Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?

Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi 10 năm qua tăng trưởng nóng, song uy tín của nước này cũng giảm đi khi gặp phải sự phản đối ngày càng nhiều của người dân và cả chính quyền địa phương.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào châu Phi và đã vượt qua Mỹ, Nhật, Pháp để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng trưởng nóng trong vòng 10 năm qua, với tốc độ tăng trung bình là 33% một năm. Năm 2011, trao đổi thương mại song phương châu Phi - Trung Quốc đạt con số kỷ lục 166 tỷ USD, trong đó châu Phi xuất 93 tỷ USD, FDI của Trung Quốc vào châu Phi là 13 tỷ USD. Dự kiến năm 2012 trao đổi thương mại song phương sẽ đạt kỷ lục mới, 200 tỷ.

Tham vọng khai thác tài nguyên


Trước việc những khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ đã bị Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Nga chiếm lĩnh từ lâu, châu Phi trở thành địa bàn trọng điểm để Trung Quốc bảm đảm nguồn cung năng lượng và nhiều nguồn nguyên liệu khác. Khoảng 1/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Trung Đông và 1/3 là từ các nước châu Phi như Angola, Congo, Guine và Sudan. Những quốc gia này xuất khẩu 85% sản lượng dầu sản xuất được qua Trung Quốc. Mặc dù trữ lượng dầu mỏ của châu Phi tới nay được dự đoán chỉ chiếm 9% của thế giới, rất khiêm tốn so với con số 62% của Trung Đông nhưng tiềm năng vẫn còn chưa được định lượng hết và đó chính là hy vọng mà Trung Quốc đang muốn giành về phía mình.

Trong bối cảnh các nước phương Tây và các nước khác đang gặp khó khăn về kinh tế, tài chính, Trung Quốc đã cùng các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Brazil đẩy mạnh đầu tư vào thị trường châu Phi và gia tăng ảnh hưởng kinh tế của mình. Trung Quốc đang chọn khu vực này là điểm đến để chuyển hình thức chế tạo, sản xuất trình độ thấp từ Trung Quốc.

Ông Robert Zoellick, cựu chủ tịch Ngân hàng thế giới cho biết Trung Quốc và WB đã có kế hoạch hợp tác chuyển giao các công việc trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất ở mức độ thấp sang châu Phi, đặc biệt là khu vực hạ Sahara và Bắc Phi. Chính sách dân số của Trung Quốc trong nhiều năm qua đang làm cho lực lượng lao động của nước này giảm đi, đồng thời với việc tăng lương liên tục trong thời gian gần đây buộc Trung Quốc phải tính tới việc phải chủ động di chuyển những hoạt động sản xuất đòi hỏi nhiều lao động, chi phí giá trị gia tăng thấp sang khu vực khác.

Trung Quốc hiện đang có khoảng 85 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực chế tạo trình độ thấp so với con số 8-10 triệu tại châu Phi. Nếu Trung Quốc chuyển được 5-7 triệu việc làm sang lục địa đen sẽ gia tăng được cơ hội việc làm cho khu vực này thêm 50%. Tới nay, Trung Quốc đã tiến hành hai đợt di cư sang châu Phi. Đợt 1 có ít nhất 150.000 người, diễn ra trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước khi Trung Quốc cử chuyên gia y tế, giáo dục và nông nghiệp sang một số nước châu Phi nhằm giúp đỡ các nước này sau khi giành được độc lập. Đợt hai là sau năm 2000, khi Trung Quốc và châu Phi thành lập cơ chế đối thoại chính thức Diễn đàn hợp tác châu Phi - Trung Quốc (FOCAC).

Một mục đích khác trong việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là nhằm tận dụng thị trường này để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhằm phục vụ cho phát triển thương mại và công nghiệp của Trung Quốc với các nước. Hiện nước này đang đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa đồng NDT qua các kênh ngoại giao, kinh tế, tài chính. Châu Phi với các nền kinh tế kém và đang phát triển là một trong những mục tiêu của chiến lược này. Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc tại thủ đô Lusaka của Zambia đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại châu Phi thực hiện giao dịch bằng đồng NDT vào đầu tháng 7/2011. Các khách hàng có thể thực hiện các gửi và rút đồng NDT và theo Trung Quốc, việc này cho phép tiết kiệm chi phí chuyển đổi tiền tệ trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.

Một nền kinh tế lớn của châu Phi là Nigeria cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ và đưa đồng NDT vào kho dự trữ của mình cùng với đồng đô la, bảng Anh... Nigeria là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của châu Phi, nước này có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới hơn 30 tỷ USD. Việc Ngân hàng trung ương Nigeria đưa đồng NDT vào rổ dự trữ ngoại tệ còn nhằm mục đích chiến lược thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa nước này với Trung Quốc.

Cảnh giác hơn với đầu tư Trung Quốc

Bên cạnh một số lợi ích là đem lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân bản địa, các khoản đầu tư của Trung Quốc đang đặt châu lục này trước những vấn đề phức tạp về môi trường và xã hội. Một số dự án đầu tư của Trung Quốc bị người dân địa phương phản đối dữ dội vì tác động xấu tới môi trường, điều kiện sống của người dân.

Điển hình là vụ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) đầu tư 500 triệu USD xây dựng đập Gibe III ở Ethopia. Dự án đã bị người dân và nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về sự tác động to lớn của nó tới dòng chảy sông Omo - tuyến đường thủy quốc tế, đồng thời tới hệ sinh thái của hồ Turkana và khiến nguồn sống của 300.000 dân phía bắc Kenya bị ảnh hưởng.

Tính bất cập của các khoản đầu tư của Trung Quốc đã được thấy trước đó qua trường hợp xây dựng đập Bui tại Ghana khiến ¼ Vườn quốc gia Bui bị ngập, hay đập Konqou tại Gabon, đập Merowe ở Sudan. Một đặc điểm chung trong các dự án kiểu này đó là người dân địa phương không được hưởng lợi từ điện hay việc phát triển kinh tế mà còn buộc phải rời bỏ nơi ở, mất nguồn sinh kế từ thủy sản và nông sản.

Mặt khác, thời gian qua uy tín của Trung Quốc đã giảm đi do nước này bộc lộ quá rõ ý đồ vơ vét tài nguyên của châu Phi và Trung Quốc bị coi là thiếu trách nhiệm đối với sự phát triển dài hạn của châu lục này. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập, hoạt động thiếu minh bạch thậm chí bất hợp pháp của một số người Trung Quốc tại châu Phi đã đến mức báo động và ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế xã hội của châu Phi.

Trong động thái gia tăng ảnh hưởng tài chính, kinh tế mới nhất, tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi với sự tham gia của lãnh đạo 50 nước châu Phi cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã cam kết sẽ rót 20 tỷ USD đầu tư cho châu Phi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khoản tín dụng 20 tỷ USD mà Trung Quốc vừa cam kết cấp cho châu Phi trải dài trong vòng 3 năm từ 2013 tới 2015 và được chia cho 50 quốc gia nên thực chất không lớn và tới nay còn nhiều điều chưa được rõ do chưa biết nguồn vốn này sẽ được rót cho quốc gia nào.

Một số nước châu Phi còn cho rằng Trung Quốc đang triển khai chính sách chèn ép ngành công nghiệp tiêu dùng của khu vực này. Việc người Trung Quốc tham gia kinh doanh bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng hóa bộ máy chính quyền ở những nước mà Trung Quốc đầu tư đã làm xấu đi hình ảnh của nền kinh tế thứ hai thế giới.

(Theo VEF)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Vì sao Nam Phi ban lệnh cấm người Việt săn tê giác?
  • Châu Phi trở thành điểm đầu tư hấp dẫn
  • Các nền kinh tế châu Phi “thấm đòn” từ cơn dư chấn khủng hoảng
  • Đột nhập 'nhà máy sản xuất trẻ em'