Tại Hội thảo "Tăng trưởng và giảm nghèo tại các nước châu Á đang phát triển trong giai đoạn hậu khủng hoảng" do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức mới đây, IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2010 khoảng 6% và có thể cao hơn.
Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của IMF John Lipsky |
Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của IMF John Lipsky nhận xét, trong số các nước mới nổi lên trong khu vực châu Á, Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tốt và nếu có những chính sách phù hợp tiếp theo thì Việt Nam sẽ có thể vươn lên trở thành nước có thu nhập cao hơn. Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF A. Xinh cho rằng, giảm nghèo của Việt Nam trong thập niên qua đã hơn hẳn một số nước châu Á, cho nên hoàn toàn hợp lý nếu giả định Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn nữa trong thời gian tới. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, Việt Nam đã triển khai những chính sách tiền tệ và tài chính thành công trong các năm 2008, 2009 và được đánh giá tích cực. Song, để kịp thời giảm thâm hụt ngân sách thì việc huy động các nguồn vốn trong dân cư, trong nước và ngoài nước rất quan trọng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của IMF, đã có những khoản vay mượn thiết yếu. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa sử dụng và vẫn giữ khoản vay đó trên nguồn dự trữ ngoại hối của mình. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định: "Việt Nam có quyền tiếp cận những nguồn vay mới của IMF và chúng tôi đã hợp tác rất tốt để khi cần có thể tiếp cận nguồn vốn của tổ chức này". Phó Thống đốc cho rằng, trong thời gian tới, nhu cầu trợ giúp về vốn cũng như tư vấn chính sách của các nước đang phát triển sẽ tăng cao. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: "Tôi hy vọng rằng các tổ chức quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ sẽ luôn sẵn sàng sát cánh với các nước đang phát triển trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng, kể cả thông qua tư vấn chính sách nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như cải cách các công cụ cho vay theo hướng linh hoạt hơn, giúp các nước nhanh chóng vượt qua tác động tiêu cực của khủng hoảng".
Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của IMF đánh giá cao sự hợp tác với Việt Nam. Ông cho rằng, nợ công của Việt Nam thấp hơn nhiều nước và nhận định không quan ngại gì về vấn đề này. Tuy nhiên, các quan chức của IMF cũng cho rằng, các thách thức với Việt Nam là giữ được lạm phát thấp, chính sách ngân sách phải lành mạnh hóa, khoảng trống hạ tầng cần được lấp đầy, nhất là giao thông, điện và viễn thông. Vẫn còn những khoảng cách thu nhập và vấn đề nghèo còn rất lớn. Ông John Lipsky cũng cho biết, IMF đã và đang có những cải tiến rất quan trọng. Ðặc biệt, tổ chức này sẽ tập trung và nâng cao hơn hợp tác ở khu vực châu Á. Vai trò của IMF trong bối cảnh hậu khủng hoảng sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực.
Một là, chính phủ các nước thành viên IMF tới đây sẽ chính thức điều chỉnh việc sẽ chuyển 5% quyền biểu quyết sang các nước đang phát triển từ những nước đang có đại diện quá nhiều.
Thứ hai, IMF đang tăng cường cho một khuôn khổ bền vững, cân bằng cũng như sẽ có đánh giá chung và những dự báo, chính sách trung hạn cho năm năm tới.
Thứ ba, tổ chức sẽ đưa ra những kịch bản nền tạo cơ sở cho hợp tác và phối hợp giữa các nước G20 và các lợi ích chung của toàn cầu.
Thứ tư, IMF cũng sẽ xem lại tôn chỉ của mình để có những điều chỉnh về trọng điểm và phân tích cho phù hợp hơn với thế giới hậu khủng hoảng, nghiên cứu làm sao cải thiện các khoản vay tài chính.
Theo ông Líp-xki, để vươn tới vị thế nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam, cần bảo đảm tăng trưởng lành mạnh trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, coi cải cách cơ cấu là ưu tiên trong việc cải thiện sức cạnh tranh và hội nhập sâu hơn nữa vào mạng lưới thương mại toàn cầu; bảo đảm an sinh xã hội.
(Theo Thùy Vân // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com