Giá nhiều loại hàng hóa tăng cao đang gây khó khăn lên đời sống của người dân. Ảnh: Minh Tâm |
Mặt bằng giá mới cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng gia dụng đã được định hình rõ nét sau khi xăng tăng thêm gần 20% và điện chuẩn bị tăng trung bình 15%. Nhiều nhà bán lẻ nhận định, doanh thu bán hàng sẽ bị ảnh hưởng do người dân thắt lưng buộc bụng. Và để đối phó, các nhà bán lẻ đã chuẩn bị các kế hoạch đẩy mạnh bán hàng bằng khuyến mãi, giảm giá...
Ngày G: 1-3
Ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, các nhà bán lẻ đã phản ứng tức thời trước các thông tin tăng giá của điện, xăng dầu hay tỷ giá. Theo đại diện các siêu thị, rất nhiều nhà cung cấp đã và đang đồng loạt nâng giá bán.
Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết, đến thời điểm này, siêu thị này đã nhận được thông báo tăng giá ở gần 100% các mặt hàng; trong đó, những loại hàng không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua thì tăng khoảng 5%; những mặt hàng chịu tác động trực tiếp thì tăng từ 10-18%. Thời gian áp dụng giá mới sẽ được bắt đầu vào 1- 3 tới.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Maximart cho hay, không cần đợi đến ngày xăng chính thức tăng giá, từ nhiều ngày trước, các nhà phân phối đã thông báo điều chỉnh giá. Bà Hồng nói rằng, chỉ trong tuần này, Maximart đã nhận được thông báo tăng giá của khoảng 200 nhà cung cấp, chiếm tỷ lệ 10% trên tổng số nhà phân phối hiện có. Mức điều chỉnh giá lần này khá cao, hầu hết dao động ở mức từ 10 - 18%, rơi vào các mặt hàng như thực phẩm (bánh kẹo, nước giải khát, dầu ăn), đồ nhựa gia dụng. “Từ nay trở đi, chắc chắn sẽ còn nhiều công ty gửi thông báo. Đợt tăng giá này sẽ rất khủng khiếp khi tất cả mọi mặt hàng đều tăng và mức tăng khá lớn”, bà Hồng nhận định.
Tại nhiều chợ lẻ, các loại thực phẩm như rau củ, thịt heo, thịt bò… đã nhích giá nhẹ với lý do tiền vận chuyển từ chợ sỉ về tăng khi xăng vọt thêm gần 3.000 đồng/lít. Theo đó, thịt bò thăn ở mức 200.000 - 220.000 đồng/kg; thịt heo ba rọi mức 80.000 - 83.000 đồng/kg; dưa leo: 10.000 - 13.000 đồng/kg; xà lách búp Đà Lạt: 18.000 - 25.000 đồng/kg…
Theo ông Hồ Phước Hải, Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TPHCM, sức mua ở chợ đầu mối này sau tết giảm nhẹ, khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân theo ông Hải là do giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là hải sản tươi sống, hải sản khô vẫn ở mức khá cao khiến người bán lẻ giảm lấy hàng khi người tiêu dùng chợ lẻ giảm nhu cầu, cắt giảm chi tiêu. Sức mua giảm rõ rệt nhất cũng rơi vào chính các mặt hàng này. Về tình hình giá cả các mặt hàng dưới tác động của đợt điều chỉnh xăng, dầu vừa qua, ông Hải khẳng định giá ổn định như mức những ngày trước. Ông Hải cho rằng, trong vài ngày tới, có thể hàng về chợ sẽ điều chỉnh. Ví dụ cá biển sẽ tăng do tiền dầu chạy máy cho ghe thuyền tăng. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá đột biến bởi nhiều mặt hàng hiện nay đã duy trì ở mức giá khá cao, bán khó khăn. Bên cạnh đó, chợ sỉ bị tác động nhiều hơn bởi các yếu tố như cung cầu thị trường, mùa vụ hơn là giá vận chuyển. |
Ở ngành hàng điện tử gia dụng, việc tăng giá cũng đã được nhiều nhà phân phối thực hiện rải rác từ sau thời điểm tỷ giá điều chỉnh đến nay. Theo đại diện một số trung tâm điện máy, còn có thông báo miệng của nhiều hãng khác với mức tăng từ 3 - 10%, áp dụng cho đợt nhập hàng tới. “Mức tăng cao rơi vào những mặt hàng đang bán chạy hoặc mẫu mới”, đại diện hệ thống Trung tâm Thiên Hòa nói.
Lo ảnh hưởng doanh thu
Theo các nhà bán lẻ, điều họ lo lắng nhất là mặt bằng giá hàng hóa quá cao, cùng với sự gia tăng các chi phí khác như đi lại, điện nước, con cái học hành… sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Khi đó, doanh thu và lợi nhuận của nhà bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Tuấn của Citimart Chu Văn An nói rằng, không cần phải đợi thời gian tới mà ngay trước mắt, doanh thu của siêu thị này đã giảm 20% so với cùng kỳ. Theo ông Tuấn, nhìn rộng hơn thì lợi nhuận chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng dưới tác động của đợt điều chỉnh tỷ giá, điện, xăng dầu lần này. Nguyên nhân là mức chiết khấu trên sản phẩm mà nhà sản xuất , nhà phân phối đưa xuống vẫn giữ nguyên trong khi doanh số bán ra giảm và chi phí vận hành của nhà bán lẻ tăng khi điện, lương nhân viên và tiền thuê mặt bằng đều tăng. “Hợp đồng thuê thì ký nhiều năm nhưng chúng tôi trả bằng đô la Mỹ. Nay tỷ giá tăng thì số tiền dùng để mua đô la trả nợ cao hơn rồi. Đó là chưa nói phần trượt giá của hợp đồng thuê”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximart Cộng Hòa (thuộc hệ thống Maximart), điều dễ nhìn thấy nhất lúc này là người dân bắt đầu có xu hướng thay đổi thói quen mua sắm, thể hiện qua việc người mua đã chú ý kỹ hơn về giá thông qua việc xem xét món hàng lâu hơn và bị thu hút bởi chương trình khuyến mãi (qua hình thức tặng quà hay giảm giá).
Theo đại diện Maximart, thời điểm này, doanh thu vẫn ổn định nhưng trong kinh doanh siêu thị, không tăng nghĩa là giảm. Tuy nhiên, tác động đến mức nào thì phải đến đầu tháng 4 mới có thể trả lời chính xác. “Nói chung là chúng tôi rất lo bởi tình hình này không thể lạc quan, tự tin nổi”, đại diện Maximart nói.
Nhà bán lẻ điện tử, điện lạnh lo lắng doanh thu sẽ giảm mạnh khi ti-vi, tủ lạnh... sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu của nhiều gia đình. Ảnh: Minh Tâm |
Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc thegioidientu.com nhận định, sức mua và doanh thu trong thời gian này và sắp tới sẽ diễn biến tương tự như thời điểm tháng 10-2010, lần điều chỉnh tỷ giá trước. Lúc đó, theo ông Huân, doanh số bán ra của hệ thống thegioididong.com (thương hiệu chung sở hữu với thegioidientu.com) trong 3 tháng liên tiếp là tháng 10, tháng 11 và tháng 12 giảm, trong khi các năm trước đều tăng. Nhu cầu mua sắm với các mặt hàng điện thoại, laptop giảm hẳn. Ông Huân đánh giá: “Theo tôi, doanh số bán hàng của tháng 3, tháng 4 tới có thể giảm tới 30% so với các tháng trước đó”.
Để kéo sức mua, nhiều nhà bán lẻ cho biết đã, đang và sẽ đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người tiêu dùng. Đó sẽ là các chương trình do hai bên: nhà bán lẻ và nhà cung cấp cùng phối hợp thực hiện cũng như các chương trình riêng lẻ của chính siêu thị, cửa hàng. “Khôn khéo tính toán, sắp xếp các yếu tố đầu vào để đưa ra giá bán tốt, có sức cạnh tranh với đối thủ ở những thời điểm nhạy cảm sẽ là cách làm thương hiệu rất tốt và kéo người tiêu dùng về phía mình”, ông Huân của thegioidientu.com nói.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)