Việc “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010-2020" sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “loạn giá, loạn chất lượng” phân bón như hiện nay.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo nghiên cứu của Khoa Kinh tế Trường Đại học An Giang, nông dân hiện đang phải mua phân bón với giá bị đội từ 30-40% so với giá bán ra của nhà sản xuất. Người nông dân cũng phải chấp nhận mua các sản phẩm phân bón kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước mới chỉ đủ sức quản lý các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón lớn; còn các DN sản xuất phân bón nhỏ lẻ vẫn hoạt động ngoài tầm kiểm soát.
Đánh giá về hiện trạng thị trường phân bón còn nhiều bất cập hiện nay, Cục trưởng Cục Hoá chất Bộ Công Thương Phùng Hà cho biết: Một trong những nguyên nhân là hệ thống phân phối sản phẩm phân bón hiện vẫn phát triển tự phát, với mô hình nhiều tầng nấc. Vì lẽ đó giá phân bón thường không thống nhất mà phụ thuộc vào từng vùng miền.
Thời gian qua, mặc dù Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Phân bón Việt Nam trong việc xây dựng quy hoạch về sản xuất phân bón cũng như tăng cưòng việc quản lý giá cả và chất lượng nhưng trên thực tế, người nông dân vẫn phải “sống chung” với tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là vào dịp cao điểm về nhu cầu phân bón như vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu.
Tại Hội nghị về “Quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phân bón đến 2020” tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, việc Chính phủ ủy quyền cho Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch nói trên sẽ có tác động rất lớn tới thị trường phân bón trong nước, đặc biệt là 2 loại phân bón NPK và phân bón hữu cơ, vốn là những mặt hàng dễ bị làm giả nhất hiện nay.
Cục trưởng Phùng Hà nhận định, sau khi Quy hoạch được phê duyệt, hệ thống phân phối phân bón sẽ phát triển dựa trên các yếu tố: Sự hình thành các vùng kinh tế nông nghiệp, nhu cầu phân bón của từng vùng kinh tế, đặc điểm của hoạt động kinh tế vùng và tập quán mua bán của nông dân...với tiêu chí hệ thống phân phối vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí, đảm bảo cung ứng phân bón chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, để Quy hoạch khi đi vào thực tiễn phát huy được hiệu quả cao nhất, phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón cũng cần phải thay đổi.
Đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT đề xuất: Thống nhất đầu mối quản lý các hoạt động về phân bón từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, tránh chồng chéo giữa các bộ ngành; xây dựng mạng lưới thanh tra chuyên ngành và hệ thống các đơn vị phân tích độc lập ở các vùng miền để kiểm định kịp thời chất lượng phân bón nhằm quản lý hiệu quả chất lượng phân bón trên thị trường.
Với hành lang pháp lý đủ mạnh, cộng với sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, hy vọng thị trường phân bón trong nước sẽ đi đúng quỹ đạo, mang lại lợi ích cho người nông dân cũng như các DN làm ăn chân chính.
Theo Quy hoạch, từ nay đến năm 2015, hệ thống phân phối sản phẩm phân bón sẽ phát triển ở 14 trung tâm phân phối vùng tại Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An, An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang. Từ 2016-2020 sẽ mở rộng hoặc phát triển thêm 8 trung tâm phân phối mặt hàng phân bón. |
(Theo Linh Đan // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com