Tình trạng giá cả lên xuống hết sức thất thường của thị trường dầu mỏ trong 18 tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, gây nhiều khó khăn cho các nước nhập khẩu dầu và các doanh nghiệp thuộc mọi ngành kinh tế.
Trong cơn điên của thị trường
Từ đầu năm 2009 đến nay, giá dầu đã tăng gấp đôi, bất chấp kinh tế thế giới đang hết sức suy yếu. Tuy vậy, so với thời điểm này năm ngoái, giá dầu vẫn chưa bằng một nửa. Tình trạng bất ổn định của giá xăng dầu, biên độ dao động lớn và đột ngột, có vẻ như đang đánh đố các quan chức chính phủ và các nhà phân tích chính sách, làm dấy lên mối lo ngại rằng đà hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn thương nặng. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng rất hoang mang chưa biết giá xăng dầu sẽ tăng đến đâu sau một năm nữa, sau vài tháng nữa, thậm chí vài tuần nữa.
Giới kinh doanh cho rằng, thị trường dầu dường như lên cơn điên. Mùa hè năm ngoái, giá dầu thô lên 147 đô la Mỹ/thùng, đẩy giá xăng bình quân lên hơn 1 đô la Mỹ/lít. Sau đó, khi kinh tế thế giới bắt đầu chao đảo, giá dầu giảm mạnh, chỉ còn 33 đô la Mỹ/thùng vào tháng 12/2008. Nhưng từ đầu năm nay giá dầu lại tăng, có lúc lên tới 72 đô la Mỹ/thùng và hiện dao động trong mức 62-65 đô la Mỹ/thùng, gấp đôi mức cuối năm ngoái. Đi theo giá dầu, giá xăng cũng biến động mạnh, hiện ở mức bình quân khoảng 0,65 đô la Mỹ/lít.
“Gọi đây là tình trạng lên xuống thất thường cũng chưa đúng. Trong 18 tháng qua, không thể dự báo được giá dầu. Tôi cho rằng, xu thế này không lý giải được” - bà Laura Wright, Giám đốc tài chính của hãng hàng không Southwest Airlines - doanh nghiệp đã tìm cách né tránh sự lên xuống thất thường của giá cả bằng cách mua hợp đồng dài hạn, cho biết.
Còn theo ông Constanza Jacazio, chuyên viên phân tích mặt hàng năng lượng của quỹ đầu tư Barclays Capital ở New York thì biến động của thị trường dầu mỏ năm ngoái là hiện tượng chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu thập niên 70.
Sự dao động của giá dầu ảnh hưởng tới mọi hoạt động kinh tế trên khắp thế giới. Các hãng xe hơi khổng lồ General Motors và Chrysler bị đẩy tới chỗ phá sản một phần cũng vì người tiêu dùng quay lưng với các dòng xe uống xăng như nước. Các hãng hàng không đang chuẩn bị đối phó với một năm thua lỗ nặng nề nữa vì chi phí nhiên liệu cao.
Ngay ở quy mô gia đình, giá xăng tăng lên kéo theo giá cả của mọi sản phẩm và dịch vụ, làm người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa sau khi đã khốn đốn vì mất việc làm, thu nhập giảm sút và vay mượn khó khăn do tín dụng đóng băng.
Bóng ma đầu cơ của năm ngoái
Cho dù sự lên xuống thất thường của thị trường dầu mỏ có phần giống với sự dao động của nhiều thị trường tài sản khác - chẳng hạn như giá cổ phiếu hoặc giá vàng - đợt tăng giá dầu năm nay lại khơi dậy cuộc tranh luận năm ngoái về vai trò của giới đầu tư - hoặc chính xác là giới đầu cơ - trên thị trường dầu mỏ.
Quan chức chính phủ khắp thế giới bắt đầu lo ngại khả năng tái diễn đợt tăng giá phi mã hồi năm ngoái. Quan chức về năng lượng của Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp tại Vienna (Áo) cuối tháng trước, nhận định rằng, “Vấn đề đầu cơ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và bong bóng giá dầu năm 2008 có thể quay trở lại” nếu không có sự giám sát chặt chẽ hơn. Nhiều yếu tố đẩy giá dầu tăng cao trong năm ngoái đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Nỗi lo sợ gián đoạn nguồn cung dầu đã ám ảnh thị trường từ mấy ngày qua khi xảy ra một loạt vụ bạo động mới ở khu vực đồng bằng sông Niger giàu dầu mỏ của Nigeria ở châu Phi, làm đình trệ sản xuất ở một số cơ sở thuộc tập đoàn Royal Dutch Shell. Giới kinh doanh cũng lo sợ rằng, bất ổn chính trị ở Cộng hòa Hồi giáo Iran - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trong OPEC - có khả năng làm giảm xuất khẩu của nước này, tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ quốc tế.
Gần đây OPEC đã thành công đáng kể trong việc kìm chế sản xuất, giám sát chặt hạn ngạch khai thác của các nước thành viên để ngăn giá dầu tụt dốc thêm nữa. Giờ đây, ngay cả khi giá dầu đã hồi phục, các thành viên của OPEC vẫn chưa muốn mở vòi để cho dòng dầu mỏ tuôn ra nhiều hơn. Các quan chức cao cấp của tổ chức này nói rằng, mục tiêu của OPEC là đưa giá dầu lên mức 75 đô la Mỹ/thùng vào cuối năm nay. Mục tiêu này đã được sự nhất trí của Saudi Arabia, nước sản xuất nhiều dầu nhất thế giới.
Nhưng tình hình hiện nay không giống năm ngoái, khi nền kinh tế vẫn chưa rơi vào suy thoái và nhu cầu nhiên liệu còn rất mạnh, năm nay thế giới đang trong thời khủng hoảng tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua. Đầu tuần trước Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng, cuộc suy thoái tồi tệ hơn mọi người tưởng trước đây và một cuộc hồi phục trong năm tới, nếu có, cũng sẽ hết sức yếu ớt.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế - tổ chức đại diện cho các nước tiêu thụ dầu mỏ - vẫn giữ nguyên dự báo rằng nhu cầu năng lượng không có khả năng tăng trở lại trước năm 2014. “Giá dầu thô có vẻ như đã tách biệt với những yếu tố nền tảng điều khiển thị trường như nhu cầu yếu, nguồn cung dồi dào và dự trữ cao”, một báo cáo gần đây của Ngân hàng Đức Deutschebank nhận định.
Cần một tầm nhìn dài hạn
Các nhà đầu tư dự đoán, giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế sắp kết thúc và họ đang ôm ấp ý tưởng rằng, một lần nữa sự khan hiếm tài nguyên lại xảy ra khi nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trở lại. Chính sự mơ hồ, không rõ ràng đang làm cho các doanh nghiệp khó xác lập kế hoạch kinh doanh, các nhà phân tích nhận định như vậy. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không thành viên dự tính năm nay sẽ lỗ khoảng 9 tỉ đô la Mỹ, sau khi đã lỗ 10,4 tỉ đô la trong năm ngoái. “Ngành hàng không vẫn chưa cảm nhận đầy đủ tác động của việc tăng giá xăng dầu”, báo cáo mới nhất của IATA cho biết. Bình quân, tiền mua nhiên liệu chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí hoạt động của một hãng hàng không - theo tính toán của bà Wright, Giám đốc tài chính của Southwest Airlines. Vì thế, từ kinh nghiệm của năm ngoái, “chúng tôi không thể không dự phòng”, bà nói. Hãng hàng không Southwest hiện đã đặt mua trước một phần lượng xăng dầu dùng cho nửa cuối năm nay với giá 71 đô la Mỹ/thùng và cho năm 2010 với giá 77 đô la Mỹ/thùng.
Để sống sót qua thời xăng cao dầu đắt, nhiều hãng hàng không đã giảm số đường bay, nâng cả giá vé và lệ phí; một số hãng hàng không hàng đầu đang tìm cách sáp nhập vào nhau để giảm chi phí. Năm ngoái ở Mỹ Delta Arilines đã mua lại Northwest Airlines, còn ở châu Âu hãng Lufthansa (Đức) đã mua lại Austrian Airlines (Áo); liên doanh Air France-KLM (Pháp-Hà Lan) đã mua lại Alitalia của Ý. Mới đây nhất, Trung Quốc đã quyết định sáp nhập hai hãng Hàng không Thượng Hải và Hàng không Phương Đông Trung Quốc sau khi cả hai đều lỗ chổng gọng trong năm ngoái.
Tương tự như vậy, khi giá xăng tăng liên tục thì các phòng trưng bày xe hơi trở nên trống trải; các loại xe to lớn, đầy đủ tiện nghi biến mất, thay vào đó là các dòng xe nhỏ, tiêu tốn ít nhiên liệu. Để vượt qua thời phá sản, cả General Motors và Chrysler đều phải giảm mạnh năng lực sản xuất và tìm cách cải tiến hiệu suất sử dụng nhiên liệu của xe hơi dưới áp lực mạnh mẽ của nhà cầm quyền Mỹ.
Nhưng theo ông Jeroen van der Veer, Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Royal Dutch Shell vừa nghỉ hưu tuần trước, giá xăng dầu bị chi phối bởi cán cân cung cầu trong dài hạn chứ không phải bởi những yếu tố căn bản trên thị trường hiện hành. Ông khuyên các doanh nghiệp nên có tầm nhìn dài hạn về thị trường để tính ra phương cách ứng phó. “Dầu mỏ chưa bao giờ ổn định cả. Nhìn vào lịch sử bạn sẽ biết và chuẩn bị phòng vệ trước xu thế tăng giảm mạnh hơn nữa” - ông van der Veer nói.
(Theo Huỳnh Hoa // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com