Trong bài trước, chúng tôi đã trình bày lịch sử phát triển của các phương cách truyền đạt thông tin trong thời kỳ đầu. Chúng tôi đã mô tả thiết bị đầu tiên có khả năng chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác. Và chúng tôi cũng đã đề cập đến những buổi phát thanh và truyền hình sơ khởi và sự khởi đầu của hoạt động viễn thông qua vệ tinh.
Trong những năm đầu của thập niên 1970, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện một dự án mới. Trước hết Bộ kết hợp các trường đại học lớn có bộ phận nghiên cứu tiên tiến trên toàn nước Mỹ với nhau.
Các giáo sư tại nhiều trường đại học Mỹ làm công tác nghiên cứu cho chính phủ Hoa Kỳ. Bộ Quốc phòng muốn nối liền các trường đại học này để tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo sư hợp tác với nhau trong hoạt động nghiên cứu. Để thực hiện mục tiêu này, các quan chức Bộ Quốc phòng quyết định nối liền các trường đại học liên hệ với nhau bằng máy điện toán.
Các quan chức vừa kể tin rằng máy điện toán sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các nhà nghiên cứu gửi những số lượng thông tin lớn từ trung tâm nghiên cứu này đến trung tâm nghiên cứu khác. Họ tin rằng họ có thể dùng máy điện thoại nối liền các máy điện toán tại các trường đại học này với nhau. Thực tế đã chứng minh là họ đúng. Việc gửi thông tin từ trường đại học này đến trường đại học khác trở nên dễ dàng hơn. Các nhà nghiên cứu của các trường đại học làm việc với nhau trong cùng một dự án có thể chia sẻ với nhau những số lượng thông tin lớn một cách nhanh chóng. Họ không còn cần phải chờ đợi nhiều ngày để bưu điện chuyển tới cho họ một bản sao của những báo cáo khoa học.
Đây là cách hệ thống này hoạt động: Trước hết, máy điện toán được nối vào một máy điện thoại bằng một thiết bị gọi là môđem. Môđem này biến đổi những thông tin của máy điện toán thành những văn bản điện tử dưới dạng âm thanh. Những điện văn này chạy qua thiết bị điện thoại đến môđem ở đầu đường dây điện thoại bên kia. Môđem nhận diện văn này biến đổi các điện văn dưới dạng âm thanh trở về dạng thông tin mà máy điện toán có thể sử dụng được.
Thiết bị liên lạc điện tử hiện đại đầu tiên của thế giới, máy điện báo, chỉ gửi đi được mỗi lần một con chữ mà thôi. Nhưng máy điện toán có thể gửi hàng ngàn từ trong vòng vài giây.
Sự nối kết giữa các trường đại học nhanh chóng được mở rộng và bao gồm hầu hết các trung tâm nghiên cứu và các trường cao đẳng ở Hoa Kỳ. Những đường dây nối kết này trở thành những mạng lưới đại quy mô. Khi hai hoặc nhiều máy điện toán hơn được nối với nhau, chúng tạo thành một mạng lưới nhỏ. Chúng có thể được nối liền với nhau bằng một dây kim loại từ một máy điện toán này tới một máy điện toán khác, hay bằng một máy điện thoại. Một mạng lưới có thể được mở rộng ra trên bất cứ quy mô nào.
Thí dụ, chúng ta hãy bắt đầu với 2 máy điện toán đặt trong cùng một phòng tại một trường đại học, được nối liền với nhau bằng một dây kim loại. Tại một nơi khác trong trường đại học này, hai máy điện toán khác cũng được nối với nhau theo cùng một phương cách. Kế đó, cả bốn máy điện toán được nối với nhau bằng các môđem và một đường dây điện thoại được dành riêng cho các máy điện toán này sử dụng. Như thế là ta đã có một mạng cục bộ nhỏ gồm bốn máy điện toán.
Bây giờ, ví dụ mạng cục bộ này được nối bằng môđem của nó qua các đường dây điện thoại với một trường đại học khác cũng có bốn máy điện toán. Như thế chúng ta đã có một mạng gồm tám máy điện toán. Trường đại học kia có thể ở bất cứ nơi đâu, ngay cả ở cách xa hàng ngàn kilomét đi nữa. Giờ đây các máy điện toán này có thể gửi bất cứ loại thông tin nào mà một máy điện toán có thể nhận được, ví dụ như điện văn, báo cáo, hình ảnh, tranh vẽ, âm thanh. Những thông tin này được trao đổi một cách tức tốc.
Từ khi chúng được bắt đầu xây dựng, hệ thống các mạng lưới này đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Hiện nay, tên gọi chính thức của nó là Internet. Năm 1981, hệ thống liên lạc này nối kết 213 máy điện toán. Nhưng chỉ 9 năm sau đó, số máy điện toán được nối kết đã lên tới hơn 350,000. Ngày nay, theo các chuyên gia, trên 1 tỷ người trên thế giới được nối kết với mạng Internet bằng máy điện toán. Và các chuyên gia này nói rằng con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
Hầu như tất cả các trường đại học lớn trên thế giới là thành viên của mạng Internet. Các trường đại học và cao đẳng nhỏ hơn và nhiều cơ sở giáo dục công lập hay tư nhân cũng vậy. Các tạp chí, nhật báo, thư viện, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, và hộ gia đình cũng tham gia vào mạng luới này.
Các chuyên gia về điện toán bắt đầu mở rộng hệ thống Internet trong những năm cuối của thập kỷ 1980. Hệ thống được mở rộng này gọi là World Wide Web, có nghĩa là mạng lưới toàn thế giới, được viết tắt ở đầu các địa chỉ trang web là www. Sự mở rộng này cho phép những người sử dụng máy điện toán dễ dàng tìm kiếm thông tin bằng cách dùng những phần mềm gọi là bộ trình duyệt.
Mạng www hoạt động nhanh đến mức nào trong hệ thống Internet? Sau đây là một ví dụ. Anh Nam dùng máy điện toán ở Cần Thơ. Anh muốn tìm kiếm thông tin về các trường đại học ở bang California của Hoa Kỳ. Anh Nam đánh hai từ 'California' và 'university', tiếng Anh có nghĩa là đại học, vào một công cụ tìm kiếm, như Google chẳng hạn.
Chỉ trong vài giây, máy điện toán cung cấp cho anh một danh sách các hệ thống đại học ở bang California. Trong danh sách này Anh Nam chọn xem những thông tin do một tổ chức nghiên cứu ở miền bắc California. Máy điện toán của tổ chức này ở San Francisco cung cấp cho anh thông tin về các trường đại học và cao đẳng trong khu vực lân cận, cho anh biết địa chỉ, lịch sử, và quy mô của các truờng này cùng những thông tin hữu ích khác.
Ngồi ở Cần Thơ, anh Nam xem các thông tin vừa kể trên máy điện toán của anh. Kế đó, anh in ra giấy một bản sao các thông tin đó. Chỉ trong vài giây, anh có một danh sách các cơ sở đại học ở San Francisco và vùng phụ cận, kèm với cả hình ảnh. Tất cả thời gian anh Nam phải bỏ ra để hoàn tất việc tìm kiếm thông tin này là chưa tới 5 phút.
Ai phải trả tiền cho hệ thống Internet? Đây là một vấn đề không dễ giải thích. Thật sự là mỗi mạng lưới, bất kể là lớn hay nhỏ, phải tự đài thọ lấy các phí tổn. Các mạng luới quyết định số tiền mà các thành viên của mạng phải trả để đài thọ cho những phí tổn của thời gian nối kết dịch vụ địa phương. Kế đó, tất cả các mạng luới lớn quyết định mỗi thành viên phải trả bao nhiêu để tham gia vào một mạng lưới lớn hơn bao gồm một khu vực lớn của nuớc liên hệ. Đến phiên mình, mạng khu vực này trả tiền cho mạng quốc gia để nhận được dịch vụ cần thiết.
Mỗi người có máy điện toán ở nhà phải trả tiền cho một công ty để được nối với mạng Internet. Các công ty này được gọi là công ty cung cấp dịch vụ Internet.
Công ty cung cấp dịch vụ Internet thường tính khoảng 20 đôla một tháng cho dịch vụ nối kết Internet theo tốc độ chậm. Một người sử dụng máy điện toán được nối kết bằng vô tuyến theo tốc độ cao thường phải trả ít nhất là 40 đôla một tháng. Dịch vụ nối kết vô tuyến thông thường nối máy điện toán với Internet bằng một thiết bị công nghệ đặc biệt gọi là router.
Trước đây Hoa Kỳ vẫn là nước có nhiều người dùng mạng Internet nhất thế giới. Nhưng hồi tháng Tư năm nay, báo Mỹ USA Today loan tin rằng hiện nay Trung Quốc là nước có nhiều nguời sử dụng Internet nhất. Theo ước tính của một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc thì tính tới tháng 2 năm nay, có trên 220 triệu người Trung Quốc dùng Internet. Con số này tương đương với khoảng 17% dân số nước đó.
Báo USA Today cũng cho biết là, tính tới cuối năm ngoái, có 216 triệu người Mỹ dùng Internet, tức là 71% dân số Hoa Kỳ. Trang web có tên là Thống kê Internet Thế giới ghi nhận có nhiều nước khác có số người sử dụng Internet lên tới trên 60 phần trăm dân số của họ. Trong số những nước này có Nhật Bản, Đức, Anh, Australia và Nam Triều Tiên.
Các công trình nghiên cứu đã cho thấy phần lớn người ta dùng Internet để liên lạc và tìm kiếm thông tin. Trong đa số trường hợp, việc tìm kiếm thông tin đó dẫn tới việc mua các sản phẩm trên Internet. Hiện nay có nhiều người hơn bao giờ hết dùng máy điện toán cho mục đích thương mại điện tử, nghĩa là để mua bán sản phẩm bằng phương tiện điện tử.
Chính phủ một số nước cũng như một số tổ chức tư nhân và cá nhân đã phê phán mạng lưới Internet. Chính phủ một số nước không tin cậy Internet vì họ cho rằng khó có thể kiểm soát được những thông tin được đưa lên mạng. Nhiều quan chức chính phủ cáo buộc các nhóm cực đoan đã dùng Internet để phát tán những thông tin độc hại. Họ cho rằng những thông tin chính trị nguy hiểm nên bị cấm. Những nhóm khác thì lo ngại rằng khó bảo vệ được trẻ em tránh khỏi những thông tin và hình ảnh có tính cách khiêm dâm được đưa lên mạng. Họ cũng kêu gọi nên cấm các loại thông tin này.
Những người chỉ trích khác nói rằng càng ngày càng khó nhận ra loại thông tin nào trên Internet đáng được tin cậy, khó phân biệt được thông tin nào đúng, thông tin nào sai. Cũng có những người chỉ trích nêu lên sự kiện là Internet không còn là một diễn đàn để tự do trao đổi thông tin và ý kiến nữa. Họ nói rằng Internet đã biến thành một cửa hàng lớn để bán sản phẩm, dịch vụ và thông tin, Và họ muốn Internet chỉ được sử dụng vào mục đích nghiên cứu và giáo dục mà thôi.
( Theo VOA )
Bài thuộc chuyên đề: Thời đại thông tin
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com