Như trang Tài nguyên - Môi trường số ra tuần trước đã đưa tin, hơn 1 triệu người dân TPHCM đang phải mua nước sạch với giá cao. Thực tế này đã làm nảy sinh không ít câu hỏi về hoạt động của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), đơn vị duy nhất có mạng cung cấp nước sạch cho người dân thành phố.
Bán nước sạch dưới giá thành
Hiện nay có tới 6 mức giá bán nước sạch tại TPHCM. Trong đó, giá bán nước sạch dùng cho sinh hoạt có 3 mức: trong định mức sử dụng 4m³/người/tháng là 2.700 đồng/m³, dùng ngoài định mức này, người dân phải trả từ 5.000 – 8.000 đồng/m³ tùy mức vượt. Ba mức giá còn lại: giá bán nước sạch dùng trong sản xuất là 4.500 đồng/m³; giá nước sạch dùng trong kinh doanh dịch vụ là 8.000 đồng/m³ và cuối cùng giá nước sạch dùng cho hoạt động hành chính sự nghiệp là 6.000 đồng/m³.
So với giá thành sản xuất mới nhất vừa được Sawaco tính toán, chỉ bán với mức giá 8.000 đồng/m³ là Sawaco cân đối được thu chi. Nhưng lượng nước sạch bán được với giá 8.000 đồng/m³ hiện chỉ chiếm hơn 15% tổng lượng nước mà Sawaco cung cấp cho người dân thành phố.
|
Người dân huyện Nhà Bè mua nước về sử dụng. Ảnh: Đức Trí |
Theo ông Lý Chung Dân, hiện Nhà máy nước sông Sài Gòn thuộc Sawaco với công suất sản xuất nước 300.000m³/ngày hoàn toàn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố. Do vậy, Sawaco phải mua thêm nước của nhiều nhà máy khác như: Nhà máy nước BOT Bình An khoảng 100.000m³/ngày, Nhà máy Nước ngầm Sài Gòn khoảng 60.000m³/ngày, Nhà máy nước Hằng Hải khoảng 15.000m³/ngày, Nhà máy nước Hiệp Ân khoảng 800m³/ngày với giá 2.300 – 3.000 đồng/m³.
Ngoài việc phải mua nước sạch với giá cao hơn cả mức giá bán Sawaco còn phải chấp nhận tình huống nước bị thất thoát trong quá trình chuyển tải qua mạng không được tính đến. Nhà máy nước có giá bán khoảng 3.000 đồng/m³ cho Sawaco là BOT Bình An (giá chính xác là 20 cent). Đây là mức giá đã được áp dụng từ 11 năm nay.
Sawaco hiện gần như phải gánh hoàn toàn việc đầu tư, phát triển mạng cấp nước. Đây là một việc làm mà hầu như không có một nhà đầu tư tư nhân nào muốn thực hiện bởi chi phí xây dựng cao, đặc biệt lại còn phải giải bài toán khó khăn nhất: giải phóng mặt bằng. Thực ra, cách đây nhiều năm, cũng có một nhà đầu tư tư nhân đặt vấn đề phát triển mạng cấp nước. Nhưng điều kiện họ đưa ra, thành phố không đáp ứng được nên dự án không thành.
Không thể lơ là nhiệm vụ cung cấp nước sạch
Như đã nói ở trên, Sawaco là đơn vị duy nhất có mạng cung cấp nước sạch cho toàn thành phố. Cân đối điều này thật không dễ, nhất là khi các chi nhánh cấp nước trực thuộc Sawaco trước kia đều đã được cổ phần hóa.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ phụ trách việc cung cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè kể rằng, cứ mỗi lần đại hội cổ đông, ban giám đốc công ty lại phải động viên cổ đông… chờ đợi đến khi công việc kinh doanh tốt hơn. Trước áp lực của cổ đông, nhiều công ty cổ phần cấp nước đã phải trả lợi tức khoảng 6%/năm cho cổ đông, trong khi đó trong cơ cấu giá nước chỉ cho phép trả lãi (cho cổ đông) 3%/năm. “Với tư cách là “công ty mẹ” hiện Sawaco phải gánh phần lớn gánh nặng thu không đủ bù chi cho các công ty cổ phần con”, ông Lý Chung Dân nói.
Thực trạng kinh doanh nêu trên đã và đang ảnh hưởng không tốt trách nhiệm cung cấp nước sạch cho người dân của không ít công ty cổ phần cấp nước. Đặc biệt, nhiều công ty cổ phần đã không tích cực trong công tác phát triển mạng cung cấp nước đến những vùng sâu, vùng xa. Hiện nay Sawaco đang phải kéo dài hết mức thời gian khấu hao các thiết bị để tồn tại và dùng một phần quỹ cổ phần hóa để hoạt động. Đây là điều không bền vững. Nhiều cán bộ của Sawaco thừa nhận điều ấy, song họ không có con đường nào khác.
Dự án chống thất thoát nước của Ngân hàng Thế giới (WB) đang được triển khai ở 7 quận: 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú. Dự án của Chính phủ Hà Lan thì đang được triển khai ở khoảng 2.000 hộ dân Bình Thạnh… Bước đầu, các dự án này đã thu được những kết quả tốt như dự án ở Bình Thạnh đã làm kéo giảm lượng nước thất thoát từ 61% xuống còn gần 20%... Tuy nhiên, vẫn còn hơn 10 quận, huyện nữa chưa được triển khai chống thất thoát nước một cách bài bản. Sawaco đang thực sự lúng túng giữa bài toán kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình.
Chia sẻ gánh nặng giá nước |
Đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa đã đề xuất phương án này khi nói đến thực trạng còn hơn 1 triệu người dân thành phố phải mua nước sạch với giá cao. Theo ông Khoa, vấn đề là hơn 1 triệu người dân này lại đang sống tập trung ở những quận, huyện ven thành phố, cơ bản họ có thu nhập bình quân thấp hơn người dân trong nội thành. Cũng theo ông Khoa, nhìn ở mọi góc độ kinh tế hay xã hội, kéo dài tình trạng này là không ổn. Do vậy, TPHCM phải có ngay giải pháp xử lý bất cập này. Tăng giá nước để Sawaco có điều kiện tăng thu, tái đầu tư phát triển mạng cấp nước cũng là một cách chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập của người dân TPHCM hiện nay đã tăng gấp đôi so với năm 2002. Tuy nhiên, mức tăng này như thế nào và lộ trình ra sao phải được tính công khai, minh bạch, riêng việc Sawaco đề nghị đưa chi phí thất thoát nước vào giá nước bán ra cần được cân nhắc kỹ. Ông Đặng Văn Khoa cho rằng, đề xuất của Sawaco chỉ tính tỷ lệ thất thoát nước là 29% trong mức bán giá mới là hợp lý. Đây là động thái khá thiện chí của Sawaco. Nhưng về lâu dài Sawaco cũng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chống thất thoát nước, bởi hiện nay Sawaco vẫn mất hàng tỷ đồng/ngày vì nước thất thoát. Nếu giữ hoặc làm cho số tiền bị mất ít đi thì Sawaco sẽ có điều kiện tốt hơn để cải tạo mạng cấp nước, đưa nước đến được với mọi người dân. A. N. |
(Theo NGUYỄN KHOA // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com