Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Helmut Panke – từ xưởng ô tô đến tập đoàn phần mềm

Helmut Panke –– nhà lãnh đạo tài ba của BMW.

Nói đến Microsoft, mọi người thường liên tưởng đến hình ảnh Bill Gates trong vai trò bộ não, còn Steve Ballmer được xem như con người hành động của tập đoàn công nghệ này.

Trong gần ba năm qua, sau khi Bill Gates nghỉ hưu, hãng phần mềm lớn nhất thế giới đã trải qua không ít khó khăn và bộ máy lãnh đạo thời kỳ “hậu Bill Gates” – vốn không có nhiều thay đổi – đã nỗ lực “chèo chống” để giữ vững “con thuyền” Microsoft trong thời kỳ chuyển đổi quan trọng này, trong đó, không thể không kể đến sự góp sức của Helmut Panke, cựu chủ tịch hãng ô tô BMW.

Nhiều tờ báo khi nói về Helmut Panke đã nhận xét rằng trong công việc, ông luôn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa cảm xúc và các nguyên tắc mang tính chiến lược. Trong hơn 20 năm làm việc tại BMW, ông đã góp phần đưa hãng xe hơi không mấy tên tuổi của vùng Bavaria ở Đức thành một trong những nhãn hiệu xe ô tô sang trọng hàng đầu thế giới, và vào năm 2004, khi Helmut Panke chấp nhận lời mời trở thành Giám đốc duy nhất bên ngoài nước Mỹ của tập đoàn Microsoft, Bill Gates đã giới thiệu về ông một cách trân trọng: “Những kinh nghiệm của Panke khi là Chủ tịch điều hành của một tập đoàn công nghệ thành công nhất châu Âu sẽ đem lại những giá trị vô giá cho Microsoft”.

Đam mê vật lý học

Có thể nói, một trong những nét ấn tượng nơi vị chủ tịch quyền lực và đầy nguyên tắc này lại là thói quen thưởng ngoạn âm nhạc, từ RFM, U2 đến Haydn, Bach, và phong cách hào hoa, dễ gần, dễ mến, dễ bắt chuyện của ông. Đó cũng là nguyên tắc sống và làm việc của Helmut Panke khi ông bộc bạch: “BMW cần phối hợp các yếu tố kỹ thuật và cảm xúc mới mong đạt được những thành quả cao nhất”. Đến tận sau năm 2006, khi Panke chính thức rời chiếc ghế Chủ tịch của BMW (Bavarian Motor Works) như luật định thì các giám đốc dưới quyền ông vẫn nhắc đến phương châm: “Điều 7 quy định rằng mỗi một nhà quản lý của tập đoàn phải tạo bầu không khí vui nhộn bên trong tổ chức”. Trên thực tế, tính nguyên tắc và cảm xúc chân thành đã trở thành một và theo ông trong suốt chặng đường sự nghiệp.

Vốn là con người kín đáo, giàu cảm xúc và rất khiêm tốn, trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn với Larry Larsen của Microsoft, Panke tiết lộ tại sao ông chọn chuyên ngành vật lý tại Đại học Munich. Trong niên khóa 1964-1965, cậu học sinh Helmut được chọn tham gia chương trình trao đổi học sinh với Mỹ và ở đó ông nhận ra giá trị tuyệt vời của những bài tập trong phòng thí nghiệm. Năm sau khi trở về nhà và phải chọn chương trình đại học thì Helmut bị giằng xé giữa một bên là môn vật lý mà mình đam mê và bên kia là một ngành học thuộc lĩnh vực kinh doanh. Cuối cùng Helmut đã chọn ngành vật lý mà theo cách nói hài hước vốn có của ông là khi đó ông đã “nghe theo tiếng gọi của dạ dày”.

Helmut Panke chào đời năm 1946 tại Starkow miền đông nước Đức và rồi theo học Đại học Munich tại quê nhà để lấy bằng cử nhân vào năm 1968, cao học vào năm 1972 và học vị tiến sĩ vào năm 1976. Ít ai ngờ rằng chỉ vài năm sau đó tên tuổi ông đã vượt khỏi châu Âu và ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công ngay trên đất Mỹ. Với bằng tiến sĩ vật lý hạt nhân, năm 1976 Panke nhận một chân trong Viện nghiên cứu nguyên tử ở Thụy Sĩ đồng thời tham gia giảng dạy tại Đại học Munich. Nhưng đến cuối năm 1978 ông bắt đầu giai đoạn 2 của sự nghiệp bằng việc nhận một chân đào tạo khách hàng cho công ty tư vấn nổi tiếng lúc bấy giờ là MacKinsey & Company. Trong số khách hàng đó có cả BMW – vốn được xem là mối nhân duyên của Panke với cái tên lúc bấy giờ là Bavarian Motor Works và mới chỉ là một xưởng sản xuất ô tô trong khu vực.

Nhà điều hành lỗi lạc của BMW 

Helmut Panke đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng BMW thành nhà sản xuất ô tô cao cấp hàng đầu thế giới.

Năm 1982, Panke bắt đầu giai đoạn 3 của sự nghiệp khi nhận lời làm việc tại BMW. Trong các năm 1982-1985 ông phụ trách công việc giám sát bộ phận nghiên cứu và phát triển, từ năm 1985 chuyển qua phụ trách bộ phận kế hoạch, rồi sau đó là ban điều hành vào năm 1988. Từ năm 1990, Panke luôn dẫn đầu bộ phận chiến lược và điều phối trước khi sang Mỹ nhận chức Giám đốc khu vực Bắc Mỹ năm 1993. Năm 1996 Panke được bầu vào Ban giám đốc tập đoàn và phụ trách vấn đề tài chính cùng nhân sự cho đến 2002.

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân đã lôi kéo mình đến với BMW, mãi sau này ông mới kể, đó là sự nổi tiếng sẵn có của BMW trong việc khuyến khích sự sáng tạo và tính độc lập của các nhân viên. Ông tâm sự rằng “căn bản khoa học cho tôi kỹ năng phân tích rất tốt trong khi tôi là người giàu cảm xúc. Và theo quan điểm của tôi, BMW cần phối hợp các yếu tố kỹ thuật và cảm xúc thì mới mong đạt đến thành quả cao nhất”.

Trên thực tế Bắc Mỹ là nơi Panke phát triển hết các kỹ năng của mình và tích lũy kinh nghiệm để đến năm 2002 khi vị tiền nhiệm Joachim Milberg từ chức vì lý do sức khỏe thì ông được bầu ngay vào chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BMW. Những lợi thế trong việc hiểu biết về vùng Bắc Mỹ đã giúp ông thêm quyết tâm chinh phục thị trường xe hơi lớn nhất thế giới này. Những thay đổi đột ngột trên thị trường Mỹ cũng không làm ông nao núng, và những khó khăn sau cuộc chiến tranh Iraq cũng đã được ông lường trước. Các dòng xe hơi của BMW, kể cả ba nhãn hiệu chính là BMW, Mini và Rolls Royce, đều mang tính mạnh mẽ, thể thao và trẻ trung đã gây ấn tượng đối với người tiêu dùng trung lưu ở Mỹ. Thêm vào đó, những biến động về tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và đồng euro không hề làm giảm sự thành công của hãng vì Panke đã ký hợp đồng bảo hiểm tỷ giá nhằm giữ lợi nhuận chắc chắn cho hãng.

Panke luôn hướng tới cấu trúc thiết kế mềm dẻo trong việc sản xuất các dòng xe hơi và cả việc trang trí nội thất theo ý của từng khách hàng mà ông thường gọi họ là những nhà đầu tư. Ông hiểu rằng sức mạnh của BMW là nhắm đến sự sang trọng và các tiện nghi tốt nhất chứ không phải các thị trường giá rẻ. Đó là lý do ông bán thương hiệu Rover của BMW ở Anh cho Ford. Kết quả là BMW luôn có con số lãi ròng cao nhất trong các tập đoàn thuộc ngành công nghiệp sản xuất xe hơi và đánh bật các nhãn hiệu khác để thống lĩnh thị trường xe hơi hạng sang. Sau thời gian bán thử nghiệm tại Trung Quốc Panke nhận ra người châu Á không sợ đắt tiền và thích chọn những đời xe mới nhất, tháng 5-2004, ông nhanh chóng cho thiết lập nhà máy sản xuất Shenyang tại Trung Quốc và một nhà máy khác tại Ấn Độ. Hiện nay BMW có nhà máy ở 12 quốc gia và cửa hàng bán xe chính thức ở 37 nước.

Dọn đường về Microsoft 

Và một Helmut Panke đang góp sức cho Microsoft.

Bên cạnh sự thành công là phong cách quản trị độc đáo. Panke được biết tới như một nhà lãnh đạo thoải mái và luôn tận tình giúp đỡ các nhà quản lý dưới quyền. Tính nhiệt thành của ông đối với dòng xe hơi của BMW tạo nên sự lôi cuốn mạnh mẽ các tài năng trẻ, làm cho họ nhớ đến văn hóa truyền thống của hãng là luôn duy trì tính sáng tạo và phát huy sự tự do trong các quyết định của mình. Ngày nay nhân viên trong cả tập đoàn một khi nói về vị cựu chủ tịch của họ lại thường nhắc đến câu nói của ông: “Mercedes là nhà cạnh tranh hoàn hảo… nhưng nếu nơi nào đó chưa có sự hiện diện của Mercedes thì chúng ta sẽ vẫn phải tưởng tượng rằng đối thủ đang hiện diện”. Và có lẽ, tính nhiệt thành cùng niềm trân trọng sự sáng tạo đã được ông mang theo đến Microsoft.

Theo truyền thống trong ngành công nghiệp ở Đức, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ về hưu vào năm 60 tuổi để dọn đường cho các tài năng trẻ. Năm 2006 Panke đã thực hiện điều đó sau khi để lại sự quý mến của các cộng sự và nhân viên cùng với khoản lợi nhuận khổng lồ của năm là 4 tỉ euro. Được biết đến như một nhà chiến lược tài ba, Panke đã dọn đường cho vị Chủ tịch và Giám đốc điều hành kế nhiệm là tiến sĩ Norbert Reithofer đi nốt con đường “bành trướng và tăng trưởng” cho đến tận năm 2008. Trên thực tế, vào năm ngoái, BMW vẫn chiếm ngôi vương trong làng xe hơi hạng sang với 1,46 triệu chiếc bán ra, trong khi đó Audi qua mặt Mercedes để chiếm vị trí thứ hai.

Thực ra Panke cũng đã chuẩn bị cho mình một vị trí mới, công việc mới cùng những thách thức mới kể từ năm 2004 khi đồng ý tham gia vào ban điều hành tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Microsoft. Bản thân nhà sáng lập Bill Gates đã xác nhận Panke là vốn quý của tập đoàn bởi tài năng, kinh nghiệm cùng sự hiểu biết sâu sắc của ông về nền văn hóa châu Âu. Nghiễm nhiên Helmut Panke trở thành thành viên lãnh đạo bên ngoài nước Mỹ duy nhất của Microsoft sau khi nhận Giải thưởng giá trị khách hàng lớn nhất 2003 do báo The Wall Street Journal trao tặng. Ông cũng được phong làm Nhà quảng cáo của năm 2004 tại Cannes Lions Festival. Năm 2006, sau khi nhẹ gánh trách nhiệm với BMW, người đàn ông mái tóc bạch kim tự nhận mình có cá tính là luôn say đắm và quyết định chính xác đã bước tiếp giai đoạn 4 của sự nghiệp với việc có mặt trong ban lãnh đạo của Tập đoàn Microsoft.

______________________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Chân dung Helmut Panke:

http://www.europeanceo.com/profiles/helmut-panke

- Tiểu sử Helmut Panke:

http://www.referenceforbusiness.com/biography/M-R/Panke-Helmut-1946.html

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Các "doanh nhân nhí" kiếm tiền bằng cách nào?
  • Kinh doanh từ năm 6 tuổi, kiếm 1 tỷ USD/năm
  • "Tình cờ" thành nữ DN giàu bậc nhất Ấn Độ
  • Từ con gái người thợ mỏ tới tỷ phú nước Úc
  • Sandy Climan – người của công nghệ 3D
  • Ông trùm cà phê Ấn Độ
  • Pierre Cardin rao bán tập đoàn với giá 1 tỉ euro
  • Steve Jobs – Người thách thức trào lưu công nghệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com