Mua chiếc kính hàng hiệu bán ở vỉa hè, trong chợ với giá bèo, người tiêu dùng (NTD) biết rõ họ bỏ tiền ra mua giá trị ảo. Nhưng, vẫn có thứ kính hiệu ảo, giá tiền thật đang “hoành hành” ở những cửa hàng sang trọng mà NTD mù mờ không biết đâu là giá trị thật.
Hiện ở VN chỉ có khoảng vài công ty nhập khẩu và phân phối chính thức mặt hàng mắt kính hiệu, chiếm khoảng 15% thị phần, còn lại đều là hàng trôi nổi, nhái nhãn hiệu nổi tiếng.
Eyewear Plaza - một trong những trung tâm phân phối các thương hiệu mắt kính nổi tiếng - Ảnh: P.Huy
Hàng hiệu nhái… chất lượng cao
Giới kinh doanh gọi hàng nhái… chất lượng cao là hàng fake. Hàng fake còn phân cấp đến sáu loại, từ fake 1 đến fake 6. Đối với hàng fake 1 (trong nghề gọi tắt là F1) là hàng có mức độ tinh xảo, chất liệu, mẫu mã, chi tiết giống đến 98% so với hàng thật - nhưng giá chỉ bằng 1/2 hàng thật, thậm chí 1/3. Đây là thị trường làm đau đầu các đơn vị kinh doanh hàng chính hãng hiện nay.
Mắt kính fake 1 ra đời xuất phát từ nhu cầu sính hàng hiệu nhưng chỉ muốn mua với giá rẻ của NTD. Theo chị Phương Liên – người chuyên đánh hàng mắt kính fake 1 cho biết, một tỉnh ở Trung Quốc là nơi đặt nhà máy sản xuất gia công mắt kính nổi tiếng của các thương hiệu Ý, Pháp… phải với quy mô nhà máy mới đủ công nghệ để thực hiện đơn hàng fake 1 cho khách ở khắp thế giới, trong đó có cả thị trường Âu Mỹ.
Mắt kính fake 1 trước đây tuồn về thị trường VN phần lớn từ nguồn xách tay. Do nhu cầu lớn và lợi nhuận cao, nhiều người chuyển sang buôn hàng fake 1 ở Quảng Châu, Hongkong… Việc đặt hàng không ràng buộc trách nhiệm về mẫu mã nếu có kiện tụng, mà chủ yếu là số lượng và số mẫu đặt. Chị Liên nói, nếu đặt hàng sản xuất theo mẫu thì mỗi mẫu phải đặt từ 100 cái và từ 30 mẫu trở lên.
Có hai hình thức đặt hàng cho mắt kính fake 1: thông qua hình thức đặt hàng từ các nhà sản xuất dạng sản phẩm linh kiện. Sau đó, đối tác đưa nhãn mác, thương hiệu của mình lên và có thể bán ra thị trường mà không cần phải đăng ký bản quyền. Hoặc, thông qua đặt hàng thành phẩm hoàn chỉnh với kiểu dáng y hệt thương hiệu nổi tiếng. Vì thế, trên thị trường, bên cạnh các thương hiệu lớn, còn xuất hiện nhiều thương hiệu lạ hoắc nhưng sự tinh xảo không kém hàng hiệu nên giá cũng trên trời và được NTD chọn mua.
Kính hiệu ngoại, tay nghề nội
Ngoài ra, còn một dạng hàng fake 1 được sản xuất tại làng Lịch Động (Thái Bình) cũng trà trộn vào thị trường hàng hiệu nhái chất lượng cao, dù mức độ tinh xảo chỉ đạt khoảng 7/10 so với hàng của TQ. Loại này được kinh doanh theo hệ thống các cửa hàng mắt kính lớn ở TP.HCM – phần lớn những chủ cửa hàng này có “dây mơ rễ má” với những người ở Thái Bình. Họ vào đây mở tiệm để tiêu thụ sản phẩm do chính “người nhà” làm ra. Tại đây, sản phẩm nhái tên thương hiệu, nhưng mẫu mã thì “tả pín lù”, vì thế có thể thấy mẫu mắt kính Gucci, D&G nhưng mang thương hiệu Cavalli hay Vogue…
Để sản xuất hàng fake 1, các cơ sở ở làng Lịch Động - Thái Bình nhập linh kiện “cao cấp” hơn từ TQ. Tất nhiên, giá cũng cao hơn so với các linh kiện hàng fake thông thường. Nhưng ngay cả linh kiện được cho là cao cấp cũng không đắt hơn… 100.000đ/cặp mắt kính hoặc gọng kính. Vấn đề là tay nghề của những người thợ làm kính ở Lịch Động cực kỳ khéo léo, nên sản phẩm có thể qua mắt được nhiều khách hàng. Thậm chí, hàng fake 1 "made in Lịch Động" còn in chữ, logo chìm trên loại kính thủy tinh, gọng kính nhựa.
Chủ một tiệm kính lớn trên đường ĐBP, Q.3 cho biết, mắt kính fake 1 của làng Lịch Động chỉ chiếm số lượng nhỏ trên thị trường, phần còn lại là của TQ; và đều nhập lậu. Mắt kính fake có ưu điểm về mặt hình thức - giống như hàng thật, từ chi tiết ốc vít, màu sắc, gọng, tròng, chất liệu, hộp kính, code hàng, thẻ chứng nhận… Chỉ khi soi qua máy, các mã code, số seri… giả này mới bị phát hiện.
Có dẹp được… loạn?
Giới kinh doanh hàng fake 1 tính toán rất kỹ, mỗi nơi chỉ trưng bày một hoặc vài sản phẩm để đánh lừa khách hàng. Giá cả cũng được định ở mức mà người mua không sợ mua… lầm. Cụ thể, mắt kính hiệu Lacoste ký hiệu BK58-17 giá chính hãng khoảng hai triệu, nhưng giá fake 1 chỉ 1,2 triệu, còn giá xuất xưởng chỉ có trời mới biết!
Thông tin từ Công ty Ánh Rạng cho biết, các cửa hàng lớn, một số trung tâm cũng có lấy kính hiệu tại công ty, nhưng số lượng không nhiều. Theo đại diện Tập đoàn Luxottica, không ít cửa hàng chỉ mua vài chiếc kính xịn, sau đó copy tem, nhãn hiệu, số seri... của kính xịn dán vào kính nhái để qua mặt khách hàng.
Gần đây, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra và giữ hàng chục ngàn mắt kính hiệu giả. Theo đánh giá từ Chi cục QLTT, hầu như khi kiểm tra, cửa hàng bán kính nào cũng có “vấn đề”. Việc kiểm tra, xử lý mặt hàng mắt kính hiện đang gặp nhiều khó khăn vì hiếm khi có đơn khiếu nại về hàng nhái. Mặt khác, Chi cục cũng không nhận được thông tin của các nhãn hiệu mắt kính nổi tiếng trên thế giới về việc đã đăng ký bảo hộ sở hữu độc quyền tại VN, nên khi kiểm tra không có bên nào đứng ra giám định xem hàng có bị làm giả hay không.
Ngay quy định của pháp luật cũng bất cập, vì muốn xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái, bắt buộc phải có kết luận giám định hàng giả. Nhưng, chi phí giám định lại khá cao và khi đưa đi giám định, lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí, sau đó mới thu hồi lại từ đơn vị kinh doanh hàng nhái. Thực tế, việc thu hồi khoản tiền này không dễ.
Tương tự, Hội Bảo vệ NTD cho biết, muốn khiếu nại, NTD phải chứng minh những thiệt hại do dùng sản phẩm gây ra cho mình. Ông Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội cho biết, đối với mắt kính, khó mà chứng minh được thiệt hại.
(Theo Đức Phong // Phụ Nữ TPHCM)