Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xu hướng quản trị, kinh doanh và tiêu dùng thời hậu khủng hoảng

4 xu hướng M&A 2010
(theo doanhnhansaigon)

Nhà đầu tư ngoại tiếp tục thận trọng, trong khi doanh nghiệp Việt sẽ thừa thắng xông lên trong các thương vụ mua cổ phần ở nước ngoài. Đó là 2 trong số 4 xu hướng chính trong hoạt động M&A năm 2010. Hai xu hướng còn lại là gì?

Sau gần 3 tháng đầu năm, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) vẫn chưa có nhiều động tĩnh, chỉ có một số ít thương vụ được công bố. Tuy nhiên, thị trường M&A vẫn âm thầm chuyển động khi nhiều thương vụ đang còn trong giai đoạn thương thảo, đàm phán.

Có nhiều quan điểm khác nhau về tình hình M&A tại Việt Nam trong năm 2010. Chưa thể đánh giá được quan điểm nào đúng hoặc sai, song từ những kết quả của năm 2009, có thể nhận thấy M&A trong năm nay sẽ phát triển theo 4 xu hướng dưới đây.

Khối ngoại thận trọng

 xu hướng M&A 2010
 Thị trường M&A vẫn âm thầm chuyển động khi nhiều thương vụ đang còn trong giai đoạn thương thảo, đàm phán.
Năm 2009, các nhà đầu tư nước ngoài ít hào hứng trong việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hơn so với trước đó, đặc biệt trong 3 lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán và đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết (private equity). Điều này là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các tổ chức tài chính lớn e ngại, không muốn tăng đầu tư.

Năm 2009, trong lĩnh vực ngân hàng, hình thức M&A vẫn chỉ là tăng tỉ lệ sở hữu của ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam. Có 2 thương vụ đáng chú ý là BNP Paribas (Pháp) nâng tỉ lệ cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) từ 10% lên 15% và MayBank (Malaysia) tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng An Bình từ 15% lên 20%.

Lĩnh vực chứng khoán lại càng đìu hiu hơn. Trong giai đoạn thị trường khó khăn, nhiều công ty chứng khoán đã xin rút bớt nghiệp vụ kinh doanh. Không ít trong số đó muốn bán cổ phần hay kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư nhằm giải quyết bài toán tăng vốn, cũng như tăng cường năng lực. Tuy nhiên, điều này không dễ, đặc biệt đối với những công ty mới ra đời và nhỏ. Trong năm qua, chỉ có một vụ M&A trong lĩnh vực chứng khoán được ghi nhận. Đó là Công ty Woori Investment & Securities (Hàn Quốc) tăng tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty Chứng khoán Biển Việt (CBV) từ 12,7% lên 49%, sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV.

Mảng đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết cũng khá ảm đạm. So với vài năm trước đó, năm 2009 chứng kiến sự giảm sút mạnh các khoản đầu tư và xuất hiện các cuộc thoái đầu tư. Mekong Capital đã thoái đầu tư Tân Đại Hưng, Đức Thành… và quỹ ICV do Indochina Capital quản lý thoái đầu tư tất cả các danh mục của quỹ này.

So với năm 2009, hoạt động M&A năm 2010 được nhiều chuyên gia dự báo có thể khả quan hơn ở mảng tài chính ngân hàng, nhưng vẫn tiếp tục yếu đối với nhóm công ty chứng khoán và vốn chủ sở hữu tư nhân.

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho rằng, M&A ngành ngân hàng năm nay sẽ có phần khởi sắc, vì theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2010, các ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Vì thế, các tổ chức tín dụng sẽ chịu sức ép bán cổ phần để tăng vốn và M&A là một giải pháp cho họ. Tuy nhiên, theo ông Bình, việc tìm đối tác ngoại vẫn rất khó đối với các ngân hàng Việt Nam.

Còn trong mảng đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết, theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital và ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital, các nhà quản lý quỹ hoạt động tại Việt Nam vẫn rất thận trọng. Họ cho rằng, trong tình hình kinh tế hiện nay, việc huy động thêm vốn cho các quỹ mới không dễ, nên các khoản đầu tư này sẽ được cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng.

Mảng chứng khoán cũng được dự báo sẽ không có đột phá. Vì phần lớn công ty chứng khoán của Việt Nam chỉ mới được thành lập trong những năm 2006-2007, còn khá non trẻ, nên không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mua lại.

Khối nội “tấn công”

Xu hướng M&A 2010Theo thống kê của Avalue, một tổ chức chuyên về thẩm định giá và tư vấn M&A tại Việt Nam, các giao dịch trong đó doanh nghiệp Việt Nam mua doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40% tổng số giao dịch năm 2009; doanh nghiệp Việt Nam mua doanh nghiệp nước ngoài chiếm 4,62%.

Như vậy, trong lúc khối ngoại ngần ngại thì ở khối doanh nghiệp nội, năm qua đã ghi nhận những thương vụ công ty Việt Nam mua lại công ty nước ngoài đầu tiên. Tháng 7/2009, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển IDCC (100% vốn Việt Nam do BIDV và Công ty Phương Nam góp) đã ký hợp đồng mua lại Ngân hàng Đầu tư Thịnh Vượng PIB, một ngân hàng tư nhân của Campuchia và đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC).

Dù không thể dự báo chính xác số lượng các thương vụ M&A trong đó doanh nghiệp trong nước đóng vai trò người mua, nhưng năm 2010 xu hướng này hứa hẹn sẽ tiếp tục “nóng”.

Ở nhóm doanh nghiệp nội mua doanh nghiệp nước ngoài, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) được dự báo sẽ là ngôi sao trong năm nay. Viettel đang đàm phán mua lại 60% cổ phần (tương đương 300 triệu USD) của mạng di động Teletalk ở Bangladesh. Bên cạnh đó, Viettel cũng đang thương lượng mua lại 70% cổ phần (tương đương 59 triệu USD) của Công ty Viễn thông Teleco của Haiti (dự kiến hoàn tất vào tháng 4.2010). Có thể thấy chiến lược của Viettel là nhanh chóng nắm bắt cơ hội mua lại các công ty viễn thông nước ngoài với giá rẻ, trong lúc các công ty này gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

Manh nha sáp nhập qua sàn

Trong năm 2009 chỉ có 2 cuộc sáp nhập lớn trên sàn chứng khoán là Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 và 2; Công ty Cổ phần Mirae (KMR) và Công ty Cổ phần Mirae Fiber (KMF).

Giá trị của thương vụ sáp nhập Xi măng Hà Tiên 1 và 2 ước tính là 133 triệu USD. Theo đó, Hà Tiên 2 sẽ chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và các lợi ích hợp pháp của mình cho pháp nhân được thành lập sau khi sáp nhập là Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên.

Còn KMR và KMF là hai doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, cùng sản xuất gia công, kinh doanh sản phẩm gòn, nguyên phụ liệu dệt may. Thị trường chính của KMR là TP.HCM và các tỉnh phía Nam, trong khi KMF niêm yết trên sàn Hà Nội và hoạt động chủ yếu ở miền Bắc, quy mô nhỏ hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn KMR. Sau khi sáp nhập, kế hoạch là KMR sẽ tăng đầu tư ở Đà Nẵng, Hưng Yên để mở rộng thị trường và thị phần, cũng như lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc trong năm 2010.

Sang đến quý đầu năm 2010, thị trường chứng khoán cũng đã ghi nhận 2 cuộc chào mua công khai qua sàn với tỉ lệ mua khá lớn.

Thương vụ thứ nhất là việc Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) chính thức chào mua công khai 3,75 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), tương đương 51,08% cổ phần.

Thương vụ thứ hai là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) dự kiến chào mua 2,1 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) (tương đương 26% vốn điều lệ) và dự kiến hoàn tất vào giữa tháng 4/2010. PNJ hiện đã nắm giữ 23% vốn điều lệ của SFC và như vậy, tổng vốn điều lệ PNJ sẽ nắm giữ sau đợt chào mua này là 49%, một tỉ lệ sở hữu khá lớn có thể giúp PNJ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của SFC.

Vì sao các thương vụ mua bán, sáp nhập qua sàn lại xảy ra sớm ngay từ đầu năm? Một số chuyên gia nhận định, đó là do kết quả kinh doanh yếu kém của một vài công ty từ năm 2009 khiến họ chọn mua bán, sáp nhập như một chiếc “phao cứu sinh”.

Đơn cử như trường hợp của AGF. Lợi nhuận gộp của công ty này giảm mạnh từ 297 tỉ đồng (năm 2008) xuống 106 tỉ đồng (năm 2009), trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 19,8 tỉ đồng lên 35,5 tỉ đồng. Và việc chấp nhận sự chi phối của HVG có thể là cách hữu hiệu giúp AGF lấy lại vị thế.

Nói về xu hướng sáp nhập qua sàn trong năm 2010, có 2 luồng ý kiến từ các chuyên gia. Một là, số lượng các thương vụ dạng này sẽ tăng so với năm 2009. Ngược lại, không ít chuyên gia lại cho rằng mức tăng sẽ không cao, vì việc sáp nhập qua sàn thường vướng phải thủ tục rườm rà, quá trình đàm phán cũng không đơn giản.

Ngành công nghiệp tiếp tục dẫn đầu

Xu hướng M&A 2010Ở khía cạnh ngành nghề, trong năm qua, theo báo cáo của công ty nghiên cứu và tư vấn doanh nghiệp PricewaterhouseCoopers, ngành công nghiệp chiếm gần 1/4 tổng số giao dịch M&A ở Việt Nam đã được công bố, tăng 15% so với 2008. Trong đó, M&A diễn ra phần lớn ở các lĩnh vực then chốt như năng lượng, dầu khí, may mặc và xe hơi. M&A ngành năng lượng tăng nhanh nhất, từ 7% (năm 2008) lên đến 17% (năm 2009).

Khác với 3 xu hướng trên, xu hướng gia tăng các giao dịch M&A trong lĩnh vực công nghiệp đã thể hiện rõ chỉ sau hơn 2 tháng đầu năm. Đó có thể là các thương vụ mới, hoặc là kết quả của các cuộc thương lượng diễn ra trong năm 2009.

Có thể kể đến một số thương vụ. Thứ nhất, vào cuối tháng 12.2009, Công ty Sapporo Holdings (Nhật Bản) cho biết sẽ mua 65% cổ phần của Kronenbourg Việt Nam (KVL), một liên doanh 50/50 giữa công ty bia Đan Mạch Carlsberg và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) với giá tương đương 25,35 triệu USD. Theo đó, Carlsberg chuyển toàn bộ 50% và Vinataba chuyển 15% cổ phần trong KVL sang Sapporo. Theo Sapporo, công ty này dự định sẽ đổi tên Kronenbourg Việt Nam thành Sapporo Việt Nam. Thương vụ này dự kiến được hoàn tất trong quý I/2010.

Thứ hai, trong biên bản ghi nhớ với Carlsberg ngày 4/11, Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên – Huế xác nhận sẽ hỗ trợ tập đoàn này mua lại toàn bộ phần vốn góp của Ủy ban trong Công ty Bia Huế (50% cổ phần của công ty này). Hiện Carlsberg đã nắm giữ 50% cổ phần của Công ty Bia Huế (mua từ năm 1995).

Cũng vào cuối năm 2009, 3 tổng công ty thủy sản gồm Thủy sản Việt Nam, Thủy sản Hạ Long và Hải sản Biển Đông đã thống nhất ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo hợp nhất 3 tổng công ty này. Dự kiến kế hoạch hợp nhất sẽ được trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và triển khai thực hiện trong năm 2010. Dự kiến doanh thu năm 2010 của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam được hợp nhất sẽ đạt khoảng 4.455 tỉ đồng, tổng lợi nhuận khoảng 90 tỉ đồng.

(*)Các thống kê dẫn trong bài viết được trích từ thống kê M&A của các tổ chức Avalue, PricewaterhouseCoopers và Grant Thornton


10 câu hỏi cho các CFO thời hậu khủng hoảng
(Tuấn Anh - Theo Empirics//VNbrand)

Khủng hoảng tín dụng và cú sốc kinh tế đã đẩy các Giám đốc tài chính ra chiến trường với hàng loạt các động tác khẩn cấp, mà phần đông trong đó hướng tới mục tiêu duy trì sự tồn tại của công ty trong cơn suy thoái.

ky-nang-cfoNgay cả khi khi tình thế trở nên dễ thở đôi chút với những dấu hiệu phục hồi đâu đó xung quanh, các CFO vẫn còn nguyên cái sự đau đầu. Ngay với các công ty đã tránh được những cú đánh tồi tệ nhất của khủng hoảng thì phía trước vẫn còn đầy rẫy sự bất trắc và nguồn tín dụng vẫn đang thắt chặt.

Chỉ một số ít các doanh nghiệp quy mô lớn là còn đủ tiềm lực vốn và thời gian cho những chuyển động đáng kể. Và rủi ro với mỗi cơ hội kinh doanh cũng đã tăng lên.

Những đánh giá và phân tích của CFO vào lúc này là đầu vào quan trọng thúc đẩy quá trình tư duy phản biện tích cực của đội ngũ quản lý về các cơ hội kinh doanh và có cái nhìn tỉnh táo với chi phí, lợi nhuận và cả rủi ro trong hành trình theo đuổi các thành công kinh doanh.
McKinsey Quarterly đưa ra 10 câu hỏi giúp các CFO ưu tiên thứ tự giải pháp giúp doanh nghiệp vượt lên trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

1. Quá trình phục hồi sẽ có hình dạng thế nào?

Dù giới chuyên môn phân tích có đồng thuận cao rằng thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua rồi nhưng không ai có thể quả quyết về tương lai, vô vàn những bất trắc đang chờ đợi ở phía trước cả về bản chất và tốc độ.

Tiến trình hồi phục trong 12 đến 18 tháng có những thách thức hoàn toàn khác biệt so với những tiến bộ chậm rãi trong khoảng đủ dài 5 năm hay thậm chí có cả những bước lùi về ngưỡng suy thoái vừa qua. Các CFO cân nhắc thế nào về mức độ tác động của lạm phát tiền lương và giá cả, tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng âm của thương mại thế giới, hay sự bay hơi nhanh chóng của giá trị đồng tiền?

Tiếp theo, nếu huy động tín dụng quá mức và nhu cầu sụt giảm có thể làm biến mất khả năng sinh lời của công ty và dẫn tới những hậu quả tai hại cho công ty, các CFO cần đưa thông điệp rõ ràng tới các vị quản lý rằng trong giai đoạn hồi phục sắp nên đặt những mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn là dồn lực để kỳ vọng vào bứt phá lớn lao.

2. Công ty đã có những động thái tái cấu trúc thích hợp?

Một nền kinh tế yếu sẽ khiến việc thực hiện các điều chỉnh vận hành trở nên dễ dàng hơn: công ty có thể nợ đọng nhiều hơn với các nhà cung cấp, công đoàn và cơ quan quản lý hợp tác hơn, và người lao động có nhận thức tốt hơn về sự cần thiết phải thay đổi.

Khi nền kinh tế bắt đầu được củng cố, những lợi thế này nhanh chóng biến mất. Đây là lúc các CFO thử thách đồng nghiệp bằng bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn chi phí trong trung hạn.

3. Chuỗi cung cấp của công ty có đủ linh hoạt?

Trong năm 2009, câu hỏi quan trọng nhất là “Điều gì xảy ra nếu tình trạng suy thoái tiếp tục tồi tệ hơn nữa?” Trong năm 2009, thứ cần quan tâm hơn là “Điều gì xảy ra nếu bất ngờ xuất hiện xu hướng hồi phục?” Tập trung quá nhiều vào cắt giảm chi phí và vốn lưu động có thể sẽ là nguyên nhân khiến các công ty không trở tay kịp trước sức cầu tăng lên mạnh mẽ.

Liệu chuỗi cung cấp của công ty có thể phản ứng kịp với những chuyển động mau chóng của thị trường cho dù có phải tăng chi phí và giảm bớt chất lượng thành phẩm? Nếu câu trả lời là không, thì các CFO cần dành thời gian để cân nhắc liệu công ty có thắt chặt hoạt động quá mức hay không.

4. Đã có sẵn một danh sách các mục tiêu thâu tóm?

Cuộc khủng hoảng, dẫu vậy, dường như thêm một lần nữa mang lại cơ hội chiêm nghiệm: giá trị thị trường vốn cổ phần phục hồi nhanh hơn rất nhiều các hoạt động kinh tế nền tảng.

Những công ty sẵn sàng chiến lược thâu tóm chỉ đợi tới khi nhận được dấu hiệu hồi phục rõ ràng là sẽ mau chóng chuyển động về hướng các thương vụ M&A hấp dẫn, và với sự chuẩn bị kỹ càng hơn so với những đối thủ còn lại, họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội mà có lẽ phải rất rất lâu sau mới trở lại.

5. Có nên nối lại những trao đổi với các đối tác liên kết tiềm năng?

Năm 2008, rất nhiều công ty đã tiến hành những trao đổi về hợp tác chiến lược và liên doanh, liên kết. Năm 2009, nếu những nguyên lý và lôgic kinh doanh đó vẫn còn tốt nguyên, thì không hiếm đối tác nhận thấy áp lực đi tới hiện thực hóa những nội dung trên bàn họp đang ngày một tăng lên.

Hơn thế nữa, những hoạt động kinh doanh nổi lên sau giai đoạn suy thoái thiếu lợi thế cạnh tranh tương đối sẽ tìm thấy giải phải hiệu quả và nhanh gọn từ các liên doanh với những đối tác đang trong tình cảnh tương tự.

6. Có sẵn sàng cắt bỏ hoạt động kinh doanh hiệu quả kém?

Không có chỗ cho sự ủy mị trong lập kế hoạch danh mục kinh doanh. Cơn suy thoái năm 2008 đã làm thay đổi về cơ bản nhiều ngành công nghiệp, trong đó không ít hoạt động kinh doanh khi bước sang giai đoạn phục hồi đã mất đi các lợi thế cạnh tranh.

Cắt bỏ những hoạt động này hiển nhiên tốt hơn việc dành cả chu kỳ kinh tế tiếp theo để loay hoay tìm hướng cải thiện. Thật tốt nếu có thể bán đi mảng kinh doanh không còn nhiều lợi thế để thu về tiền mặt chờ đón cơ hội tiếp theo.

7. Bạn có đủ nguồn tài chính cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng?

Tăng trưởng đòi hỏi có nguồn tài chính. Công ty sẽ cầ nhiều vốn lưu động hơn hoặc cần đầu tư để phát triển sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối và triển khai các chương trình marketing, hay như mua lại một mảng kinh doanh.

Tín dụng và vốn cổ phần trở thành những nguồn tài nguyên khan hiếm, và nỗ lực tài trợ tài chính mới có thể sẽ không kịp thời để hứng trọn cơ hội phục hồi của thị trường. Để chuẩn bị nguồn tài chính cho tăng trưởng các CFO cần chuẩn bị sẵn kế hoạch hành động, gồm cả việc huy động vốn cổ phần mới, phát hành trái phiếu và tìm kiếm khoản tín dụng bổ sung sẵn sàng ngay khi cần sử dụng. CFO tại các nền kinh tế chịu nhiều áp lực của biến động và bất trắc của khủng hoảng cần hiểu rõ rằng quá trình phục hồi sẽ tác động thế nào tới khả năng huy động vốn.

8. Bạn có tận dụng lợi thế của người mua trên thị trường nhân lực chất lượng cao và các nguồn lực khác?

Trong khủng hoảng, đa phần các công ty nỗ lực cắt giảm chi phí, giảm nhân sự, thu hụp ngân sách marketing, R&D, phát triển sản phẩm và đầu tư tài sản cố định.

Nhưng có một thực tế là những khoản này bỗng chốc rẻ hơn rất nhiều mức giá mà họ đã chi trả trong suốt hơn một thập kỷ qua, đặc biệt là nguồn nhân lực tài chính chuyên nghiệp và chất lượng cao.

Kết quả nghiên cứu những giai đoạn khủng hoảng từng diễn ra trong quá khứ cho thấy, một tỷ lệ đáng kể các công ty thành công trong giai đoạn phục hồi là những công ty đã biết bỏ tiền đầu tư đúng lúc vào nhân lực chất lượng cao, marketing, R&D, và đầu tư tài sản.

9. Quá trình hồi phục tiềm ẩn những rủi ro nào?

Kế hoạch quản trị rủi ro và xử lý những tình huống phát sinh luôn phát huy tốt trong giải quyết những vấn đề nổi lên mỗi ngày hơn là những chuyển dịch quan trọng có thể dự báo trước. Thời điểm kinh tế đổi hưởng cũng mang theo hàng loạt thay đổi cấu trúc và cả những hiệu ứng lan tỏa trên diện rộng có thể dự báo trước.

Vậy công ty có hiểu rõ và chuẩn bị thế nào với những rủi ro có thể phát sinh với những động thái dịch chuyển về tỷ giá và chi phí đầu vào? Công có có phương án xử lý thế nào với những thay đổi của kênh phân phối, khách hàng và cả nhà cung cấp? hay công ty có chuẩn bị cho mức độ biến động tiếp tục mạnh mẽ hơn trong quá trình phục hồi?

10. Có thể bán kế hoạch phục hồi cho các nhà đầu tư?

Có rất nhiều công ty đã không chuẩn bị cho tình huống suy thoái kinh tế, thiếu các kế hoạch rõ ràng để truyền thông với các nhà đầu tư hoặc không có câu trả lời thuyết phục cho các chuyên gia phân tích. Vậy đừng để điều đó xảy ra khi ai đó đặt câu hỏi công ty sẽ hành động ra sao một khi nền kinh tế chuyển sang giai đoạn phục hồi.
 
Tám xu hướng tiêu dùng thời hậu khủng hoảng(Hoàng Đăng (dịch)//Tác giả: Paul Flatters và Michael Willmott (HBR)//Theo TuanVietnam)

Tiết kiệm, đơn giản cùng với nhu cầu dồn nén đang hình thành hành vi tiêu dùng mới.

Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, hành vi tiêu dùng thời tiền suy thoái là sản phẩm của hơn 15 năm thịnh vượng liên tục. Tuy thỉnh thoảng có suy thoái nhỏ nhưng nhìn chung tăng trưởng và lạm phát giá cả ổn định ở mức thấp vẫn là xu hướng chủ đạo. Tốc độ tăng giá trị tài sản và thu nhập cao hơn lạm phát. Từ năm 1995 đến 2005, thu nhập khả dụng ở Mỹ và Anh tăng hơn 30%, ở Thụy Điển và Đan Mạch là 25% và thậm chí ở hai nền kinh tế tăng trưởng chậm như Nhật và Đức, tốc độ này cũng vào khoảng 10%.

Bối cảnh kinh tế ấy ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Nhu cầu mới xuất hiện và thị trường nhanh chóng mở rộng để nắm bắt. Người tiêu dùng có khả năng chi trả cho những tiện ích, công nghệ và trải nghiệm mới để thỏa mãn sự tò mò và tự thưởng bản thân bằng nhiều sản phẩm cao cấp. Họ có thể trả cao hơn cho những khoản tiêu dùng mang nhận thức xã hội, có thể sản phẩm ấy không hoàn toàn sạch và xanh nhưng miễn là họ cảm thấy chúng xứng đáng.

Cuộc khủng hoảng này không chấm dứt buổi tiệc vui mà nó thúc đẩy nhiều xu hướng tiêu dùng mới. Sau khi quan sát hàng chục xu hướng nổi lên trong thời gian qua, chúng tôi chọn lọc ra 8 xu hướng mà sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc suy thoái lần này.

Cuộc phiêu lưu của người tiêu dùng

Người tiêu dùng sẽ biểu hiện như thế nào khi chúng ta thoát khỏi cuộc suy thoái? Dù các cuộc suy thoái đều khác nhau về nguyên nhân, độ sâu, thời gian kéo dài và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có khả năng dự đoán hành vi tiêu dùng nếu trả lời được ba vấn đề: các cuộc suy thoái trước đã thay đổi phương châm và hành vi tiêu dùng như thế nào; cuộc suy thoái hiện tại giống và khác gì so với những cuộc suy thoái trước; và chuyến phiêu lưu của người tiêu dùng, yếu tố quyết định cách phản ứng và hình thành quỹ đạo thoát khỏi cuộc suy thoái.

 

Với kinh nghiệm hơn 20 năm dự báo và phân tích các xu hướng tiêu dùng, chúng tôi đã vận dụng phương pháp này để tư vấn cho nhiều công ty thuộc mọi lĩnh vực trên toàn thế giới về tác động của cuộc suy thoái hiện tại đến hành vi tiêu dùng dài hạn.

Có thể sắp xếp các cuộc suy thoái vào hai nhóm chính. Hầu hết đều không kéo dài lâu, không sâu và chỉ gây ra những thay đổi nhất thời trong hành vi tiêu dùng. Phân tích gần đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về 122 cuộc suy thoái ở 21 quốc gia phát triển từ năm 1960 đến nay cho thấy một cuộc suy thoái điển hình thường kéo dài 1 năm và khiến GDP giảm trung bình 2%. Thông thường, các xu hướng tiêu dùng nhanh chóng phục hồi sau khi suy thoái kết thúc dù với tốc độ khác nhau ở từng lĩnh vực.

Vẫn có một số trường hợp hiếm hoi, suy thoái diễn biến kéo dài và sâu, điển hình là cuộc Đại khủng hoảng trong thập niên 1930 và "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản. Những cuộc suy thoái này làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của người tiêu dùng và để lại tác động lâu dài đến hành vi mua sắm của họ. Nhiều người trải qua cuộc Đại khủng hoảng duy trì thói quen chi tiêu tằn tiện cho đến cuối đời.

Chúng còn thay đổi bộ máy điều hành, tác động đến doanh nghiệp và tiêu dùng (hẳn nhiều người vẫn còn nhớ Đạo luật Glass-Steagall năm 1933, đạo luật buộc các ngân hàng thương mại tách hẳn hoạt động ngân hàng thương mại thuần túy ra khỏi hoạt động ngân hàng đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, cách đây hơn một thập niên, người ta đã bãi bỏ nó).

Cuộc suy thoái hiện tại hội tụ nhiều đặc điểm của hai loại suy thoái nói trên. Hầu hết các cơ quan giám sát như IFM, World Bank, OECD cùng toàn bộ cơ quan dự báo tư nhân trên toàn thế giới đều nhất trí rằng nó sẽ không sâu như Đại khủng hoảng cũng như không kéo dài như "thập kỷ mất mát". Tuy nhiên, có vẻ như đây là cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủngh và sẽ có tác động đến tất cả các thị trường cũng như người tiêu dùng trong nền kinh tế toàn cầu.

Sau đây là mô tả chi tiết về 8 xu hướng đang ngày càng quan trọng trong kinh doanh. Chúng tôi phân loại chúng theo tiêu chí độ chín muồi và khả năng chúng mạnh lên hay suy yếu do tác động của suy thoái.

Xu hướng chủ đạo

1. Nhu cầu về tính giản đơn

Các cuộc suy thoái bao giờ cũng căng thẳng và làm gia tăng nhu cầu về tính giản đơn. Thậm chí trước khi cuộc suy thoái này diễn ra, nhiều người tiêu dùng đã cảm thấy bão hòa trước quá nhiều lựa chọn và sự kết nối liên tục 24/7, và họ bắt đầu đơn giản hóa.

Nhà xuất bản Time Inc. của Mỹ sớm nhận ra xu hướng này và tư bản hóa nó bằng một tạp chí giản đơn nhưng thành công rực rỡ, Real Simple, vào năm 2000. Trong khi đó, Apple cũng nhanh chóng cụ thể hóa tầm nhìn của họ bằng chiếc iPod tinh gọn nhưng thanh lịch vào năm 2001.

Cuộc suy thoái hiện tại góp phần thúc đẩy xu hướng này phát triển. Tiêu biểu là sự xuất hiện của loại hình bán lẻ có chọn lọc (cửa hàng cung cấp cho người tiêu dùng một số gói sản phẩm giới hạn), sự gia tăng nhu cầu về giá trị và uy tín thương hiệu, sự phát triển của nhiều dạng dịch vụ tư vấn thông qua các mạng xã hội và trang web xếp hạng sản phẩm; tất cả chỉ nhằm đơn giản hóa và tạo tính hấp dẫn cho quá trình lựa chọn bằng các công nghệ mới thân thiện với người dùng.

Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh song song với quá trình phục hồi của nền kinh tế trong dài hạn. Không giống như người tiêu dùng vào các thời kỳ suy thoái trước đây, những người đón chào sự bình ổn tài chính bằng một đại tiệc mua sắm, người tiêu dùng hiện tại bước vào cuộc suy thoái trong tư thế quá no đủ và khi khả năng chi tiêu của họ phục hồi, họ sẽ tiếp tục mua những sản phẩm đơn giản nhưng có giá trị cao.

2. Ban giám đốc luôn được đặt trong tầm ngắm

Cuộc khủng hoảng tài chính làm bật lên vai trò của điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là hành động phi pháp và đồng lõa của các thành viên trong ban giám đốc. Hành động sai trái của ban giám đốc, vốn có thể được giấu nhẹm đi trong thời kỳ thịnh vượng, đang làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ phía người tiêu dùng và các cơ quan quản lý khi mà nền kinh tế tiếp tục đi xuống.

Từ lâu, mức lương thưởng cao quá đáng của ban giám đốc các tập đoàn đã là chủ đề công kích của dư luận, cuộc suy thoái lần này như giọt nước tràn ly khi những người dân thường "nhấn chìm" Đồi Capitol bằng e-mail và điện thoại cáo buộc hành vi sai trái của một số giám đốc điều hành cao cấp, những người mà thậm chí còn bị dọa giết.

Cũng tương tự xu hướng về tính giản đơn, việc các ban giám đốc bị đặt trong tầm ngắm của dư luận đã diễn ra nhiều năm qua sau thất bại của Enron và WorldCom hồi đầu thập kỷ. Việc chính phủ chi các khoản giải cứu khổng lồ trích từ tiền thuế của dân để hỗ trợ những công ty thất bại vì quản lý kém càng làm xu hướng này trở nên nghiêm trọng, mà từ đó, hai hậu quả nhãn tiền là: can thiệp của chính phủ sẽ ngày càng sâu rộng và phản ứng của người tiêu dùng với các công ty này càng tồi tệ hơn bao giờ hết.

Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn suy thoái nhưng sẽ hạ nhiệt nếu xét về dài hạn. Khi nền kinh tế khởi sắc, trừng phạt những công ty xấu không còn là một trong những ưu tiên hàng đầu.

 

Xu hướng tiến bộ

3. Tự nguyện tiết kiệm

Đây là một xu hướng còn khá mới và chỉ vừa xuất hiện ba năm trước thời điểm khủng hoảng xảy ra. Theo nghiên cứu của chúng tôi, bộ phận người tiêu dùng giàu có ngày càng bất mãn với thói chi tiêu vô độ. Nhiều người ao ước có một cuộc sống lành mạnh và ít lãng phí hơn. Họ quan tâm nhiều đến tái chế, mua sản phẩm đã qua sử dụng và dạy dỗ con cái mình những giá trị truyền thống, những hành vi liên hệ chặt chẽ với nhu cầu ngày càng tăng về tính giản đơn và sự quan tâm mạnh mẽ đến loại hình tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Ban đầu, nhiều người tiêu dùng không dám thừa nhận sự quan tâm của mình đến yếu tố tiết kiệm bởi họ sợ người khác cho rằng mình ngốc hoặc ky bo. Tuy nhiên, cuộc suy thoái đã giúp ý thức tiết kiệm được chấp nhận, thậm chí còn rất thịnh hành. Mốt trồng rau củ trong khu vườn chiến thắng của người giàu sau Thế chiến II đang trở lại.

Một ví dụ khác, công ty Eurocamp ở Anh chuyên tổ chức những chương trình mang đến trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên trước đây tưởng chừng phải lâm vào cảnh phá sản nhưng bây giờ đang phát triển mạnh mẽ, trở thành lựa chọn thay thế cho các chuyến nghỉ dưỡng cao cấp.

Sự phục hồi của nền kinh tế thường giải phóng nhu cầu chi tiêu bị dồn nén và chúng tôi dự đoán rằng người ta sẽ mua một số món hàng được trợ giá để thay thế những vận dụng bền nhưng đã cũ trong nhà. Tuy nhiên, theo nhận xét của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong Hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng 3/2009, nước Mỹ một thời nổi tiếng với lối chi tiêu thả sức sẽ không trở lại với hình ảnh "thị trường tiêu dùng tham lam" như nhiều người dự đoán.

Theo quan sát của chúng tôi, các vụ mua bán sau suy thoái sẽ có quy mô giới hạn hơn rất nhiều so với trước đây. Và xu hướng tự nguyện tiết kiệm sẽ tiếp tục phát triển trong dài hạn, khi mà nó tiếp tục mang đến sự thỏa mãn cá nhân và thực tiễn cho người tiêu dùng.

4. Tiêu dùng thay đổi liên tục

Vào thời điểm trước suy thoái, người tiêu dùng đã trở nên dễ thay đổi, không kiên định. Họ luôn nhanh chóng tìm được sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu của mình và cũng nhanh chóng từ bỏ sau thời gian ngắn sử dụng. Và họ mang sự trung thành vốn ngày càng thất thường này vào cuộc suy thoái.

Như phát hiện của Starbucks, khách hàng thông thường của họ đã chán những ly cà phê giá 4 USD và bắt đầu bỏ đi theo tiếng gọi của những nhãn hiệu cạnh tranh khác cũng tốt không kém nhưng có giá rẻ hơn như Dunkin' Donuts. Xu hướng này ngày càng lan rộng nhờ phương thức truyền miệng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến.

Các chiến lược mua sắm được hỗ trợ bởi công nghệ hay các mạng xã hội sẽ khiến xu thế này tiếp tục phát triển mạnh trong và sau quá trình hồi phục kinh tế. Sản phẩm người tiêu dùng mua có thể thay đổi, như niềm tin thương hiệu của họ, nhưng cơ chế họ đưa ra quyết định thì vẫn tồn tại lâu bền.

Xu hướng đang chậm lại

5. Tiêu dùng "xanh"

Ý thức bảo vệ môi trường đã ăn sâu vào nhận thức của người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách dù mức độ thể hiện ở mỗi đối tượng là khác nhau. Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến những sản phẩm và dịch vụ "xanh" trong thập niên qua; họ sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho cơ hội được làm việc tốt, mà trong nhiều trường hợp là cơ hội được người khác thấy mình làm việc tốt.

Tuy nhiên, những sản phẩm thân thiện với môi trường đang gặp nhiều khó khăn trong gian đoạn suy thoái khi người tiêu dùng sẽ bỏ qua chúng do mức giá quá cao mà chuyển xuống các phương án giá rẻ hơn - từng rất khó mua một chiếc Toyota Prius nhưng ngày nay chúng lại nằm đóng bụi trong xưởng.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, xu hướng tiêu dùng "xanh" chỉ suy giảm nhưng không dừng hẳn trong cuộc suy thoái lần này. Người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu cho những sản phẩm "xanh" đắt đỏ (vốn là cách nhiều người bày tỏ sự ủng hộ phong trào bảo vệ môi trường) như các loại ôtô lai hai động cơ mà thay vào đó, họ chi tiêu một cách thận trọng, chọn những loại sản phẩm rẻ hơn và hạn chế lãng phí bằng việc tắt đèn khi không dùng, tăng cường tái chế và giảm mua sắm.

Xu hướng tiêu dùng "xanh" này được sự cổ vũ mạnh mẽ của xu hướng chuộng tính giản đơn, chi tiêu tiết kiệm và các tiêu chuẩn xã hội mới hạn chế thói tiêu dùng vô độ.

Chúng tôi hy vọng xu hướng tiêu dùng "xanh" này sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại sau suy thoái theo hai khía cạnh: cắt giảm chi phí và khẳng định thương hiệu. Khi người tiêu dùng khôi phục niềm tin và thu nhập khả dụng, họ sẽ vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm của mình đến vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường.

6. Niềm tin bị bào mòn

Sự kính trọng của công chúng dành cho các viện nghiên cứu và cơ quan chính phủ đã và đang liên tục tụt giảm trong nhiều thập niên qua bởi người tiêu dùng ngày càng tự tin vào khả năng tìm kiếm thông tin của mình và tận dụng các mạng gia đình và xã hội để đưa ra những lựa chọn khôn ngoan.

Niềm tin sụt giảm còn xuất phát từ việc công chúng ngày càng hoài nghi chất lượng của các nguồn thông tin truyền thống do các doanh nhân, nhà kinh tế học, những người khoác lên mình học vị tiến sĩ cung cấp.

Những cuộc suy thoái nhỏ thường khiến xu hướng này gia tăng do người tiêu dùng mất lòng tin vì những sai lầm của các viện nghiên cứu. Trong những cuộc suy thoái sâu như Đại khủng hoảng thì một phản ứng ngược có thể xảy ra: Công chúng, dù hiểu rằng chính sự tham lam và khinh suất của chính phủ và các doanh nghiệp là nguyên nhân đưa họ vào cảnh khốn cùng, vẫn tin rằng chỉ những tổ chức này mới có khả năng đưa họ ra khỏi khó khăn và bắt đầu trông chờ tín hiệu giải cứu và sự hướng dẫn từ họ.

Chính sách kinh tế mới (New Deal) của chính phủ Mỹ trong thập niên 1930 đã hình thành nên những tổ chức như FDIC, SEC và chương trình Works Progress Administration, tạo ra công ăn việc làm cho hàng hiệu người, giúp khôi phục lòng tin trong dân chúng vào giới cầm quyền.

Với cuộc suy thoái lần này, chúng tôi dự đoán lòng tin của dân chúng vào chính phủ sẽ phục hồi trong ngắn hạn do những biện pháp can thiệp mạnh mẽ của chính phủ nhằm cải tổ doanh nghiệp, bình ổn thị trường, tạo công ăn việc làm và giúp nhiều gia đình không vào cảnh vô gia cư. Tuy nhiên, xét về dài hạn, niềm tin sẽ tiếp tục suy giảm do người tiêu dùng ngày càng hiểu biết hơn trong việc thu thập thông tin và ra quyết định trong khi các nguồn thông tin và hướng dẫn truyền thống khó lòng đáp ứng được kỳ vọng của họ.

Xu hướng dừng hẳn

7. Xu hướng tiêu dùng có đạo đức

Những sản phẩm "thương mại bình đẳng", được sản xuất tại địa phương, hay trứng gà từ gà thả rông thường đắt hơn các sản phẩm truyền thống. Dù có nhiều điểm chung với xu hướng tiêu dùng "xanh" nhưng tiêu dùng đạo đức khó đi sâu vào văn hóa và nhận thức của người tiêu dùng.

Năm qua, các hoạt động quyên góp từ thiện của những tổ chức như Hội Chữ thập đỏ chứng kiến mức giảm hai con số. Khi người ta chỉ tập trung lo cho cái ăn của con cái mình, lo cho mái nhà họ đang trú ngụ thì quan tâm đến những trẻ em khác trên thế giới hay bảo vệ động vật sẽ nằm ở cuối danh sách ưu tiên.

Khi kinh tế phục hồi, chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ dần trở lại. Khi niềm tin trở về với người tiêu dùng, đầu tiên người ta sẽ mua những thứ mà họ cần, sau đó mới dần trở lại với thói quen mua sắm có đạo đức thời tiền suy thoái.

8. Xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm tột độ

Bên cạnh sở hữu vật chất, nhu cầu có được những trải nghiệm thư giãn hay tột độ đã có được chỗ đứng vững vàng trước khi suy thoái diễn ra. Những trải nghiệm với giá tương đối rẻ, tiết kiệm và có khả năng kết nối con người với thiên nhiên sẽ phát triển mạnh mẽ.

Trong khi đó, những loại trải nghiệm tột độ vốn thường đắt đỏ, nguy hiểm, phù phiếm và tàn phá môi trường như chạy xe đua hay thậm chí du hành vào không gian, đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ý thức trách nhiệm và tính nghiêm túc trong giai đoạn suy thoái.

Xu hướng này khá mới mẻ nên chúng tôi phải sử dụng bằng chứng từ các cuộc suy thoái trước để mô tả quỹ đạo phát triển của nó. Chẳng hạn, những chuyến du hành đường dài giảm 9% vào đầu giai đoạn suy thoái thập niên 1990 trong khi du lịch cự ly ngắn lại thực sự được nhiều người ưa chuộng.

Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng cảm thấy những trải nghiệm tột độ hấp dẫn bởi chúng khiến họ cảm thấy khác biệt. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng có phần "chơi trội" này không được ưa chuộng như xu hướng đơn giản và tiết kiệm, và nó khó lòng phục hồi sớm.
-----

Nền kinh tế khó đoán và người tiêu dùng lại hay thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng vào tính đúng đắn của những xu hướng được mô tả trên đây, và chúng sẽ phần nào giúp các chuyên gia marketing tìm ra phương hướng. Đặc biệt, tôi tin rằng bộ phận người tiêu dùng trưởng thành trong giai đoạn khủng hoảng lần này sẽ giống như ông cha họ ở thời điểm Đại khủng hoảng mà tiếp tục duy trì hành vi, thái độ tiêu dùng hiện tại đến cuối đời.

Vài thập niên tới, một số người sẽ quay về với các mô thức tiêu dùng thời kinh tế bùng nổ trong khi hàng triệu người dưới 35 tuổi bước vào giai đoạn khủng hoảng này sẽ duy trì thói quen tiêu dùng đơn giản, tiết kiệm, "xanh" nhưng cũng dễ thay đổi và họ cũng đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp hãy nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng một cách khôn ngoan và sẵn sàng phục vụ họ.


5 nghề "hot" thời hậu khủng hoảng
(Theo Aziny)


Cực kỳ hứa hẹn cho những ai chọn con đường này ngay từ bây giờ!
Từ đầu Quý 2 năm nay, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ… và theo dự tính của các chuyên gia thì rất có thể đến năm 2010, toàn thế giới sẽ thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng…
Phải nói rằng, khủng hoảng kinh tế đã biến rất nhiều công ty và tập đoàn lớn trên thế giới lâm vào tình trạng phá sản… kéo theo đó là hàng triệu nhân công bị mất việc! Hai năm qua là thời kỳ đen tối nhất của kinh tế thế giới trong gần mấy thập niên gần đây!
 
Bầu trời khủng hoảng chung trên toàn thế giới

Thông tin về sự phục hồi nền kinh tế được lan rộng… Hàng loạt các doanh nghiệp trên thế giới bắt đầu tính đến phương án phát triển hậu khủng hoảng… Một trong số đó là sự trở lại của những ngành nghề đã từng thống lĩnh một thời…

1. Giám đốc sáng tạo (Creative Director)
Là một ngành nghề còn khá mới mẻ, nhưng nhờ sự bùng nổ của ngành Công nghiệp quảng cáo mà CD(hay còn gọi là Giám đốc sáng tạo) có cơ hội phát triển hơn bao giờ hết…
Khủng hoảng qua đi cũng là lúc các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để giành giật thị phần… Vậy nên, một vị trí với mức lương cực hấp dẫn cho người đưa ra các định hướng phát triển thương hiệu là cực kỳ cần thiết!
Nếu bạn là người có óc sáng tạo, am hiểu thị trường và có kỹ năng quản lý… thì rất có thể bạn sẽ là một CD cực pro đấy! Hãy thử xem nhé!

2. Thiết kế Web (Web Designer)
Ai cũng biết vai trò của Internet trong thời kỳ này là rất to lớn… Việc quảng bá thương hiệu và kinh doanh trực tuyến đang diễn ra từng ngày từng giờ… Một ngày có hàng tỷ người trên thế giới truy cập Internet… Do đó đầu tư vào các website đang là một xu thế thịnh hành trong việc phát triển kinh doanh.

Chưa có lúc nào, các Web Designer được trọng dụng đến như vậy… Việc tạo ra các Website phục vụ công việc kinh doanh trực tuyến, hoặc PR quảng cáo hình ảnh thương hiệu trở nên vô cùng cấp thiết…
Bạn sẽ trở thành mục tiêu săn đón ở mọi công ty nếu bạn nắm trong tay các kỹ năng tạo lập và phát triển Website! Hãy thử xem nào!

3. Quản trị mạng (System Admin)
Lại là vấn đề bảo mật, an ninh mạng…
Virut… Hacker luôn là nỗi đau nhức nhối của biết bao nhiêu doanh nghiệp… Nếu một ngày nào đó, toàn bộ kho dữ liệu của công ty bạn đột ngột biến mất, thật không dám tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra?
Đó chính là lý do tại sao Quản trị mạng hay còn gọi là Quản trị hệ thống (System Admin) luôn luôn được ưu ái tại hầu hết các công ty…
Thời kỳ hậu phục hồi cũng là lúc, các doanh nghiệp chú trọng hơn đến vấn đề an ninh mạng, tránh trường hợp ăn cắp dữ liệu xảy ra nhằm giành giật thị trường…
Nếu bạn đang theo học chuyên ngành này thì hãy cứ yên tâm là lúc nào cũng có đất dụng võ…

4. Y Dược
Nhất Y nhì dược… Ngành nghề được đánh giá là không bao giờ lỗi thời này vẫn hiên ngang trụ top những ngành nghề Hot nhất thế giới… Là nghề đem lại mức thu nhập cao ngất ngưởng, Y dược luôn là ngành học được đăng ký nhiều nhất trong các kỳ tuyển sinh ĐH, Cao đẳng…
Khủng hoảng kinh tế là một trong những nguyên nhân kéo theo không ít đại dịch lớn trên thế giới…Song song với việc phục hồi nền kinh tế, việc giải quyết các vấn đề y tế luôn luôn được đặt lên hàng đầu…
Hãy trau dồi kiến thức ngay bây giờ để bạn có thể trở thành “những thiên thần áo trắng” trong tương lại…

5. Kỹ sư phần mềm (IT)
Xin khẳng định rằng… Một xã hội hiện đại không thể một ngày không có sự góp mặt của CNTT…
Lấn sâu vào tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, phải nói rằng ứng dụng máy tính đã trở thành một phần tất yếu trong việc phát triển kinh doanh…Điều đó cũng lý giải tại sao trong 5 nghề được nêu ra ở trên lại có đến 3 nghề liên quan đến lĩnh vực Công nghệ.

Tuy nhiên, nếu nói đến CNTT mà không nhắc đến các kỹ sư phần mềm thì thực sự là một thiếu sót lớn… Nhu cầu nhân lực IT luôn luôn được đặt trong tình trạng khan hiếm… đặc biệt là thời kỳ hậu khủng hoảng… Ước tính vào thời điểm này, thế giới đang cần khoảng hơn 50 000 nhân lực cho ngành Công nghiệp phần mềm…
Cơ hội quá lớn cho những ai đang theo đuổi ngành Lập trình!
Có người đã từng nói rằng: “Yêu tố lớn nhất tạo nên sự thành công đó là biết nắm bắt cơ hội!”
Vậy nên…
Nếu bạn làm chủ kiến thức, nắm vững xu thế thị trường các bạn sẽ đạt được thành công!
Chúc các bạn may mắn!

6 xu hướng truyền thông xã hội năm 2010
(Hoàng Thu Thủy (dịch)//Bài viết của David Armano trên Harvard Business Publishing.// Theo TuanVietNam)

Năm 2010, các mạng xã hội thậm chí sẽ càng phổ biến hơn, được ứng dụng trên thiết bị di động nhiều hơn, chiếm ưu thế hơn.

Năm 2009, chúng ta đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân của truyền thông xã hội. Theo Nielson Online, chỉ tính riêng Twitter đã tăng 1,382% vào tháng 2 so với cùng kì năm ngoái, đạt hơn 7 triệu lượt truy cập trên tổng số lượt truy cập trong tháng. Trong khi đó, Facebook cũng tiếp tục vượt xa MySpace. Vậy có thể hình dung truyền thông xã hội thế nào trong năm 2010?

Các xu hướng gần chúng ta có thể sớm nhìn thấy trong năm tới là:

1. Các mạng xã hội bắt đầu bớt đi tính xã hội

Với sự phát triển phổ  biến hơn của hệ thống mạng xã hội, nhóm, danh mục và mạng ngách, các mạng này bắt đầu trở nên “độc quyền”hơn. Không phải ai cũng có thể nhanh chóng làm quen tính năng mới - tính năng tạo danh mục - của Twitter, và khi các mạng được lan truyền rộng rãi, có khả năng các hành vi của cư dân mạng như “ẩn giấu” đi những thông tin cập nhật sẽ trở nên phổ biến hơn, những thông tin này vốn thường xuất hiện trong tính năng cập nhật tin tức mới của Facebook.

Có lẽ đây chưa hẳn là việc thiếu đi tính xã hội, nhưng nó dường như cho ta thấy việc tách giá trị ra khỏi hệ thống mạng - trong khi loại bỏ những tính năng rườm rà.

2. Các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng phát triển

Hình minh họa. Nguồn ảnh: tinypic

Có tương đối ít các công ty lớn vạch ra các sáng kiến mang tính xã hội vượt xa được các sáng kiến tiếp thị và truyền thông độc đáo. Dịch vụ mới Twelpforce của hãng Best Buy đã huy động hàng trăm nhân viên trợ giúp khách hàng thông qua tiểu blog Twitter. Những nhân viên này được giám sát thông qua một hệ thống tích hợp có tính năng theo dõi những người truy cập. Đây là một dấu hiệu mới cho năm 2010, khi mà các công ty có xu hướng giảm chi phí và dự tính phục vụ khách hàng tốt hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ mạng xã hội.

3. Kinh doanh truyền thông xã hội có vai trò ngày càng quan trọng

Các mạng tương đối mới như  Foursquare được chào đón nhờ việc tập trung vào tính năng cung cấp mạng cho khu vực và điện thoại di động. Tuy nhiên, trò chơi trong mạng này cũng có chất lượng tương tự đối với cư dân mạng như các mạng khác. Các thành viên tham gia nhận được sự khích lệ và giải thưởng qua từng cấp độ cao hơn. Và công nghệ này nhắc nhở bạn rằng bạn bè của bạn chỉ cách 1 bước là có thể đánh cắp “chức thị trưởng” mong ước của bạn. Khi các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong và ngoài mạng, họ có thể áp dụng chính sách “củ cà rốt” để tăng tính cạnh tranh thân thiện.

4. Các công ty sẽ có chính sách truyền thông xã  hội (và điều này thật sự cần thiết)

Nếu công ty bạn đang làm việc chưa có một chính sách truyền thông xã hội với những quy định cụ thể về việc “liên kết” với các mạng xã hội khác, điều này rất có thể sẽ thay đổi trong năm tới. Từ việc tự cân nhắc bản thân bạn như một nhân viên trong cuộc cạnh tranh giữa các mạng xã hội, có thể bạn sẽ nhận thấy điều gì là hợp lí cho công ty mình khi đặt chân vào giới truyền thông xã hội.

5. Di động trở thành điểm mấu chốt của truyền thông xã hội

Cùng lúc với việc nghiêm cấm sử dụng các mạng xã hội của khoảng 70% các công ty thì doanh số bán hàng của các loại điện thoại thông minh “smartphone” ngày càng tăng, dường như dân cư mạng sẽ tìm cách “thỏa mãn” cơn nghiện truyền thông xã hội của mình thông qua các thiết bị di động. Thậm chí họ còn tranh thủ cả thời gian nghỉ ngắn ngủi nơi công sở để truy cập vào các mạng xã hội, miễn là tín hiệu di động hoạt động tốt và tránh được tai mắt của công ty. Kết quả là chúng ta sẽ thấy có thêm nhiều phiên bản di động từ mạng xã hội ưa thích.

6. Email không còn là phương tiện duy nhất để chia sẻ

Bài viết “Ứng dụng công nghệ iPhone” của tờ New York Times gần đây mới cập nhật thêm tính năng chia sẻ, cho phép người sử dụng dễ dàng chia sẻ một bài báo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter. Nhiều website cũng đã ứng dụng tính năng này, và rất có thể tính năng này sẽ trở thành trào lưu chính trong hành vi của cư dân mạng thay cho thói quen sử dụng email trước kia. Và chắc hẳn những nhà cung cấp nội dung sẽ rất hài lòng khi khiến họ lựa chọn theo cách này.

 

( Tinkinhte.com tổng hợp )

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • 278 tỉ đồng quảng cáo trực tuyến
  • Thị trường quảng cáo trực tuyến ở VN chưa theo kịp đà tăng trưởng
  • Tiếp thị cộng đồng: Giá trị cộng thêm cho doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp PR: Hãy biết cách tạo câu chuyện
  • 5 bí quyết trở thành nhân viên bán hàng bậc thầy
  • Tiếp thị kỹ thuật số đắt hay rẻ?
  • Phóng sự ảnh: 'Nốt trầm' từ sự “vô tình” của quảng cáo?
  • Tiếp thị trong kỷ nguyên số
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com