Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng tiêu chí thẩm tra dự án

Sẽ có thêm các điều khoản về thẩm tra, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện với dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Câu chuyện “bội thực” của ngành thép với con số chênh lệch giữa 17 dự án theo quy hoạch phát triển ngành và 65 dự án đang triển khai, hoặc đã đưa vào sản xuất, chưa kể một số dự án đang ngấp nghé tại các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thể sẽ ít có cơ hội tái diễn, khi quy định thẩm tra sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển ngành được chấp thuận bổ sung vào hệ thống tiêu chí thẩm tra dự án đầu tư.

Khi đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ không cần phải áp dụng cách xử lý mang tính bị động là đề nghị tạm ngừng cấp phép, sau khi mọi việc đã trở nên quá tầm kiểm soát, mà Bộ Công thương đã buộc phải áp dụng trong các văn bản hồi đầu tháng 7 vừa qua đối với các dự án thép xây dựng thông thường.

Đây là một trong những đề xuất từ các chuyên gia soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/6/2006 hướng dẫn  thi hành Luật Đầu tư. Mục tiêu của các tiêu chí tăng thêm là hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của cơ chế phân cấp và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

Như vậy, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn trên 300 tỷ đồng, hoặc dự án có quy mô vốn dưới 300 tỷ đồng thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện sẽ phải được thẩm tra sự phù hợp với 5 loại quy hoạch, thay vì 4 loại như hiện nay, gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác và quy hoạch phát triển ngành.

Các bước thẩm tra sẽ ngặt nghèo hơn khá nhiều với các dự án quy mô lớn khi cùng với đó sẽ là các tiêu chí thẩm tra bổ sung khác cho các dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư trước khi lập dự án, dự án có diện tích sử dụng đất lớn, các tiêu chí giám sát trách nhiệm của chủ đầu tư trong tiến độ thực hiện góp vốn, huy động động vốn, tiến độ xây dựng. Đặc biệt, nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án có thể sẽ được đưa vào nội dung của Dự thảo Nghị định, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những giải pháp tình thế về ký quỹ đầu tư mà một số địa phương đang áp dụng, nhằm kiểm soát tính khả thi của một số dự án đầu tư quy mô lớn.

Cũng phải khẳng định rằng, các tiêu chí này hiện tại đã được quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP, nhưng chỉ giới hạn với các dự án thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch, hoặc chưa có trong quy hoạch mà cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch. Phần trách nhiệm này của chủ đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 41 của Nghị định 108/2006/NĐ-CP chỉ được quy định khá chung với mục về thời hạn và tiến độ thực hiện dự án.

Có thể, những thay đổi này sẽ tác động không nhỏ tới các nhà đầu tư nước ngoài khi đặt chân tới thị trường Việt Nam. Song quan điểm chung của một số chuyên gia kinh tế là ủng hộ các “tiêu chí đầu vào” cẩn trọng, rõ ràng và có mục tiêu cụ thể hơn với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bài học của ngành thép có lẽ phải nhắc lại trong bối cảnh ngay trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định cứng rắn về việc dừng các dự án sân golf, các dự án khai thác khoáng sản, trồng rừng… ngoài quy hoạch và không tuân thủ đúng quy định về quy hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, phải thấy rằng, việc bổ sung tiêu chí là không đơn giản nếu đứng ở góc độ các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các địa phương. Điều khoản mới về chế độ báo cáo, thống kê; kiểm tra hoạt động đầu tư và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư cũng đang được Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, trách nhiệm của các ngành, các địa  phương rất lớn trong cách tiếp cận mới về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các ngành khi xây dựng quy hoạch phát triển thời kỳ 2011-2020 cần đưa ra những chỉ dẫn đối với thu hút FDI, để hướng dẫn thực hiện trong phạm vi cả nước.

“Tất nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch khi điều kiện thực tế đã thay đổi là cần thiết, nhưng không thể tiếp tục bị động với nhà đầu tư nước ngoài trong việc triển khai các dự án đầu tư quốc tế ở nước ta”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Đặc biệt, trách nhiệm tuân thủ thống nhất chính sách của Nhà nước về đầu tư trên cả nước cũng được GS. Nguyễn Mại nhắc tới. Nguyên tắc được đặt ra là phải tính tới lợi ích của vùng kinh tế và cả nước khi quyết định cấp phép đầu tư cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án quy mô lớn.

(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)

  • Kinh tế đang hồi phục và tăng tốc
  • Tập đoàn nhà nước làm gì?
  • BMI dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6%
  • Các dự án bãi đậu xe ngầm ở TP.HCM: Cơ hội bỏ lỡ quá lâu
  • Kinh tế Việt Nam và các nước Châu Á vững vàng hơn so với dự báo
  • Tăng trưởng và những điều đáng lưu tâm
  • Nhiều công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ: Không chỉ lãng phí ngân sách
  • Bộ Chính trị: Không để sụp đổ Vinashin
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi