Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng

Dù thế giới đã bước sang thế kỷ 21 được 12 năm, nét chấm phá tại châu Phi vẫn chỉ là nạn đói. Đại đa số dân cư sống dưới mức nghèo khổ bất chấp họ đang sống trên một núi tài nguyên.

Châu Phi – châu lục đen, bí ẩn và có sức hút mãnh liệt với thế giới, không chỉ bởi nơi đây có hệ tư tưởng, hệ thống văn hóa xã hội khác biệt lớn với phương tây, mà còn bởi châu Phi mang trong mình nguồn khoáng sản giàu có khiến không một cường quốc nào có thể thờ ơ. Chỉ có 5 trong số 55 quốc gia thuộc châu lục này không sở hữu trữ lượng dầu mỏ, số còn lại đều có khả năng cho khai thác với sản lượng cao.

Dầu mỏ, bên cạnh những tài nguyên quý giá khác như vàng, bạch kim và kim cương, tạo nên nguồn thu khổng lồ cho các chính phủ châu Phi, bên các những lợi ích về phát triển xã hội. Mạng lưới đường bộ được mở rộng, các dịch vụ công được cải thiện để làm lợi cho những dự án khai thác dầu. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu người dân châu Phi được hưởng bao nhiêu từ những nguồn thu do tài nguyên của chính họ đem lại?

Thậm chí ngay cả đối với những dự án khai thác dầu tại châu Phi có sự tham gia của những công ty đa quốc gia minh bạch nhất thế giới, sự rõ ràng và trong sạch về số liệu tài chính mà dư luận được chứng kiến cũng vô cùng ít ỏi. Những người bình thường hiếm khi biết được có bao nhiêu tiền đã đi vào nguồn thu công của chính phủ, và bao nhiêu trong số đó đi vào túi các vị quan chức.

Theo kết quả giám sát của một số tổ chức phi chính phủ, nạn tham nhũng tại châu Phi đang ngày càng nghiệm trọng. Hầu hết các vị bộ trưởng tại đây được trang bị xe limousine hạng sang, trong khi các con đường mới xây dựng đem lại hiệu quả sử dụng tối thiểu còn nhiều bệnh viện xây mới thì gần như không có bóng nhân viên, mặc dù nhu cầu chữa bệnh của người dân thì vẫn ngày một lớn.

Kết quả là, sự thất vọng và phẫn nộ của người dân gây ra tình trạng bạo động. Tại Angola – nước sản xuất dầu lớn thứ 2 châu Phi, nhiều vụ tàn sát đẫm máu giữa các phiến quân và chính phủ liên tục diễn ra xuất phát từ yêu cầu phải có một sự phân phối công bằng hơn đối với doanh thu từ các dự án dầu mỏ.

Còn tại Nam Phi, người ta nhận ra sự rối loạn trong xã hội đang bước vào giai đoạn tồi tệ nhất kể từ thời kỳ phân biệt chủng tộc Apacthai cách đây gần 7 thập kỷ. Tranh chấp về dầu thậm chí đẩy một phần châu Phi rơi vào chiến tranh, ví dụ cuộc nội chiến tại Sudan kéo dài từ 2005 đến nay.

Mang lá cờ tự do dân chủ và dân quyền tới châu Phi, các công ty và chính phủ phương Tây buộc phải đối mặt với thách thức là làm thế nào để giúp cải thiện đời sống của dân chúng tại lục địa nghèo đói nhất thế giới.

Một thập kỷ trước, thủ tướng Anh Tony Blair đã từng đưa ra sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng, 36 chính phủ châu Phi đồng ý, cam kết công bố thông tin chi tiết thu chi của các công ty khai thác dầu mỏ. Tuy nhiên, kế hoạch đó chỉ là hình thức, bởi nó dựa trên sự tự nguyện, điều chẳng thể trói buộc bất cứ chính phủ nào với trách nhiệm công bố thông tin.

Giờ đây, phương án mới của Mỹ là thông qua Ủy ban chứng khoán liên bang đưa ra một bộ quy tắc yêu cầu 1.100 công ty khai thác tài nguyên niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ công bố tất cả các khoản tiền thanh toán cho những chính phủ nước ngoài trị giá trên 100.000 USD. Học tập Mỹ, liên minh châu Âu cũng đang lên kế hoạch áp dụng một bộ quy tắc tương tự.

Tuy nhiên, phương án này cũng không thể duy trì lâu dài bởi nó bộc lộ những hạn chế lớn. Theo lập luận của các nhà phân tích, việc tiết lộ chi tiết của các thỏa thuận sẽ cung cấp bí mật cho đối thủ cạnh tranh, hơn nữa điều này trở nên bất công bằng khi các công ty không thuộc phương Tây, đặc biệt là đến từ Trung Quốc, sẽ có lợi thế lớn bởi không chịu sự giám sát tương tự.

Tóm lại, dù thế giới đã bước sang thế kỷ thứ 21 được 12 năm, nét chấm phá tại châu lục đen vẫn là nạn đói tiếp tục bùng nổ, đa số người dân sống dưới mức nghèo khổ bất chấp họ đang sống trên một núi tài nguyên.


Hồng Liên

Theo TTVN/Economist

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Vì sao Nam Phi ban lệnh cấm người Việt săn tê giác?
  • Châu Phi trở thành điểm đầu tư hấp dẫn
  • Các nền kinh tế châu Phi “thấm đòn” từ cơn dư chấn khủng hoảng