Gỏi ốc giác. |
Ốc giác có rất nhiều ở vùng biển miền Trung. Dân địa phương thường sử dụng thịt ốc giác chế biến nhiều món ăn độc đáo. Hấp dẫn nhất là món gỏi chấm nước mắm chua ngọt. Ăn đã luôn thôi…
Ở miền Trung, ốc giác xuất hiện với tần suất lớn trong các thực đơn của quán ăn, nhà hàng và người bán dạo ở bãi biển.
Ốc giác có thể xào, nấu lẩu... Đặc biệt là món gỏi, ăn một lần rồi nhớ mãi. Ốc được luộc chín và tách thịt khỏi vỏ. Thịt ốc giác dai và giòn, cắt thành miếng. Người ta sử dụng đu đủ còn xanh bào thành sợi nhỏ để trộn gỏi. Đu đủ bào sợi được ngâm với phèn để giữ độ giòn. Trộn gỏi ốc giác phải có hành phi, hành tây xắt sợi ngâm muối cho hết vị nồng, rau răm, đậu phộng... Nhiều quán ăn còn để thêm thịt ba chỉ, thịt nọng, lỗ tai heo, tôm luộc... để thêm sự phong phú cho món ăn.
Bí quyết của người chế biến món gỏi này nằm ở khâu pha nước cốt chanh và gia vị sao cho giữ được vị chua nhưng có vị mặn ngọt và nước mắm chế biến công phu để tạo vị đậm đà, tăng vị ngon. Trộn đu đủ, thịt với hỗn hợp nước cốt chanh cho đều và bày trí ra dĩa rồi mới để rau răm, hành phi, đậu phộng lên trên.
Khi ăn, thực khách phải trộn đều dĩa gỏi một lần nữa để mỗi đũa gắp đều có đu đủ, ốc giác, thịt ba chỉ, vài lá rau răm, hành phi, đậu phộng... tiếp đó chấm với nước mắm chua ngọt cho vào miệng để thưởng thức hết vị đậm đà của món ăn. Nước chấm ở miền Trung thường có vị mặn nhiều hơn nên khi khách miền Nam ghé quán, chủ quán thường nhắc nhà bếp giảm bớt vị mặn và thêm chua ngọt cho vừa khẩu vị thực khách. Ốc giác trộn gỏi thường ăn kèm với bánh phồng tôm chiên hoặc bánh tráng mè nướng. đã đến đất miền Trung, ăn gỏi ốc giác với bánh tráng mè để biết thêm khẩu vị của người dân bản địa.
Ăn gỏi, đưa cay bằng rượu Bàu Đá-Bình Định hoặc Cha- Bang Ninh Thuận. Trong bữa ăn, thực khách nhấm nháp vài ngụm rượu là đủ để tiêu hóa nhanh thức ăn và yên tâm ngồi xe xuôi hành trình thiên lý...
(Theo Thụy Du // Cần Thơ Online)