Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thời đại thông tin - Phần 3

Trong 2 bài trước, chúng tôi đã trình bày sơ lược lịch sử và sự quan trọng của thông tin. Chúng tôi cũng đã nói đến sự phát triển của mạng lưới Internet, một công cụ đã giúp cho hầu như bất cứ ai có một máy điện toán đều có thể chia sẻ những lợi ích của điều được gọi là Thời đại Thông tin.

Các công trình nghiên cứu cho thấy mạng lưới toàn cầu được giới trẻ yêu thích đặc biệt. Vì vậy, các trường đại học và cao đẳng đang chú ý đến những tiến bộ có thể thực hiện được trong việc học tập bằng cách sử dụng công nghệ giảng dạy dựa vào mạng lưới này. Ví dụ, Trường Đại học George Mason ở Thành phố Fairfax thuộc Bang Virginia của Hoa Kỳ huấn luyện cho các giáo sư của trường về công nghệ giảng dạy. Các giáo sư được học cách dùng những công cụ mới nhất của mạng lưới toàn cầu để nâng cao chất lượng lớp học.

Ông Rick Reo là một chuyên viên thiết kế công nghệ giảng dạy tại Đại học George Mason. Ông nói rằng nghề sư phạm đã bước vào thời kỳ Web 2 chấm 0. Ông giải thích, Web 2 chấm 0 là một thuật ngữ tiếp thị xác định sự đổi mới của mạng lưới toàn cầu từ khi thế kỷ 21 bắt đầu. Theo ông, bất cứ một công cụ nào được mạng lưới toàn cầu hỗ trợ mà có tính cách đáng chú ý, hữu ích, dễ học và miễn phí thì đều thuộc thế hệ Web 2 chấm 0.

Dịch vụ liên mạng xã hội là một công cụ như thế. Đây là một trang web giúp người ta tìm kiếm những người có cùng sở thích, tạo bản sắc cá nhân, trao đổi thông tin và cùng làm việc với nhau. Facebook và MySpace là hai trang Web liên mạng xã hội rất phổ biến ở Hoa Kỳ và trên thế giới.

Educause là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ việc sử dụng công nghệ thông tin trong lãnh vực giáo dục. Nhóm này nói rằng có tới 90 phần trăm sinh viên đại học Mỹ đã lập các trang Web Facebook. Các trang Web liên mạng xã hội cũng cung cấp một phương cách để tiếp cận với sinh viên bên ngoài lớp học. Chuyên viên thiết kế công nghệ giảng dạy Rick Reo nói rằng các sinh viên dùng Facebook hoặc MySpace thường xuyên ngang với việc mở hộp thư email của trường đại học của họ.

Đánh dấu địa chỉ Internet xã hội là một công nghệ thuộc thế hệ Web 2 chấm 0. Các giáo sư có thể dùng công nghệ này trong việc nghiên cứu riêng, nhưng nó cũng là một công cụ hữu ích trong lớp học. Khi quý vị lưu trữ địa chỉ một trang Web mà quý vị muốn vào xem lại trên máy điện toán của quý vị, quý vị đã đánh dấu địa chỉ này. Việc đánh dấu địa chỉ Internet xã hội cho phép người sử dụng lưu trữ nhiều địa chỉ được sưu tập để dùng riêng hoặc chia sẻ với người khác.

Khi quý vị đánh dấu một địa chỉ trang Web, quý vị cũng dùng một từ có tính cách mô tả để đặt cho nó một cái tên. Ví dụ, quý vị có đặt cho địa chỉ trang Web voatiếngviệt.com những cái tên như thông tin, tin tức, học, dạy, v.v. Tên địa chỉ giúp người sử dụng tổ chức, sắp xếp các địa chỉ trang Web một cách có hệ thống. Người sử dụng cũng có thể thấy được có bao nhiêu người đã dùng cái tên địa chỉ đó và có thể truy tìm tất cả các nguồn thông tin đã được đặt cho cái tên đó.

Chuyên viên thiết kế công nghệ giảng dạy Rick Reo nói rằng việc đánh dấu địa chỉ Internet xã hội đặc biệt hữu ích trong việc tạo ra một bộ sưu tập những nguồn thông tin để chia sẻ với những người khác. Ví dụ, một giáo sư môn sinh học có thể yêu cầu sinh viên của mình đánh dấu những địa chỉ trang Web nói về cây cối và bông hoa. Các sinh viên sẽ cùng làm việc với nhau để lập ra danh sách các địa chỉ này. Khi làm xong, các sinh viên sẽ có một nhóm những nguồn thông tin để giúp họ hoàn thành công việc nghiên cứu, học tập của họ.

Podcasting cũng là một công nghệ giảng dạy rất phổ thông. Từ podcasting này được tạo ra căn cứ vào cái tên của máy nghe nhạc iPod rất phổ biến của công ty Apple. iPod là máy nghe nhạc kỹ thuật số nhỏ cho phép người sử dụng nạp thẳng âm nhạc từ máy điện toán để nghe lại về sau.

Thuật ngữ podcasting ngày nay không còn chỉ liên hệ duy nhất với máy iPod, mà còn bao hàm bất cứ một kết hợp nào của các phần mềm và phần cứng khác nhau giúp người sử dụng nạp xuống những tệp âm thanh và điều khiển khi nghe lại những âm thanh đó. Bất cứ ai có một máy điện toán hiện đại đều có thể tạo ra, cung cấp và nạp xuống một chương trình podcast từ mạng Internet.

Podcasting cũng tạo thêm tính cách di động cho công tác giáo dục. Bằng phương pháp này, các thầy giáo có thể làm cung cấp các bài giảng cho những học sinh vắng mặt. Các chương trình podcast cũng cho phép học sinh-sinh viên nghe được ý kiến của các chuyên gia khác không phải là thầy dạy mình.


Chuyên viên thiết kế công nghệ giảng dạy Rick Reo nói rằng Trường Đại Học George Mason là một trong số nhiều cơ sở giáo dục được gọi là “Đại học iTunes” trên thế giới. Công ty Apple đã cho phép các trường đại học sử dụng cửa hàng iTunes của họ trên mạng Internet. Các chương trình Podcast do các trường học tạo ra được lưu trữ trong các máy phục vụ của công ty Apple. Bất cứ ai cũng có thể nạp xuống các tư liệu giáo dục miễn phí từ cửa hàng iTunes của Công ty này. Các đại học Stanford, Yale, Duke và Viện Công nghệ Massachusetts-tức MIT-là những cơ sở giáo dục khác cung cấp các tư liệu bằng âm thanh hay hình ảnh cho mọi người nạp xuống miễn phí.

Các chương trình podcast được nạp vào máy điện toán bằng một công nghệ được gọi là RSS. Nhiều người tạo thông tin trên mạng Internet cung cấp những thông tin đó một cách trực tiếp đến những người sử dụng công nghệ RSS. Trong ví dụ về vị giáo sư sinh học đã nêu trong một đoạn trước, giáo sư này có thể yêu cầu sinh viên của mình đăng ký để nhận các thông tin được cung cấp bằng công nghệ RSS bởi năm trang Web khoa học rất phổ thông. Để nhận được những thông tin này, các sinh viên cần đăng ký để nạp xuống một bộ đọc RSS miễn phí, tiếng Anh gọi là reader hay aggregator. Các công cụ truy tìm như Google và MyYahoo đều cung cấp các bộ đọc miễn phí.

Một khi các sinh viên đã đăng ký để có bộ đọc RSS, bộ đọc này phải được nối kết với những trang Web khoa học mà học ưa thích. Việc nối kết này được gọi là thuê bao. Đây là một công việc dễ làm; sinh viên chỉ việc tìm dấu hiệu RSS trên trang Web.

Công nghệ RSS giúp người sử dụng truy cập được những tư liệu mới trên các trang Web mà họ chú ý. Chương trình phát thanh bằng Anh ngữ đọc chậm của đài VOA cũng cung cấp các thông tin và tư liệu qua RSS. Muốn nhận được các thông tin này, xin quý vị vào địa chỉ voaspecialenglish.com, và http://www.voanews.com/vietnamese/rss.cfm của Ban Việt Ngữ.

Wiki - hay còn được gọi là công trình mở, cũng đã trở thành một công nghệ Web 2.0 phổ biến trong việc giáo dục. Chúng ta hãy quay lại với lớp học về sinh học của chúng ta. Giả sử vị giáo sư của lớp học quyết định đưa các sinh viên đi dã ngoại để thu thập cây cỏ và bông hoa. Trong trường hợp này, các sinh viên cần làm việc chung với nhau để quyết định phải mang theo những gì trong chuyến đi dã ngoại này. Ở đây, một wiki có thể giúp ích được cho họ. Wiki là một trang Web mà bất cứ ai cũng có thể tạo ra, biên tập hay thay đổi thông tin được thu thập trên trang này. Âm thanh, video và hình ảnh cũng có thể được thêm vào một wiki.

Wiki phổ thông nhất trên Internet là Wikipedia. Đây là một bách khoa toàn thư thông tin miễn phí về nhân vật, nơi chốn, sự vật, sự kiện và ý tưởng mà bất cứ ai cũng có thể viết, bổ chính, hay biên tập. Wikipedia được đưa lên mạng lần đầu tiên năm 2001. Ngày nay, trang Web này có trên 10 triệu bài viết bằng hơn 250 thứ tiếng. Trong số này có hơn 2 triệu bài bằng tiếng Anh. Mỗi bài được nối kết với những bài khác của Wikipedia hay của các trang Web khác.

Educause, một hiệp hội bất vụ lợi ở Hoa Kỳ chủ trương thăng tiến giáo dục đại học bằng cách thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin một cách thông minh, loan tin rằng Wikipedia là trang Web có nhiều độc giả vào hàng thứ 8 ở nước Mỹ. Các sinh viên đại học dùng nó làm công cụ nghiên cứu chủ yếu. Nhưng nó đã bị nhiều cơ sở giáo dục phê phán, bởi vì có thể có người đưa những thông tin sai lạc vào Wikipedia. Ví dụ, Phân khoa lịch sử tại Trường Đại học Middlebury ở Hoa Kỳ đã cấm sinh viên dùng Wikipedia làm công cụ nghiên cứu. Biện pháp này đã được đưa ra sau khi có nhiều sinh viên lập lại một thông tin sai lạc như nhau trích từ một bài viết trên Wikipedia.


Các trường đại học khác đang dùng Wikipedia để dạy cho sinh viên cách viết về một đề tài mà không cần đưa ra một ý kiến cá nhân. Tại Trường Đại học Columbia ở Thành phố New York, các giáo sư đã cho sinh viên viết bài hay biên tập các bài cho Wikipedia để luyện tập cách viết một cách vô tư.

Có lẽ hình thức công nghệ Web 2.0 được nhiều người biết đến nhất là Web log-nhật ký Web - hay gọi tắt là blog, và người viết những nhật ký này được gọi là blogger. Theo tin tức cho biết thì hiện nay có hơn 100 triệu blog trên toàn thế giới. Một blog là một sưu tập những bình luận cá nhân trên mạng và những nối kết với các trang Web khác. Bất cứ ai cũng có thể tạo ra một blog bằng cách dùng những địa chỉ như blogger.com hoặc wordpress.com. Các blogger thường hoạt động chung với nhau trong những cộng đồng nhỏ. Họ đọc nhật ký của nhau, nối kết nhật ký cá nhân với nhau, hay đưa tin về những phát biểu của các blogger khác.

Mỗi nhật ký được đưa lên mạng đều có thể trở thành một cuộc thảo luận thông qua những nhận xét hay bình phẩm của người đọc. Có nhiều loại blog, kể cả blog cá nhân, blog chính trị, và bloc giải trí. Trong giới đại học, các giáo sư dùng blog để truyền đạt ý kiến của mình hay mở một cuộc thảo luận với các nhà giáo dục khác. Sinh viên cũng dùng blog để trình bày ý kiến cá nhân hoặc ý kiến chung của lớp học.

Còn có nhiều cách khác để sử dụng công nghệ thông tin trong lãnh vực giáo dục. Chúng tôi chỉ mới đề cập đến một số ít những phương cách đó trong loạt bài nói về Thời đại Thông tin này. Ví dụ, còn có điều gọi là những thế giới ảo và trò chơi ảo, kỹ thuật xuất bản qua mạng, chia sẻ ảnh chụp v.v. Khi nói đến công nghệ thông tin trong lãnh vực đại học, ông Rick Reo, chuyên viên thiết kế công nghệ giảng dạy tại Đại học George Mason ở Bang Virginia, cho rằng khả năng ứng dụng của nó là vô cùng vô tận.

( Theo VOA )

Bài thuộc chuyên đề: Thời đại thông tin

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Thời đại thông tin - Phần 2
  • Thời đại thông tin ( Phần 1)
  • Úc yêu cầu các ISP vào cuộc bảo vệ nội dung số
  • Intel giới thiệu ổ cứng SSD siêu tốc
  • Hơn 70% doanh nghiệp Việt Nam không có trang web
  • Tạo kết nối USB qua… vải sợi
  • Nokia N79 “rởm” ra đời trước cả hàng xịn
  • Thị trường Việt Nam rất quan trọng với Google
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị