Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Philippe Dauman – Người đưa thông điệp giáo dục vào truyền thông giải trí

Ông Philippe Dauman, Giám đốc điều hành Viacom.

Giữa lúc truyền hình cáp phải cạnh tranh sống còn với các hình thức video giải trí trực tuyến thì Philippe Dauman cùng vợ chồng nhà tỷ phú Bill và Melinda Gates công bố chương trình khuyến học 2 tỉ đô la Mỹ mang tên “Get Schooled: You Have The Right” trên tất cả các các kênh giải trí của tập đoàn truyền thông Viacom. Trong một quãng thời gian khá dài, vai trò thông điệp giáo dục của truyền thông giải trí đã bị xem nhẹ. Điều này đã dẫn đến sự cạnh tranh giữa phim ảnh, cụ thể là phim truyền hình với những đoạn phim trực tuyến hoặc trò chơi điện tử theo hướng câu khách ở yếu tố bạo lực và tình dục nhưng thiếu đi thông điệp giáo dục dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội...

Tại cuộc triển lãm truyền hình cáp được tổ chức vào giữa tháng 6 này ở Chicago (Mỹ), các ông chủ ngành truyền thông giải trí đã đồng ý mở rộng tầm ảnh hưởng của hệ thống truyền hình truyền thống vào mạng Internet mà theo Dauman – người đứng đầu tập đoàn Viacom, thì “đây là thời điểm của một cuộc tiến hóa”.

Thực ra, quan điểm tiến hóa của ngành truyền thông giải trí đã thành hiện thực với việc đưa các buổi biểu diễn sân khấu, các sự kiện ngoài trời và các bộ phim trình chiếu trong rạp vào hệ thống truyền hình cáp đến mọi gia đình.

Đó là cuộc cách mạng thứ nhất và khởi đầu cho việc thành lập các đế chế truyền thông nổi tiếng như Comcast, Time Warner, Cox, News Corp. Riêng Viacom dưới sự điều hành của vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Philippe Dauman có khoảng 170 kênh truyền hình phủ rộng ở hầu hết các nước, trong đó khán giả Việt Nam đã khá quen thuộc với các chương trình của MTV hay các phim của hãng Paramount Pictures. Trong thế giới giải trí, các bộ phim hay phim truyền hình thường được đầu tư nghiêm túc và luôn mang theo thông điệp giáo dục, từ nhân cách, giá trị truyền thống đến những tri thức, tạo thành thế mạnh đặc trưng so với sản phẩm cùng loại của các chương trình trực tuyến. Cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, một lần nữa, làm cho các nhà truyền hình thấy rằng đã đến lúc phải liên kết hệ thống cáp truyền hình vào mạng Internet, biến Internet thành công cụ truyền tải thay vì đối thủ cạnh tranh.

Cuộc đời và sự nghiệp

Philippe P. Dauman được xem là một trong những người đi tiên phong thúc đẩy sự phát triển trong ngành truyền thông giải trí. Thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của người cha Henri Dauman, một nhiếp ảnh gia làm việc cho tờ Life Magazine ở New York – cũng là nơi Philippe được sinh ra vào ngày 3-1-1954, ông theo học tại trường trung học dành cho kiều dân Pháp là Lycée Français de New York, học dự bị đại học tại Yale University và tốt nghiệp ngành luật tại Colombia Law School. Dauman bắt đầu sự nghiệp tại hãng luật Shearman & Sterling. Sau hai năm tập sự tại văn phòng Paris (Pháp) ông trở lại New York làm việc dưới quyền của Stefen Volk và nhờ đó tiếp xúc với ông chủ hãng truyền hình CBS Sumner Redstone. Cả hai trở thành đôi bạn vong niên và rồi cùng gắn chặt sự nghiệp xây dựng và phát triển tập đoàn truyền thông giải trí hàng đầu Viacom cho đến ngày nay.

Sau khi rời Shearman & Sterling, Dauman tiếp tục hoạt động trong ngành luật và tham gia công việc quản trị tại nhiều công ty. Năm 1986, Redstone mời Dauman làm cố vấn và năm sau mời nhận thêm một chân trong ban giám đốc của Viacom cũ. Phải đến sáu năm sau Dauman mới có thể dành hết thời gian cho Viacom, năm 1993 dưới chức vụ Phó chủ tịch kiêm Tổng cố vấn, năm 1994 tham gia hội đồng quản trị, năm 2005 trở thành Giám đốc để chuẩn bị cho việc tái cơ cấu thành lập tập đoàn truyền thông giải trí Viacom. Năm 2006 Dauman được bầu làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) đầu tiên của tập đoàn. Ông đã phải làm việc rất nhiều, nhất là khi kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái kể từ ba năm trước. Kết quả lèo lái tập đoàn vững mạnh vượt qua thời kỳ khó khăn đã mang đến cho Dauman niềm vinh dự trở thành CEO có lương cao nhất nước Mỹ với 84,5 triệu đô la trong năm 2010. Hơn thế nữa, Hội đồng cổ đông do Sumner Redstone chủ tọa tiếp tục bầu chọn ông cho nhiệm kỳ CEO thứ hai cho đến năm 2016.

Tiến hóa để phát triển

Khi các sự kiện giải trí ngoài trời, trong nhà hát và trên các màn hình lớn được chuyển vào hệ thống cáp để đưa đến các màn hình ti vi trong mọi gia đình, người ta thực hiện cuộc cách mạng tiến hóa thứ nhất cho ngành truyền thông giải trí. Nhưng khi Internet trở thành phương tiện chính truyền tải thông tin, phổ thông hơn, đa dụng hơn và rẻ tiền hơn thì các nhà kỹ thuật truyền hình cáp bắt đầu tiến tới việc tích hợp các nội dung cáp qua mạng Internet để chúng không chỉ đến được các màn hình ti vi truyền thống mà cả trên màn hình các loại máy tính và các phương tiện di động như điện thoại Internet.

Với Viacom, cuộc cách mạng thứ nhất đã biến công ty này thành một vương quốc truyền thông giải trí; với các kênh truyền hình cáp và vệ tinh nổi tiếng như Comedy Central, Logo, BET, Spike, TV Land, Nick at Nite, Nickelodeon, Noggin, The N, Nick Jr, Teenick, MTV, VH1, MTV2, Palladia; với các công ty sản xuất và phát hành phim như Viacom International, Paramount Pictures, DreamWorks, Republic Pictures, MTVfilms, Nickelodeon Movies, Go Fish Pictures; với các nhà sản xuất kinh doanh chương trình truyền hình và video game như DreamWorks Television, Xfire, Harmonic, Game Trailers, Neopets; và cả với hình thức truyền thông mới như MTV New Media… Nhưng trong thời kỳ suy thoái, chỉ trong quý 3-2008 người ta chứng kiến Viacom giảm mất 37% lợi nhuận và 20% lượng khán giả. Những ngành công nghiệp có hàm lượng Internet cao hơn có khả năng chịu đựng tốt hơn, và Dauman biết rằng đã đến lúc Viacom phải bắt đầu cuộc cách mạng thứ hai.

Trong cuộc họp mặt tại Chicago ngày 14-6-2011, Philippe Dauman của Viacom cùng các ông chủ các tập đoàn truyền hình cáp US-Comcast, Time Warner, và News Corp. đã quyết định hành động theo đường lối chung là “đưa chương trình truyền hình (TV) lên mọi phương tiện sử dụng Internet mà không làm thay đổi phương thức kinh doanh cũng không bắt người sử dụng phải trả thêm khoản phí nào”. Trên thực tế các tập đoàn đã bắt đầu các chương trình thử nghiệm dưới tên gọi khác nhau, như “ti vi mọi nơi” (TV Everywhere) của Time Warner hay “trực tuyến theo yêu cầu” (On demand Online) của Comcast. Dưới mắt Dauman, các chương trình truyền hình giải trí sắp tới phải duy trì được tầm mức chất lượng cao và tính truyền thông điệp, song song với việc đầu tư kỹ thuật mới để hạ giá thành tăng sức cạnh tranh so với các hình thức giải trí bằng video trực tuyến.

Thông điệp khuyến học: Get Schooled

Tính thông điệp của truyền thông giải trí được tập đoàn Viacom và Quỹ Bill & Melinda Gates nâng lên tầm cao với việc ngày 8-9-2009 phát động chương trình khuyến học mang tên “Get Schooled: You Have The Right” (Bạn có quyền đến trường). Đây là loại chương trình nền tảng ở tầm mức quốc gia nhằm kết nối, khuyến khích và huy động mọi người, từ các nhà hoạch định chính sách đến các nhà lãnh đạo công ty, các cộng đồng và cá nhân các em học sinh, tìm ra giải pháp đối phó với các vấn đề giáo dục ngày nay. Tại Mỹ chương trình này kéo dài trong năm năm với 2 tỉ đô la do vợ chồng nhà tỷ phú Bill và Melinda Gates tài trợ. Chương trình được phát xen kẽ trên các kênh truyền hình được giới trẻ ưa thích như MTV, Comedy Central, Nickelodeon. Dauman cho biết hằng năm có đến 1,2 triệu học sinh ở Mỹ bỏ học và tỷ lệ tốt nghiệp năm 2006 ở mức 73%, nghĩa là thấp hơn 40 năm trước. Có quá nhiều thanh niên vào đời mà không được chuẩn bị đầy đủ học vấn, nghề nghiệp và kỹ năng sống.

Đến đây người ta có thể nhận ra một Philippe Dauman đầy tính trách nhiệm với cộng đồng, nhất là giới trẻ, cũng như với tập đoàn. Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Financial Time (1-7-2010), Dauman mô tả công việc hằng ngày của ông là “chỉ đạo, hướng dẫn, ra lệnh và tạo ra giá trị” với đặc tính “lạc quan, điềm tĩnh trước áp lực và biết xoay xở”. Trong công việc ông thích nhất “được tham gia vào một nhóm sáng tạo”, và tâm sự rằng điều làm ông ân hận nhất là đã phải để cho một số nhân viên ra đi giữa lúc khó khăn trong các năm 2008-2009. Khi tái bổ nhiệm Dauman thêm một nhiệm kỳ CEO từ tháng 11-2011 tới đây, Sumner Redstone đã phát biểu: “Philippe là một nhà lãnh đạo lớn với những khả năng tuyệt vời và sự dẻo dai để mang lại lợi nhuận cho tất cả cổ đông… Quan trọng hơn cả là ông làm sống lại tinh thần sáng tạo nhắm đến mục tiêu đổi mới và tạo ra sự khác biệt”.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • 10 cặp cha con doanh nhân quyền lực trên thế giới
  • Chân dung các Tổng giám đốc IMF trong lịch sử
  • Cuộc sống bình dị của các CEO trẻ ở Mỹ
  • Những tỷ phú Internet trẻ nhất thế giới
  • 10 cặp cha con doanh nhân quyền lực trên thế giới
  • Cậu học sinh lớp 7 phát minh chuông cửa chống trộm
  • Bữa tối với tỷ phú Buffett được bán với giá kỷ lục
  • Helmut Panke – từ xưởng ô tô đến tập đoàn phần mềm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com