Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính sách phát triển hợp tác xã ở Việt Nam

50 năm qua (1958 - 2008) chủ trương, đường lối và chính sách phát triển hợp tác xã (HTX) của Đảng và Nhà nước ta luôn thống nhất. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử là từng bước đổi mới HTX theo hướng phù hợp với điều kiện khách quan. HTX được phát triển theo các nấc thang, trình độ khác nhau có thăng, trầm trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá chỉ huy, bao cấp kéo dài dẫn tới quan liêu sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nuôi tôm công nghiệp tại Đồ Sơn, Hải Phòng

   

Thành công qua các giai đoạn

Sự phát triển HTX được Nhà nước ta thể chế hoá kịp thời ở các cấp độ luật pháp khác nhau

Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở những chủ trương, đường lối lớn của Đảng, đã khẳng định: kinh tế tập thể do công dân góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức dưới nhiều hình thức trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi. Nhà nước tạo điều kiện để củng cố và mở rộng các HTX hoạt động có hiệu quả. Điều đó là kết quả của một thời gian dài vận động thực tiễn và tổng kết lý luận của Đảng và Nhà nước ta về HTX. Sự khẳng định của Hiến pháp năm 1992 đã tạo đà cho sự đổi mới không ngừng về cơ chế quản lý phát triển HTX của Nhà nước.

Trên cơ sở những điều mà Hiến pháp năm 1992 viết về kinh tế tập thể, ngày 20/3/1996, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 9, Luật HTX được thông qua, mở ra một trang sử mới cho công tác tổ chức, quản lý và phát triển kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng. Luật HTX 1996 ban hành là cơ sở pháp lý bước đầu cho việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới. Theo đó Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản dưới luật như: (1) Nghị định 15/CP ngày 21/1/1997 quy định chính sách khuyến khích phát triển HTX; (2) Nghị định 16CP ngày 21/2/1997 về xử lý công nợ của HTX cũ chuyển đổi sang hoạt động theo luật; và (3) Thông tư số 14 BKH ngày 29/3/1997 của Bộ kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn việc chuyển đổi và đăng ký gia đình HTX. Dưới sự điều chỉnh của hệ thống các luật và văn bản dưới luật trên, quá trình phát triển HTX ở nước ta diễn ra theo hai hình thức sau: chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới và thành lập mới các HTX với chức năng chủ yếu là cung cấp dịch vụ cho hộ xã viên cho cộng đồng và tạo việc làm cho những người lao động dễ bị tổn thương trong cơ chế kinh tế thị trường.

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật HTX sửa đổi đã được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2004. Luật đã có nhiều thay đổi tích cực so với Luật của năm 1996, tạo ra nhiều thuận lợi và thông thoáng hơn cho các HTX phát triển. Theo Luật, HTX có được khung khổ pháp lý hoàn chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường và các chuẩn mực quốc tế.

Phạm vi hoạt động của các HTX đã được mở rộng, không chỉ giới hạn trong ngành nông nghiệp mà đã lan rộng sang các ngành và các lĩnh vực kinh tế khác trong nền kinh tế

Nếu chỉ xét riêng lĩnh vực nông nghiệp, khu vực có nhiều HTX nhất đang hoạt động, thì hầu hết các HTX đã đảm nhiệm nhiều dịch vụ nông nghiệp phục vụ các hộ xã viên và cạnh tranh với các cơ sở dịch vụ khác trên cùng địa bàn. Bên cạnh đó, các HTX đã không chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong nội bộ ngành mà đã mở rộng sang cung cấp dịch vụ tổng hợp cho các xã viên của mình và cho thị trường.

Mở rộng liên kết kinh tế theo cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường

Hầu hết các HTX hiện đại ngày nay đã và đang hình thành những mối liên kết mới mà trước đây chưa có hoặc mới chỉ manh nha xuất hiện trong diện hẹp. Mối liên kết giữa các hộ xã viên với doanh nghiệp nhà nước, với các trang trại và với các hộ xã viên thuộc các HTX khác nhau ngày một mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ. Sự liên kết giữa các HTX với các thành phần khác trong nền kinh tế được xuất phát từ nhu cầu của nền sản xuất hàng hoá, ví dụ tại đồng bằng Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập nhiều HTX nông nghiệp để làm cầu nối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp và các ngành tài chính, ngân hàng.

Các HTX đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội theo hướng tích cực

Nhiều HTX đã phát huy được tinh thần tương thân tương ái trong việc hỗ trợ các hộ xã viên tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Ví dụ các HTX Nga Thanh, Nga Yên (Nga Sơn); Dân Lý, Xuân Thịnh (Triệu Sơn), Thiệu Hưng (Thiệu Hoá) Thanh Hoá; Đình Bảng (Bắc Ninh); An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Tây), Bình Tây (Tiền Giang) đã ứng trước không lấy lãi cho các hộ xã viên nghèo, khó khăn một số vật tư chủ yếu như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, để họ phát triển sản xuất.

Góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động tại khu vực nông thôn, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Cải thiện tình trạng xuống cấp và không ngừng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà trẻ và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác.

Đa dạng hoá các dịch vụ phục vụ cộng đồng người dân nông thôn, phòng chống tệ nạn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao tình làng, nghĩa xóm và tinh thần tương trợ nhau những lúc khó khăn.

Những vấn đề đặt ra

Một là, hầu hết các HTX có quy mô nhỏ, vốn nghèo, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn nhiều yếu kém. Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2001 của Tổng cục Thống kê năm 2003 cho thấy: bình quân 1 HTX có khoảng 641 triệu đồng vốn, trong đó tài sản cố định chiếm 66,4%, vốn lưu động chiếm 33,6%. Tài sản cố định chủ yếu là các công trình thuỷ lợi nhưng đã xuống cấp rất nhiều, vốn lưu động thấp và tồn tại chủ yếu trên sổ sách giấy tờ, còn thực tế là tồn tại ở các khoản nợ. Với thực trạng đó, các HTX rất khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ các hộ xã viên.

Hai là, các HTX thiếu cán bộ có năng lực quản lý và điều hành các hoạt động dịch vụ. Trong nền kinh tế thị trường, nguồn nhân lực cấp cao, nhất là những nhà quản lý, điều hành giỏi không mong muốn làm việc cho các HTX bởi vì chế độ đãi ngộ trong các HTX thấp. Các cán bộ quản lý cũ chưa được đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới của HTX, đã lúng túng trong điều hành, quản lý và phát triển HTX kiểu mới. Bên cạnh đó, các trường đào tạo cán bộ cho các HTX bị giới hạn về phạm vi, thiếu kinh phí hoạt động và đội ngũ giảng viên còn chưa đáp ứng được trong điều kiện mới. Mặt khác, trong bố trí, sắp xếp cán bộ HTX còn mang tính áp đặt từ chính quyền địa phương.

Ba là, sự tồn tại hoạt động của HTX theo vùng địa lý không đồng đều. Hiện nay trong tổng số các HTX nông nghiệp thì có đến 42% nằm tại Đồng bằng sông Hồng, 20% ở vùng Bắc Trung Bộ, và 9% ở Duyên hải Nam Trung bộ, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, số HTX mới thành lập trong 3 năm 2001 - 2003 có tăng nhanh nhưng còn ít và phân bố không đều. Trong khi phong trào phát triển mạnh tại 4 tỉnh là An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Đồng Tháp thì Long An chỉ có 4 HTX nông nghiệp, Cà Mau có 1 HTX...

Bốn là, nhiều HTX nông nghiệp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, hình thức là chủ yếu. Phần lớn các HTX nông nghiệp khi chuyển đổi từ mô hình kiểu cũ sang mô hình kiểu mới chủ yếu chỉ dừng lại ở hình thức, còn nội dung thì chưa thay đổi được nhiều. Một số khác được thành lập theo sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong khi chưa có đầy đủ các điều kiện cần thiết nên chưa phát huy được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế địa phương. Theo cục Thống kê thì có đến 40% số HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, thực chất là tồn tại trên danh nghĩa, giấy tờ.

Năm là, thu nhập của xã viên trong các HTX còn thấp. Các HTX vẫn còn đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kiểu cũ sang mô hình kiểu mới, tập quán sản xuất kinh doanh vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của cơ chế cũ nên chưa năng động, tích cực trong tìm kiếm nguồn thu nhập mới. Điều đó đã hạn chế rất nhiều trong việc nâng cao thu nhập cho HTX nói chung, cán bộ xã viên nói riêng. Đến nay thu nhập bình quân của một cán bộ quản lý HTX kiểu mới ở các tỉnh phía Bắc khoảng 200 - 250 nghìn đồng/người/tháng, đây là mức thu nhập rất thấp nếu chúng ta đem so sánh với các lao động quản lý của doanh nghiệp tại các thành phần kinh tế khác. Thu nhập của lao động xã viên và HTX còn thấp nên tính ưu việt của mô hình HTX kiểu mới còn chưa được thể hiện rõ. Kết quả là HTX gặp nhiều khó khăn trong con đường phát triển của mình.

Giải pháp phát triển trong những năm tới

Đảng ta đã đề ra hệ thống các quan điểm phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới khá đầy đủ và toàn diện tại Hội nghị Trung ương 5 khoá IX:

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực, địa bàn (trừ một số lĩnh vực có quy định riêng); phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm cả thể nhân và pháp nhân, cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn và góp sức lao động trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ.

Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của thành viên, góp phần xoá đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải trên cơ sở quan điểm toàn diện, cả kinh tế - chính trị - xã hội, cả hiệu quả của tập thể và của các thành viên.

Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trong đó coi trọng tâm là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển; gắn với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; không ngừng phát triển sức sản xuất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhà nước ban hành các chính sách trợ giúp kinh tế tập thể trong quá trình xây dựng và phát triển, thông qua việc giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt thông tin, mở rộng thị trường, xây dựng các quỹ hỗ trợ phát triển, giải quyết nợ tồn đọng trước đây, khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng có hiệu quả vốn tập thể trong HTX. Phát huy quá trình của Liên minh HTX Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia kinh tế tập thể, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công tác kiểm tra, kiểm soát của các thành viên, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Phát triển kinh tế tập thể theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực, vì sự phát triển sản xuất, tránh duy ý chí, nóng vội, gò ép, áp đặt; đồng thời không buông lỏng lãnh đạo để mặc cho tình hình phát triển tự phát chậm nắm bắt và đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế hợp tác của nhân dân.

Với hệ thống quan điểm phát triển như trên, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới là:

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 272/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005.

Thứ hai, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế tập thể, đưa kinh tế tập thể cùng kinh tế các thành viên và kinh tế hộ xã viên đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng nền kinh tế, góp phần thực hiện sự nghiệp xoá đói giảm nghèo.

Thứ ba, tạo điều kiện phát triển các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng phù hợp với trình độ phát triển của các ngành, nghề, trên các địa bàn.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình HTX kiểu mới trên cơ sở tổng kết các đơn vị làm tốt để tạo động lực phát triển, tăng sức hấp dẫn của kinh tế tập thể. Đa dạng hoá hình thức sở hữu trong kinh tế tập thể (có sở hữu của pháp nhân, tập thể, thể nhân). Phát triển các loại hình doanh nghiệp trong HTX và các hình thức liên hiệp HTX.

Năm là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; phát huy vai trò của HTX trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã viên; quyết định công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của HTX, liên hiệp HTX và kinh tế xã viên.

Thứ sáu, khuyến khích huy động cổ phần và nguồn vốn của xã viên để không ngừng tăng thêm vốn đầu tư phát triển HTX; tăng tài sản và quỹ không chia. Giải thể hoặc chuyển các HTX không đủ đoàn kết theo quy định của Luật HTX sang các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy định của quy luật.

Thứ bảy, phát triển HTX, nòng cốt của thành phần kinh tế tập thể, phải đồng bộ, gắn kết với các thành phần kinh tế khác. HTX phải vận hành theo cơ chế thị trường, thực sự là chủ thể kinh tế tự chủ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
    

(PGS. TS Nguyễn Đình Kháng - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cứu "đói" vốn cho DN vừa và nhỏ
  • Sẽ hỗ trợ phát triển cho DNNVV
  • Giành đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp lớn
  • Chủ trang trại, HTX có thể vay 500 triệu đồng
  • “Mỗi làng một sản phẩm” từ kinh nghiệm Nhật Bản
  • Chính sách phát triển hợp tác xã ở Việt Nam
  • Hà Nội: Hơn 22,5 tỷ đồng cấp bù kinh phí miễn TLP cho các HTX nông nghiệp
  • Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Bàn về hệ thống TK kế toán hiện hành áp dụng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Kế toán tại DNNVV: Đối phó và hệ lụy
  • Các hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh
  • Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp An Giang: Giới thiệu hệ thống phân phối
  • Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp An Giang mở ra hướng làm ăn mới
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nên hợp tác hơn nữa
  • Xây dựng và phát triển các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh mạnh