Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI Phạm Gia Túc tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ |
Chúng tôi đến New Delhi vào cuối tháng hai – thời điểm đẹp nhất trong năm, trong chương trình “những ngày Việt Nam Ấn Độ”. Sự hội ngộ văn hóa và tư tưởng, sự gặp gỡ của những ý tưởng hợp tác mới mẻ… dường như nuôi dưỡng những cảm nhận tỉnh thức trong mỗi chúng tôi. Đến Ấn như một cơ duyên nơi đất Phật.
Trước khi đến đây, tôi đã được một quan chức của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - người đã sang công tác không dưới chục lần - bật mí về tính cách người Ấn "Chậm rãi, từ tốn” đúng hơn là đủng đà đủng đỉnh. Vì vậy làm việc với họ phải hết sức kiên nhẫn. Anh nháy mắt bảo có một câu đùa vui về họ thế này "oăn mi nút (một phút) - mất hút cả ngày". Câu nói đùa ấy khiến tôi khi ngồi xe từ sân bay về khách sạn Niko cứ lẩm bẩm và phì cười một mình.
Cơ hội gặp gỡ
Diễn đàn đầu tiên "Thương mại và du lịch Việt Nam - Ấn Độ" được tổ chức ngay tại hội trường của Phòng Thương mại Ấn Độ (FICCI). Phòng được thành lập từ năm 1958, trước VCCI của Việt Nam tới 5 năm nhưng quy mô khiêm tốn hơn nhiều. Doanh nghiệp Ấn Độ đến khá đông, chật cả hội trường. Rất ít nữ doanh nhân Ấn Độ. Phụ nữ Ấn hình như tham gia không nhiều công việc xã hội như phụ nữ Việt Nam. Đến một số cửa hàng tôi chỉ gặp toàn đàn ông bán. Họ nhiệt tình, khéo léo và ra sức lấy lòng khách. Chị em bán hàng ở ba mươi sáu phố phường Hà Nội cũng phải chào thua thái độ mềm mỏng và tinh thần phục vụ của đàn ông Ấn. Nhưng có một điều thú vị, cả hai Diễn đàn doanh nghiệp do VCCI cùng FICCI và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức, đại diện phía bạn đều do hai phụ nữ tham gia chủ trì: Tiến sĩ Manju Kprakar - Phó Tổng thư ký FICCI và bà Preceet Kaus - Quốc vụ khanh Ấn Độ. Họ khiến diễn đàn trở nên nồng ấm thân mật hơn bởi những lời cám ơn chân tình và sự đánh giá hết sức tốt đẹp dành cho VCCI và đất nước Việt Nam.
Phần gặp gỡ giữa giới doanh nhân hai nước "giới giữ vai trò quyết định trong trụ cột hợp tác kinh tế" (như lời Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá) diễn ra đầy sôi nổi và hào hứng. Ông Prof Prabir - đại diện cho Viện kỹ thuật Thời trang NiFT gặp gỡ bàn bạc về vấn đề đào tạo nhân lực với Tổng Giám đốc Công ty Dệt Thái Tuấn - ông Thái Tuấn Chí. Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn gặp đối tác để bàn thảo việc liên kết đưa các tour du lịch đến Ấn Độ. Ông Indronil Senguta - đại diện TaTa chia sẻ thông tin về việc xuất khẩu ôtô NaNo nổi tiếng sang thị trường Châu Âu và ASEAN hai năm tới khiến giám đốc Công ty cổ phần xe máy Hà Nội Nguyễn Thị Dung đầy phấn khích tìm gặp ngay... Cơ hội hợp tác được mở ra trong nhiều lĩnh vực với thuận lợi cơ bản là mối quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, không gian hợp tác giữa hai bên mở rộng hơn... Không hẹn mà cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và bà Quốc vụ khanh Ấn Độ cùng đưa ra lời kêu gọi doanh nghiệp hai nước hãy nhanh chóng tìm đến và liên kết cùng nhau, thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư vượt qua con số 2 tỷ USD năm 2009 vừa qua.
Và sự giao thoa từ tâm tưởng
Ở Ấn Độ khoảng cách giàu nghèo hiện ra rất rõ ràng, một trời một vực. Nhưng những người nông dân ngồi trước căn nhà tồi tàn tường xếp bằng những bãi phân trâu bò khô với những con trâu bò buộc ngay hông nhà, trên gương mặt họ đầy vẻ bình thản vô ưu. "Đàn ông không uống rượu, ra đường không bao giờ có cảnh xô xát đánh cãi nhau..." - anh Hải Anh người đã từng ở Ấn Độ lâu năm cho chúng tôi biết. Cuộc sống dường như trôi chậm lại ở đây. Đường từ Patna lên Bodh Gaya có hơn hai trăm cây số, nếu ở Việt Nam, từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ vèo một cái là đến nơi, đằng này xe phải chạy lượt đi tới 6 tiếng và lượt về nhanh hơn cũng mất 4 tiếng. Chốc chốc xe phải dừng vì tàu hỏa, vì một vài con bò, vì những chiếc xe kéo... Ngày xưa thầy trò Đường Tam Tạng từ Tràng An sang Tây Trúc thỉnh kinh mất tới 6 năm, giờ có vài tiếng đồng hồ nào có mùi mẽ gì! Chỉ cần nhìn thấy ngôi chùa đá tựa vào cây bồ đề mà xưa kia Phật Tổ ngồi thiền dưới gốc và đắc đạo, nghe tiếng kinh tụng khoan nhặt, ấm trầm thì bao lo toan buồn phiền trần tục như được gột đi bằng hết. Chúng tôi bước an lành đủ 9 vòng quanh chùa và cây bồ đề huyền thoại cầu mong sự bình an. Có những Phật tử thành tâm dập đầu quỳ lết từ cổng vào. Tôi nhận ra nhiều Phật tử tóc vàng da trắng nghiêm cẩn làm lễ. Sư thầy chỉ cho chúng tôi một vài người Việt, người Thái, người Hoa và cả người Âu đã quỳ lạy trước chùa mấy ngày hôm nay. Đức tin của họ quả là lớn. "Không chỉ là những bà mẹ mà chính những điều thiện và những điều tốt đẹp nhất trên thế gian đã sinh ra Đức Phật và những vị chân sư" - sư thầy nói.
Trả lời cho thắc mắc của tôi về việc là đất Phật nhưng tỉ lệ theo đạo Phật của người Ấn thấp nhất so với các tôn giáo khác, sư thày triết lý: "Đèn sáng ở xung quanh chứ không sáng ngay dưới đế đèn"! Tôi nhặt được hai chiếc lá bồ đề may mắn của cây bồ đề huyền thoại ấy. Xung quanh gốc cây không ít nhà sư trẻ vừa chắp tay niệm Phật vừa chực chờ lá rụng vào người cầu phúc lành và nhặt lá bán cho khách thập phương!
“Phải có duyên lắm mới đến được đất Phật” - sư thày Huyền Diệu - người nổi tiếng với việc xây hai ngôi chùa Việt Nam tại Ấn Độ và Napan, đón chúng tôi ở "Việt Nam Phật quốc tự" bằng câu nói ấy. Thật xúc động khi nhìn thấy ở nơi xa xôi này hình chữ S đắp nổi ngay cổng chùa, thấy tre, thấy trúc, thấy cả mái gianh lấp ló dưới tán cây. Chúng tôi có cả một đêm ngắm trăng, thưởng trà, đốt pháo bông trên sân thượng căn nhà khách trong chùa. Một bữa cơm chay đạm bạc, một sớm tinh mơ đón mặt trời lên. Yên lặng và thả cho lòng mình hoàn toàn chùng xuống. Sương sớm lành lạnh, không khí thơm lành, cánh đồng hoa cải như rộng ra, mặt trời khẽ khàng nhô lên một chấm đỏ mờ rồi to dần, rõ dần... Bên tôi, anh Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sovico Holdings - một doanh nhân trẻ thành đạt thì thầm: "Lâu quá rồi quên mất một sớm mai thế này".
Vâng. Chẳng cứ gì Hùng, ngay cả tôi và rất nhiều người nữa, chúng ta quên rằng cuộc sống còn có những sớm mai tinh khôi mà ta đối diện với mặt trời và thầm cảm ơn sự may mắn đã đưa ta đến với cuộc đời này!
(Theo Thùy Dương // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com