệm mới và khác về Nga, không được hiểu như ngày xưa là thị trường dễ tính, có thể xuất khẩu bất cứ mặt hàng nào. Những mặt hàng tiêu dùng hiện nay bị cạnh tranh rất khốc liệt, hàng hóa khắp nơi trên thế giới tràn vào, do đó cứ chất lượng tốt, giá rẻ, mẫu mã đẹp, nhãn mác dễ hiểu… sẽ được người tiêu dùng Nga chấp nhận. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý, người Nga ít sử dụng tiếng Anh, do đó trên bao bì sản phẩm các doanh nghiệp nên ưu tiên tiếng Nga.
* Theo ông, BR-VT có thế mạnh xuất khẩu mặt hàng nào sang thị trường Nga?
- Theo tôi, BR-VT có thế mạnh là thủy sản, nông sản chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may… đây cũng là những mặt hàng Nga đang cần.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
(Theo Thu Thảo // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com