Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam(27/2/1955 - 27/2/2010) và sơ kết 2 năm thực hiện điểm Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/2, tại Hà Nội.
Chất lượng khám chữa bệnh có sự thay đổi lớn
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc Tết cán bộ, viên chức toàn ngành đồng thời biểu dương những kết quả ngành Y tế đã đạt được, cùng với kết quả 2 năm thực hiện điểm Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Từ một ngành có cơ sở vật chất nghèo nàn trong những năm đầu giải phóng, đến nay chúng ta đã xây dựng được một hệ thống y tế hoàn chỉnh, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng đánh giá, điều đáng tự hào là trình độ chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế đã có những bước tiến bộ vượt bậc, nhiều thành tựu về công nghệ y học của thế giới đã được ứng dụng và phát triển thành công ở Việt Nam, tạo sự thay đổi lớn trong chất lượng khám, chữa bệnh.
Các chỉ tiêu về sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và cao hơn nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển và mức thu nhập bình quân đầu người như Việt Nam. Ngành Y tế đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, sởi, ho gà, bạch hầu; tỷ suất chết mẹ, chết trẻ em giảm rõ rệt; tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã đạt 72,8 tuổi. Đặc biệt năm 2009, ngành Y tế đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 4/4 chỉ tiêu do Quốc hội giao, 15/15 chỉ tiêu do Chính phủ giao
Tuy nhiên, đất nước ta cũng còn đối mặt với những thách thức to lớn. Đời sống nhân dân tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân có thu nhập khá, đủ khả năng chi trả các dịch vụ y tế nhưng đa số vẫn thuộc diện nghèo nên khi đau ốm vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp, rét đậm kéo dài, lũ quét xảy ra tại ở nhiều địa bàn, không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của người dân nông thôn mà còn gây ra những tác động không tốt cho sức khoẻ nhân dân, nhất là người già, trẻ em, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý trách nhiệm của ngành Y trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Cờ thi đua cho một số đơn vị có thành tích xuất sắc của ngành Y tế. Ảnh: Chinhphu.vn |
Đẩy mạnh xã hội hoá việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân
Nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm Ngành Y tế cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ ngành Y tế phải đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tiền lương và BHYT trong ngành Y tế, đẩy mạnh xã hội hoá công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nhân tài cho Y tế; chú trọng nâng cao đạo đức và phẩm chất của người thầy thuốc là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành Y tế.
Cùng với đó là tăng cường xã hội hoá, đẩy nhanh tiến độ phát triển bệnh viện tư nhân, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong khám chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khoẻ để mọi người dân đều có cơ hội được chăm sóc sức khoẻ như nhau, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách khác.
Ngành Y tế cần riển khai các giải pháp chủ động phòng chống dịch, kiểm soát được các dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, nhất là đối với các dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 và dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm…; đẩy mạnh phát triển sản xuất thuốc trong nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu vắc-xin và thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý ngành Y tế phải thực hiện thật tốt, sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; thực hiện đồng thời cả việc "học" và "làm" theo lời dạy của Bác “Thầy thuốc như mẹ hiền”, phải thể hiện một cách cụ thể, thiết thực trong hoạt động hàng ngày của mỗi cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, trong đó Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo, điều phối và bảo đảm các điều kiện cho các hoạt động y tế và ngành Y tế làm tham mưu để tổ chức thực hiện. Chúng ta cùng phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong cả nước, góp phần nâng cao sức khoẻ toàn dân, phát triển giống nòi và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”.
Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, với 7 tầng, 4 phòng mổ, 30 giường hồi sức. |
*Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đến thăm, cắt băng khánh thành Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E. Thủ tướng cho rằng xây dựng Trung tâm này là việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có trẻ em không may mắc bệnh tim bẩm sinh.
(Theo Văn Hiến – Nhật Bắc // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com