Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phân định rõ quy trình cấp phép

Hiện tại, các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư trong nước.
 
Mới đây, Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng vốn điều lệ của một doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong Khu kinh tế. Lý do điều chỉnh vốn điều lệ là vì trước đó, DN này đã hoàn tất các thủ tục để thực hiện giai đoạn 2 của dự án tại đây, bao gồm các bước lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, trình duyệt phương án phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở bổ sung, điều chỉnh quy mô của dự án.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cho biết, Ban quản lý đã phải hướng dẫn DN đến làm thủ tục tại Phòng Đăng ký kinh doanh, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi. Cho  dù, nếu thực hiện thủ tục này tại Ban quản lý Khu Kinh tế thì sẽ thuận cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện cơ chế giám sát, hậu kiểm, song hiện Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đã dừng thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Không chỉ riêng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, mà  thông tin từ các các ban quản lý khác cũng cho thấy, hoạt động này đều đã được dừng lại từ ngày 1/6/2010. Nguyên nhân vì Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký DN, ngoài việc quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, đã không đề cập đến thẩm quyền của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế trong việc đăng ký kinh doanh.

Trước đó, khi nhà đầu tư yêu cầu thực hiện đồng thời hai thủ tục đăng ký kinh doanh gắn với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, thì đều được các ban quản lý đáp ứng.

Theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Ban quản lý khu kinh tế (theo quy định của pháp luật hoặc uỷ quyền của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh) có nhiệm vụ cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với trường hợp thành lập tổ chức kinh tế trong khu kinh tế.

Riêng với Khu Kinh tế Dung Quất thì trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ còn có phần cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân thành lập và quản lý DN trong Khu Kinh tế này.

Bên cạnh đó, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cũng được quy định có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, bao gồm các dự án thuộc thẩm quyền; dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Như vậy, vào thời điểm này, nếu như các nhà đầu tư thuộc các diện trên muốn thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì sẽ phải đến Phòng đăng ký kinh doanh, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố, hoặc sẽ phải phân tách làm hai thủ tục riêng biệt. Nghĩa là đăng ký đầu tư tại Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh, thuộc  Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương, nơi đặt địa điểm của khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thông tin từ nhiều địa phương cho thấy, đang có sự lúng túng trong xử lý các tình huống này. Nhiều địa phương chưa biết giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế phần nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho trường hợp này .

Nhiều nhà đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đang chờ đợi sự hướng dẫn thống nhất quy trình thực hiện để đảm bảo thuận lợi, cũng như nguyên tắc một cửa trong cải cách thủ tục hành chính.

(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container