Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các tỉnh miền trung làm gì để phát triển kinh tế biển? Bài 1 Ðánh thức tiềm năng biển

Theo luật biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của một nước có biển là 200 hải lý, thì diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam gấp ba lần lãnh thổ trên bộ.

Tàu cập cảng Dung Quất,Quảng Ngãi ăn hàng.

 Ðặc biệt, các tỉnh miền trung  nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều đảo ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Trường Sa và Hoàng Sa. Vì thế, miền trung có nguồn tài nguyên biển đa dạng, phong phú, là điều kiện thuận lợi phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển.

Ðầu tư hạ tầng, khai thác tốt kinh tế biển 

Các tỉnh ven biển miền trung hiện nay đều có tiềm năng và những lợi thế kinh tế biển. Mỗi địa phương đã định hướng, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng thích hợp,  bảo đảm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế biển như: Khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển và kinh tế hải đảo, khai thác, chế biến thủy sản, kinh tế hàng hải và các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị dọc ven biển. Hệ thống cảng biển được Nhà nước đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động tốt đã kéo theo sự hình thành nhanh chóng các khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị mới ven biển. Hiện nay, nhiều cảng biển miền trung đang phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước và nước ngoài như: Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), Kỳ Hà (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Ðịnh) và cảng Ðà Nẵng. Hiện Phú Yên đã đầu tư xây dựng nâng cấp cảng Vũng Rô thành cảng hàng hải tổng hợp cấp quốc gia có thể tiếp nhận tàu hơn 3.000 tấn, với lượng hàng hóa thông qua cảng tăng mạnh qua từng năm, khả năng đạt gấp hai lần năng lực thiết kế (250 nghìn tấn) trong năm 2010. Cảng Vũng Rô cũng đã được Cục Hàng hải đưa vào Ðề án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng Nam Trung Bộ.

Khánh Hòa, tỉnh nằm gần đường hàng hải quốc tế nên có điều kiện phát triển giao thông biển. Khánh Hòa có nhiều vịnh nước sâu như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang... rất lợi thế trong phát triển cảng biển. Hiện ở đây có nhiều cảng biển đang hoạt động như cảng Nha Trang phục vụ chuyên chở hành khách và vận tải hàng hóa; cảng Ðầm Môn chuyên xuất cát; cảng Hòn Khói thuộc huyện Ninh Hòa chuyên dùng xuất khẩu muối, kết hợp với cảng hàng hóa; cảng Ba Ngòi vận chuyển các loại hàng hóa...

Sau các giai đoạn đầu tư xây dựng, đến giai đoạn khai thác tiềm năng, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có khả năng tiếp nhận tàu công-ten-nơ sức chở 17 nghìn TEU; lượng hàng thông qua cảng khoảng 14,5 đến 17 triệu TEU/năm. Hiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - đơn vị chủ đầu tư, đang có kế hoạch mời gọi các nhà đầu tư lớn, có uy tín, kinh nghiệm trên thế giới cùng hợp tác đầu tư, khai thác cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Ðặc biệt ưu thế cảng biển nước sâu Dung Quất đã trở thành một cửa ngõ lớn thường xuyên vận chuyển hàng hóa chuyên dụng dầu khí và thiết bị, vật tư siêu trường, siêu trọng phục vụ xây dựng các nhà máy trên khu kinh tế Dung Quất. Tuyến đường bộ ven biển Phú Yên với tổng chiều dài 154,6 km, chạy song song với quốc lộ 1A  từ bắc thị xã Sông Cầu đến Vũng Rô (Ðèo Cả) huyện Ðông Hòa đã được đầu tư hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Cầu Hùng Vương hoàn thành nối liền giữa bắc thành phố Tuy Hòa và nam thành phố Tuy Hòa - Vũng Rô sẽ phát triển Khu kinh tế Phú Yên. Trong quy hoạch chiến lược phát triển vùng, miền, tỉnh Phú Yên và Sông Cầu trước đó đã mở tuyến quốc lộ 1D, nối Sông Cầu - Quy Nhơn, Bình Ðịnh đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, trong đó có khu công nghiệp đông bắc Sông Cầu phát triển gắn với vùng kinh tế phía nam của tỉnh Bình Ðịnh. Việc nối đường bay Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại đã tạo cơ hội mới cho Phú Yên phát triển nhanh kết cấu hạ tầng vùng ven biển. Tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã được tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức khởi công xây dựng đã mở ra trang sử mới cho các huyện, xã ven biển có điều kiện đầu tư khai thác những lợi thế từ biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình cho biết: Lợi thế tiềm năng kinh tế biển ở miền trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng được thể hiện theo quy hoạch rất rõ nét. Trong những năm gần đây, địa phương đã có nhiều biện pháp huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ven biển. Nhiều dự án đầu tư mới đã được đẩy nhanh tiến độ và thực hiện khai thác có hiệu quả các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản. Nổi bật, khu kinh tế Dung Quất gắn với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang phát huy hiệu quả của một Trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước và phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bước đầu tạo tiền đề thực hiện theo hướng CNH, HÐH. Ngành du lịch biển đang phát triển nhanh chóng không những đầu tư xây dựng khu du lịch biển Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Thiên Ðàng mà còn đầu tư phát triển mạnh du lịch và an ninh-quốc phòng vững chắc trên huyện đảo Lý Sơn...

Khánh Hòa, một tỉnh đang phát triển khá hoàn chỉnh với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó mạnh nhất vẫn là du lịch biển. Nhờ được quan tâm đầu tư nhiều mặt, nhất là cơ sở hạ tầng, ngành du lịch Khánh Hòa có mức tăng trưởng bình quân hằng năm ở mức hơn 20%; tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đến nay đã hơn 43%. Trong năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, du lịch Khánh Hòa vẫn có dấu hiệu phục hồi rõ nét: Doanh thu đạt 1.567 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2008. Trong phát triển du lịch, có thể thấy, du lịch biển đảo là một thế mạnh lớn và phát triển du lịch biển, đảo, theo nhiều hướng, có cả sinh thái là một hướng đi nhiều triển vọng của Nha Trang (Khánh Hòa). Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá trên biển, bờ biển, đảo hiện là những loại hình đang được ưa chuộng. Ngoài ra, hiện có nhiều loại hình du lịch mới đang được phát triển rất tốt như du lịch lặn biển ở các khu vực Hòn Mun, Hòn Tre và khu vực vịnh Vân Phong.

Chế biến cá ngừ đại dương.

Tiềm năng lớn, nhưng tỉnh Khánh Hòa xác định phát triển du lịch không thể chỉ dựa vào điều kiện thiên nhiên sẵn có mà luôn có sự tìm tòi, sáng tạo trong việc tạo ra nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn; mang đậm dấu ấn của Nha Trang. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Văn Tự xác định: Khánh Hòa đang phát triển ba khu vực tập trung các dịch vụ du lịch dọc bờ biển gồm: Cụm TP Nha Trang và phụ cận; cụm thị xã Cam Ranh và khu đô thị Cam Lâm cùng các vùng phụ cận và cụm khu vực Dốc Lết, vịnh Vân Phong. Tỉnh đang tập trung  các điều kiện và tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa lớn; xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, các bãi đỗ xe, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, các điểm vui chơi, giải trí... tạo điểm đến cho khách du lịch; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện tốt các dự án phát triển du lịch tại Nha Trang, Vân Phong, khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh và các khu vực khác trên địa bàn. Sự cố gắng của tỉnh trong việc tổ chức Festival biển hai năm một lần trong thời gian vừa qua phần nào đã tạo được những dấu ấn quan trọng trong phát triển văn hóa biển. Duy trì tốt được điều ấy sẽ từng bước có được sự phát triển hài hòa giữa kinh tế du lịch biển với văn hóa biển, tạo được một dáng nét riêng của một địa phương lâu nay vẫn được bạn bè gần xa trìu mến gọi là thành phố biển.

Phú Yên có nhiều vịnh, nhiều đầm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn với nhiều di tích lịch sử, như vịnh Vũng Rô gắn với sự kiện tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại; Vịnh Xuân Ðài, thị xã Sông Cầu đang được khảo sát đề nghị công nhận vịnh đẹp thế giới; Gành Ðá Ðĩa một trong ba gành đá tự nhiên được phát hiện trên thế giới; Di tích thắng cảnh quốc gia Ðầm Ô Loan, huyện Tuy An với nhiều loại đặc sản biển, trong đó có loại sò huyết nổi tiếng. Suốt dọc bờ biển Phú Yên còn có nhiều bãi tắm đẹp, như Bãi Bàng, Bãi Rạng, Bãi Tiên, Bãi Môn, Bãi Xép. Tỉnh đã quy hoạch chi tiết ba cụm điểm du lịch ven biển gồm cụm điểm du lịch huyện Ðông Hòa, cụm điểm du lịch ven biển TP Tuy Hòa và vùng phụ cận, cụm điểm du lịch biển thị xã Sông Cầu. Ðến nay đã có 14 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký 14 dự án đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch ven biển, đảo với tổng vốn đăng ký 3.004 tỷ đồng và 4,3 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn bỏ vốn xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều dự án resort, khách sạn 4-5 sao như Khu du lịch cao cấp Núi Thơm Vietstar, resort Thuận Thảo; một số khách sạn Cendelux, Kaya, LongBeach, Sài Gòn - Phú Yên.

Phú Yên có vùng đất liền nhô ra khơi tiếp cận với Biển Ðông, nên rất có lợi thế để tổ chức khai thác các đàn cá nổi có giá trị kinh tế cao di cư theo mùa. Với tổng số tàu thuyền 7.253 chiếc, trong đó có 860 tàu khai thác xa bờ, mỗi năm sản lượng thủy sản khai thác đạt từ 35 nghìn tấn đến 37 nghìn tấn, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt từ 4.000 đến 5.000 tấn, tương đương giá trị 350-400 tỷ đồng. Riêng năm 2010 sản lượng đánh bắt được 36 nghìn tấn, cá ngừ đại dương ước đạt 5.000 tấn. Sản phẩm cá ngừ tươi sống được xuất sang các thị trường Mỹ, Ca-na-đa, EU, Nhật Bản. Tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh khai thác cá ngừ đại dương đã trở thành thế mạnh của ngành thủy sản. Nghề này phát triển kéo theo hàng loạt dịch vụ trên bờ phát triển theo như kinh doanh xăng dầu, nước đá, ngư lưới cụ và một số dịch vụ buôn bán lương thực, thực phẩm khác. Ngoài việc giải quyết cho gần 8.000 lao động mỗi năm, nghề câu cá ngừ đại dương đã góp phần tăng kim ngạch mặt hàng xuất khẩu thủy sản của tỉnh, tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển Nam Trung Bộ.

Ngoài những tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc đầu tư nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản cũng là thế mạnh của các tỉnh ven biển miền trung. Gần đây, ngư dân trong vùng đã vay vốn, tự đầu tư đóng mới những con tàu có công suất lớn để ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Quảng Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ðà Nẵng đã hình thành các tổ đội đánh bắt trên biển và phát triển nhanh các nghề vây rút chì, câu mực, giả cào và nghề lặn biển... Quảng Ngãi hiện có hàng trăm tàu có công suất lớn, trang bị máy Icom, máy định vị hiện đại, bảo đảm đánh bắt xa bờ, góp phần đưa sản lượng hải sản tăng trung bình hằng năm gần 6%. Ở những làng cá như Phổ Thạnh, Tịnh Kỳ, Bình Châu, Nghĩa Phú và Nghĩa An đang phát triển mạnh nghề cá. Ðứng trên cảng Sa Kỳ vào một chiều tháng 8 này, chúng tôi thấy hàng trăm tàu thuyền của ngư dân nối đuôi nhau ra biển lớn khai thác hải sản thật nhộn nhịp.

Những hạn chế, bất cập

Việc khai thác lợi thế kinh tế biển ở các tỉnh miền trung bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, xét về tổng thể tiềm lực và sự cạnh tranh quốc tế trong chiến lược phát triển kinh tế biển-đảo hiện nay thì vẫn còn những hạn chế, bất cập. Ðó là hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển đang quá tải; trang thiết bị và trình độ quản lý yếu kém; năng lực xếp dỡ hàng hóa thấp, giải phóng tàu chậm so với khu vực. Hệ thống thông tin, quản lý tàu thuyền và các phương tiện vận tải, nghề cá không bảo đảm hoạt động. Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển còn chậm, ảnh hưởng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và các giải pháp phát triển kinh tế biển. Sản phẩm kinh tế biển có thương hiệu rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm thương hiệu sản phẩm của mình. Hiện nay số lượng các sản phẩm có thương hiệu trên thế giới tập trung ở lĩnh vực dầu khí, hàng hải và một số doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, trong khi đó nhiều lĩnh vực cảng biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ du lịch hạn chế. Việc khai thác khoáng sản, nuôi trồng, chế biến hải sản còn ảnh hưởng môi trường biển nghiêm trọng như: khai thác ti-tan, nuôi cá lồng, chế biến sứa. Dịch vụ thông tin, liên lạc kém phát triển và trang bị cứu hộ, cứu nạn, phòng, tránh, trú bão cho tàu thuyền hoạt động trên biển còn thiếu. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển chưa đáp ứng trong tình hình mới. Các khu, điểm du lịch đầu tư chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước, hoạt động cầm chừng, hiệu quả kinh tế thấp. Môi trường biển đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm trầm trọng do các hoạt động kinh tế và sinh hoạt. Hiện nay nhiều tỉnh ven biển miền trung chưa có cảng du lịch chuyên dụng, phải dùng chung với cảng hàng hóa; sự tham gia của cộng đồng vào phát triển và quản lý du lịch biển nhiều hạn chế; việc khai thác tài nguyên du lịch biển ở một số nơi chưa gắn liền với quy hoạch, thiếu các định hướng phát triển lâu dài.

Công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo có mặt hạn chế; chưa động viên cổ vũ kịp thời các nhân tố mới về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khó khăn của các tỉnh ven biển miền trung là còn thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế biển, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế biển chưa tương xứng tiềm năng, cơ sở hạ tầng các vùng biển và ven biển còn yếu kém, lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của các lĩnh vực liên quan biển.

Trong khai thác hải sản phần lớn tàu thuyền có công suất nhỏ; thiết bị khai thác thô sơ, trang thiết bị hàng hải trên tàu còn thiếu, chưa đồng bộ, trình độ cơ giới hóa còn thấp. Tổ chức sản xuất còn đơn lẻ, chi phí sản xuất lớn, công tác hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an toàn trên biển gặp nhiều khó khăn. Nguồn lợi xa bờ, mùa vụ đánh bắt chưa được nghiên cứu để đưa ra kế hoạch đánh bắt cụ thể. Hệ thống thông tin cứu hộ, cứu nạn phòng, tránh bão cho tàu, thuyền nghề cá hoạt động trên biển còn thiếu, yếu. Năng suất khai thác có dấu hiệu giảm sút, giá nhiên liệu vật tư tăng mạnh, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả khai thác và thu nhập của ngư dân. Hỗ trợ của Nhà nước về hệ thống thông tin liên lạc, về tổ chức hậu cần nghề cá nhất là dịch vụ trên biển, về thông tin liên lạc, về tổ chức mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá, về kỹ thuật khai thác, giá cả thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất đặt ra.

Trong nuôi trồng thủy sản: tiềm năng chưa được khai thác sử dụng hợp lý; hạ tầng phục vụ nuôi trồng, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng; dịch bệnh tôm thường xảy ra nhưng chưa khống chế được làm giảm hiệu quả sản xuất và gây thất thu cho người nuôi. Việc xây dựng một số bến, cảng cá thời gian qua chưa đồng bộ và hoàn thiện. Việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế biển chưa đáp ứng yêu cầu; phần lớn nhân lực làm việc trong lĩnh vực kinh tế biển trình độ học vấn còn thấp, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn nên hạn chế việc nắm bắt, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công tác bảo vệ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển hạn chế...

(Theo Minh Trí,Phong Nguyên và Trình Kế // Nhandan Online)

  • Các tỉnh miền trung làm gì để phát triển kinh tế biển? Bài 2: Tầm nhìn mới về phát triển kinh tế miền biển
  • Đưa TMĐT vào hoạt động sản xuất và kinh doanh
  • Có “vùng cấm” trong giám sát các tập đoàn?
  • Giải pháp mới góp phần bình ổn giá sữa
  • Sự thật sau cái bẫy!
  • Bỏ HĐND quận, huyện, phường: Lo “khoảng trống” dân chủ?
  • Kinh tế Việt Nam như con hổ tiến về phía trước!
  • Điểm tựa của doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi