Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng quan hệ Ai Cập - Mỹ

Quan hệ Ai Cập - Mỹ trong vài năm qua có những bước thăng trầm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ này đã được thúc đẩy tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã xác định xây dựng

Nếu như không vì lý do gia đình, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sẽ có chuyến thăm chính thức Mỹ vào ngày hôm nay (26/5). Mặc dù không thực hiện được chuyến thăm này, nhưng Tổng thống Mubarak đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Ahmed Abul Gheit, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Omar Suleiman và Bộ trưởng Công thương Rashid Mohamed Rashid tới Washington.

Việc Ai Cập cử các quan chức đứng đầu các cơ quan quan trọng của chính phủ cho thấy đây là thời điểm quan trọng để Ai Cập tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Nội dung chủ yếu của chuyến thăm Mỹ lần này của các quan chức cấp cao Ai Cập là thúc đẩy mối quan hệ song phương và khẳng định quan điểm của Ai Cập đối với các vấn đề của khu vực Trung Đông.

Quan hệ Ai Cập - Mỹ được hai nước xác định là mối quan hệ đối tác chiến lược. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ai Cập trong lĩnh vực kinh tế và quân sự. Năm tài chính này, chính quyền Obama viện trợ cho Ai Cập 1,5 tỉ USD. Quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Mỹ là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Ai Cập (sau Liên minh châu Âu). Tháng 7/1999, hai nước đã ký kết Hiệp định khung về đầu tư và thương mại (TIFA), và đây được coi là bước đi đầu tiên để tiến tới việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Cùng với xu hướng này, tháng 12/2004, Mỹ đã tuyên bố xây dựng các khu công nghiệp chất lượng cao (QIZs) tại Ai Cập.

Trong một diễn biến gần đây nhất, chính quyền Mỹ và Ai Cập đã kết thúc các cuộc đàm phán "tích cực" nhằm tăng viện trợ hàng năm của Mỹ cho Ai Cập trong năm tới. Chính phủ Mỹ sẽ đệ trình Quốc hội đề nghị tăng viện trợ cho Ai Cập trong năm tài khoá 2010. Hai bên đã tháo bỏ những bất đồng vốn dẫn tới việc đơn phương cắt giảm viện trợ của chính quyền Mỹ trước đây.

Ai Cập cần có viện trợ của Mỹ để củng cố an ninh và quốc phòng, cũng như ổn định trật tự xã hội trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và lạm pháp gia tăng. Dù đang bị khủng hoảng nhưng chính quyền Mỹ vẫn sẵn sáng bỏ ra hàng chục tỉ viện trợ cho Trung Đông trong đó có Ai Cập. Mỹ muốn dùng viện trợ này để duy trì ảnh hưởng và tiếng nói đối với ai Cập và khu vực Trung Đông. Củng cố vai trò và vị trí của Ai Cập ở Trung Đông và Châu Phi đồng nghĩa với việc mở rộng ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực này, cũng như có thể gây sức ép với Ai Cập. Thực chất đây là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Trong việc giải quyết các cấn đề khu vực, Ai Cập cần Mỹ hỗ trợ để nâng tầm ảnh hưởng và tiếng nói trong cộng đồng các nước Arab.

Chuyến thăm của các quan chức chính phủ Ai Cập tới Mỹ còn có mục đích khác là khẳng định quan điểm của Ai Cập đối với một số vấn đề của khu vực Trung Đông, đặc biệt là trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Isarel và Palestine. Ai Cập hiện đang đóng vai trò nhà trung gian hoà giải cho việc đàm phàn ngừng bắn giữa Isarel và phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Cuộc đàm phán này đang bị ngưng trệ do hai bên chưa thống nhất được các vấn đề liên quan đến việc trao đổi tù binh. Ai Cập cũng đang đóng vai trò trung gian hoà giải giữa các phe phái chính trị tại Palestine. Vì vậy có thể nói hiện nay, Ai Cập đang đóng vai trò tích cực đối với việc giải quyết một số vấn đề của khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, thời gian qua, vai trò và ảnh hưởng của Ai Cập trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực đang yếu đi, trong khi Qatar - nước có tiềm lực về kinh tế và đang có ảnh hưởng lớn. Có thế thấy, Qatar đã thành công trong vai trò làm trung gian hoà giải cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon và Sudan.

Do đó, Ai Cập cần có sự tham gia tích cực của Mỹ với vai trò là người bảo trợ cho tiến trình hoà bình Trung Đông, nhất là kể từ khi lên nắm quyền đến nay, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã có một số tuyên bố cũng như động thái chứng tỏ sự quan tâm tích cực của nước này trong việc tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng giữa người Arab với Isarel nói chung cũng như cuộc xung đột giữa Isarel và Palestine.

Cùng giải quyết các vấn đề của khu vực Trung Đông là mục tiêu của Mỹ và Ai Cập vì lợi ích chung và tầm ảnh hưởng đối với khu vực và trên trường quốc tế.

Ai Cập là một nước lớn tại Trung Đông và Bắc Phi, có vai trò và ảnh hưởng trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực. Tăng cường quan hệ với Ai Cập cũng được Mỹ chú trọng. Ai Cập là nước thứ hai (sau Isarel) tại khu vực Trung Đông được nhận nhiều nhất viện trợ của Mỹ. Đặc biệt là sau khi Ai Cập ký Hiệp định hoà bình với Isarel năm 1979, quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập ngày càng chặt chẽ hơn. Mỹ thấy được vai trò của Ai Cập trong việc thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông. Hơn nữa, chính quyền mới tại Mỹ hiện nay muốn thay đổi hình ảnh nước Mỹ trong con mắt người Ả rập cũng như thế giới Hồi giáo. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Obama đã chọn Ai Cập là địa điểm để gửi bức thông điệp hoà giải tới thế giới Hồi giáo cũng như với các quốc gia Arab.

Dư luận khu vực cho rằng, quan hệ Ai Cập - Mỹ trong thời gian tới sẽ được hai bên chú trọng thúc đẩy để tương xứng với mức độ đối tác chiến lược đã được xác định trong nhiều năm qua. Mối quan hệ này được phát triển trên cơ sở lợi ích chung của hai nước, đồng thời cũng là động lực để góp phần giải quyết các vấn đề còn tồn tại khu vực Trung Đông, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho nền hoà bình lâu dài và công bằng cho khu vực này./.
 

(Theo Việt Hà // VoVnews)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Ai Cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân
  • Người A-rập thích Tổng thống Obama hơn nước Mỹ
  • Ai Cập muốn Tổng thống Mỹ đọc thông điệp từ trường Hồi giáo Al Azhar
  • Jacob Zuma được bầu làm Tổng thống Nam Phi
  • Châu Phi tìm cách thu lợi từ hành lang Nam – Bắc
  • Nigeria có nhu cầu lớn nhập khẩu gạo từ Việt Nam
  • Thương mại của châu Phi dự kiến giảm 25% trong tài khoá 2009/10
  • Algeria chi 19 tỷ USD phát triển nguồn nước