Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược nền kinh tế Mỹ (9): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 2: Các chiến lược thị trường

Các chiến lược thị trường

Trong hầu hết thế kỷ XX, các nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu hơn là vào những hình thức đầu tư tài chính khác - với điều kiện là họ sẵn sàng giữ cổ phiếu trong dài hạn.

Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể luôn thay đổi, và các nhà đầu tư không kiên nhẫn rất dễ bị thiệt hại khi bán chúng trong giai đoạn thị trường đi xuống. Ví dụ, Peter Lynch, một cựu giám đốc nổi tiếng của một trong những quỹ tín dụng lớn nhất Hoa Kỳ, năm 1998 đã nói rằng các cổ phiếu Hoa Kỳ bị mất giá trị tới 20 năm trong vòng 72 năm qua. Theo ý kiến của Lynch, các nhà đầu tư đã phải chờ đợi 15 năm sau khi thị trường chứng khoán đổ vỡ năm 1929 để thấy các cổ phiếu mình đang giữ lấy lại được giá trị đã mất. Nhưng những người giữ cổ phiếu 20 năm hoặc lâu hơn thì không bao giờ bị lỗ. Trong một báo cáo phân tích được chuẩn bị cho Quốc hội Hoa Kỳ, Văn phòng kế toán tổng hợp liên bang đã nói rằng trong giai đoạn 20 năm xấu nhất kể từ năm 1926, giá cổ phiếu tăng 3%. Trong hai thập kỷ thuận lợi nhất, chúng tăng tới 17%. Ngược lại, thu nhập từ trái phiếu, một hình thức đầu tư phổ biến giống như cổ phiếu, trong 20 năm chỉ dao động trong khoảng từ 1% đến 10%.

Từ những phân tích tương tự như vậy, các nhà kinh tế kết luận rằng những nhà đầu tư nhỏ làm ăn tốt nhất nếu họ đặt tiền của mình vào một danh mục đầu tư đa dạng các cổ phiếu và giữ chúng trong một thời gian dài. Nhưng một số nhà đầu tư lại sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong ngắn hạn. Và họ trang bị một loạt các chiến lược để thực hiện điều đó.

Mua có trả trước tiền bảo chứng. Người Mỹ thường mua chịu nhiều thứ, và cổ phiếu không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhà đầu tư có đủ khả năng có thể mua “có trả trước tiền bảo chứng”, tức là mua cổ phiếu bằng cách thanh toán ngay 50% và nợ người môi giới phần còn lại. Nếu giá cổ phiếu mua theo hình thức này tăng, nhà đầu tư đó có thể bán cổ phiếu rồi thanh toán cho người môi giới khoản nợ này cộng với lãi suất và tiền hoa hồng, số còn lại là lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu giảm, người môi giới đưa ra thông báo “bổ sung tiền bảo chứng”, buộc nhà đầu tư phải trả thêm tiền vào tài khoản của họ sao cho số tiền cho vay của họ không vượt quá một nửa giá trị cổ phiếu. Nếu chủ sở hữu cổ phiếu không có tiền mặt, người môi giới có thể bán đi một phần cổ phiếu đó - với thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư - để bù đắp cho số nợ trên.

Mua cổ phiếu có trả trước tiền bảo chứng là một hình thức mua bán đầu cơ vay nợ. Nó tạo cho các nhà đầu cơ - là người mua bán sẵn sàng mạo hiểm đánh bạc với những tình huống rủi ro cao - cơ hội để mua nhiều cổ phần hơn. Nếu quyết định đầu tư của họ là đúng đắn thì các nhà đầu cơ thu được lợi nhuận rất lớn, nhưng nếu họ đánh giá sai thị trường thì họ có thể bị thua lỗ rất nặng.

Cục dự trữ liên bang (thường gọi là “Fed”), ngân hàng trung ương của chính phủ Mỹ, đặt ra những yêu cầu về số tiền bảo chứng tối thiểu quy định cụ thể số tiền mặt mà nhà đầu tư phải thanh toán ngay khi mua cổ phiếu. Fed có thể thay đổi các mức tiền bảo chứng. Nếu muốn kích thích thị trường, nó có thể đặt các mức tiền bảo chứng thấp. Nếu thấy cần phải hạn chế việc đầu cơ quá mức, nó đặt các mức tiền bảo chứng cao. Trong một số năm, Fed yêu cầu phải thanh toán đầy đủ 100%, nhưng phần lớn thời gian trong các thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, nó giữ tỷ lệ tiền bảo chứng ở mức 50%.

Bán khống. Một nhóm các nhà đầu cơ khác lại buôn bán cổ phiếu theo một hình thức được gọi là “bán khống”. Họ cho rằng giá của một loại cổ phiếu nào đó sẽ hạ, nên họ bán đi các cổ phiếu vay từ người môi giới với hy vọng kiếm được lợi nhuận từ việc mua lại sau đó các cổ phiếu này với giá thấp hơn ở thị trường mở để thế vào. Trong khi cách thức này mang lại một cơ hội thu lợi nhuận trong thị trường giá hạ, thì nó đồng thời là hình thức buôn bán cổ phiếu mạo hiểm nhất. Nếu người bán khống dự đoán sai, giá cổ phiếu mà anh ta đã bán khống có thể tăng mạnh, thì nhà đầu tư này sẽ bị thua lỗ rất lớn.


Quyền chọn mua và bán cổ phiếu. Có một hình thức đầu cơ khác là bỏ ra một khoản tiền mặt tương đối nhỏ mua một quyền “chọn mua” cho phép mua một loại cổ phiếu cụ thể sau đó với một mức giá gần với giá hiện tại của nó. Nếu giá thị trường tăng, nhà kinh doanh đó có thể thực hiện quyền chọn mua này và thu được lợi nhuận rất lớn khi bán cổ phiếu với giá thị trường cao hơn (khả năng lựa chọn nữa là nhà kinh doanh có thể bán chính ngay quyền chọn mua này, nó sẽ tăng giá trị khi giá của cổ phiếu đã đặt mua tăng lên). Quyền để bán chứng khoán, được gọi là quyền “chọn bán”, hoạt động theo chiều ngược lại; nó cam kết nhà kinh doanh này sau đó sẽ bán một cổ phiếu cụ thể với một mức giá gần với giá hiện tại của nó. Cũng giống như hình thức bán khống, các quyền chọn bán này tạo khả năng cho nhà kinh doanh thu được lợi nhuận từ thị trường giá hạ. Nhưng các nhà đầu tư cũng có thể mất rất nhiều tiền nếu giá cổ phiếu không thay đổi như họ hy vọng.

Hàng hóa và các hợp đồng kỳ hạn khác

Hợp đồng hàng hóa “giao sau” (hợp đồng kỳ hạn) là các hợp đồng mua hoặc bán những hàng hóa nhất định với giá đã định vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai. Thông thường, hợp đồng hàng hóa giao sau ràng buộc với các hàng hóa như lúa mì, gia súc, đồng và vàng, nhưng trong những năm gần đây, ngày càng nhiều hợp đồng hàng hóa giao sau gắn với các loại ngoại tệ cũng như các tài sản tài chính khác. Chúng được buôn bán trên hơn một chục thị trường hàng hóa ở Mỹ, trong đó có các thị trường nổi bật nhất là Sở thương mại Chicago, Thị trường buôn bán Chicago, và một số thị trường khác ở thành phố New York. Chicago là một trung tâm có tính lịch sử của các ngành công nghiệp dựa vào nông nghiệp của Mỹ. Nhìn tổng thể, các hợp đồng hàng hóa giao sau tăng từ 261 triệu hợp đồng năm 1991 lên đến 417 triệu hợp đồng năm 1997.

Các nhà kinh doanh hàng hóa được chia làm hai loại chính: nhà kinh doanh thận trọng và các nhà đầu cơ. Nhà buôn thận trọng bao gồm các hãng kinh doanh, nông dân hoặc các cá nhân, họ ký kết các hợp đồng hàng hóa để bảo đảm có được một loại hàng hoá, hoặc khả năng có thể bán nó, với mức giá bảo đảm trước. Họ sử dụng các hợp đồng giao sau để bảo vệ mình tránh khỏi những dao động không lường trước được của giá hàng hoá. Có hàng ngàn cá nhân, những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, lại buôn bán hàng hóa giao sau như những nhà đầu cơ. Họ bị thu hút vào hoạt động kinh doanh hàng hóa bởi viễn cảnh thu được lợi nhuận rất lớn trên những khoản tiền bảo chứng rất nhỏ (các hợp đồng hàng hóa giao sau, cũng giống như nhiều cổ phiếu, được buôn bán trên cơ sở “có trả trước tiền bảo chứng”, thường chỉ bằng khoảng 10% đến 20% giá trị hợp đồng).

Đầu cơ vào hàng hóa giao sau không dành cho những người không thích mạo hiểm. Các yếu tố không dự đoán trước được như thời tiết có thể ảnh hưởng đến cung và cầu, làm cho giá hàng hóa lên xuống rất đột ngột, tạo ra lợi nhuận hoặc thua lỗ lớn. Trong khi các nhà kinh doanh chuyên nghiệp, những người rất thành thạo trong thị trường hàng hóa giao sau, hầu như thường thu được lợi nhuận trong các hợp đồng giao sau, thì ước tính có khoảng 90% các nhà kinh doanh hàng hóa giao sau nhỏ bị thua lỗ trong thị trường hay thay đổi này.

Các hợp đồng hàng hóa giao sau là một hình thức hàng hóa “dẫn xuất” - công cụ phức tạp để đầu cơ tài chính được ràng buộc với những tài sản cơ bản. Các hàng hóa dẫn xuất tăng nhanh vào những năm 1990, bao gồm một phạm vi rộng các tài sản, trong đó có cả tài sản cầm cố và tỷ lệ lãi suất. Hình thức thương mại đang gia tăng này đã gây chú ý đối với các nhà điều tiết và các nghị sĩ quốc hội sau khi một số ngân hàng, hãng bảo hiểm và cá nhân giàu có bị mất mát rất nhiều tiền trong các quỹ đầu cơ vay nợ cao bị khánh kiệt về tài chính, các quỹ này đã mua hàng hóa dẫn xuất, và trong một số trường hợp còn đăng ký ở bên ngoài nước Mỹ để tránh sự giám sát điều tiết.

Các nhà điều tiết

Ủy ban chứng khoán và hối phiếu (SEC), cơ quan được thành lập vào năm 1934, là nhà điều tiết chủ yếu các thị trường chứng khoán ở Mỹ. Trước năm 1929, các bang tiến hành các hoạt động điều tiết riêng. Nhưng thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, châm ngòi cho cuộc Đại khủng hoảng, cho thấy cách tổ chức này chưa phù hợp. Đạo luật về chứng khoán năm 1933 và tiếp sau đó là Đạo luật về thị trường chứng khoán năm 1934 đã trao cho chính phủ liên bang vai trò nổi bật trong việc bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ tránh khỏi sự lừa gạt và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho họ nắm được các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

ủy ban này đã thực thi hàng loạt luật lệ để đạt được mục tiêu đó. Các công ty khi phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác phải đệ trình báo cáo tài chính chi tiết và sẵn sàng niêm yết trước công chúng. SEC xác định xem liệu các báo cáo công khai này đã đầy đủ và chính xác hay chưa, từ đó các nhà đầu tư có thể đưa ra những đánh giá thực tế và dựa trên thông tin đầy đủ về các loại chứng khoán khác nhau. SEC cũng giám sát việc buôn bán cổ phiếu và xây dựng các qui tắc quản lý để ngăn ngừa mánh khoé vận động giá cả; do mục đích đó, các nhà môi giới và buôn bán trong thị trường ngoài luồng và trong các sở giao dịch chứng khoán phải đăng ký với SEC. Hơn nữa, ủy ban chứng khoán và hối phiếu còn yêu cầu các công ty công bố với công chúng mỗi khi các thành viên ban quản trị công ty mua hoặc bán cổ phiếu của chính công ty mình; ủy ban tin rằng những “người trong cuộc” này luôn nắm các thông tin mật thiết về công ty của họ và việc mua bán của họ có thể cho các nhà đầu tư khác thấy mức độ tin cậy của họ vào tương lai của công ty mình.

ủy ban này cũng tìm cách ngăn cản những người trong cuộc buôn bán cổ phiếu dựa vào các thông tin chưa được công bố cho công chúng. Vào cuối thập kỷ 1980, SEC bắt đầu tập trung vào không chỉ các nhà lãnh đạo hội đồng quản trị và giám đốc mà còn vào cả những người mua bán trong cuộc là nhân viên ở cấp thấp hơn hoặc thậm chí cả những người ngoài cuộc như các luật sư - những người có thể có được thông tin quan trọng về công ty trước khi chúng được đưa ra công chúng.

SEC có năm thành viên được tổng thống chỉ định. Không có quá ba người cùng thuộc một đảng chính trị; nhiệm kỳ 5 năm của mỗi thành viên ủy ban sẽ hết hạn vào mỗi năm.

ủy ban Thương mại hàng hóa giao sau giám sát các thị trường hàng hóa giao sau. Nó đặc biệt sốt sắng trong việc hạn chế các chuyển nhượng hàng hóa giao sau trên các thị trường ngoài luồng, thường là giới hạn các hoạt động buôn bán đã được cấp phép trong các sở giao dịch. Nhưng nhìn chung, nó được coi là một cơ quan điều tiết nhẹ nhàng hơn so với SEC. Ví dụ, năm 1996 nó đã phê chuẩn một danh mục gồm 92 loại hợp đồng giao sau và hợp đồng quyền chọn mua bán trước hàng hóa nông phẩm mới. Đôi khi, một vị chủ tịch SEC đặc biệt hung hăng thường đòi hỏi ủy ban này phải có vai trò tích cực trong nhiệm vụ điều tiết hoạt động kinh doanh hàng hóa giao sau.

"Ngày thứ hai đen tối" và thị trường giá lên kéo dài

Vào thứ hai ngày 19 tháng 10 năm 1987, giá trị các cổ phiếu tụt xuống trên các thị trường toàn cầu. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 22% vào lúc đóng cửa ở mức 1.738,42 điểm, đây là sự suy giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 1914, thậm chí còn vượt cả sự sụt giảm trong ngày thị trường chứng khoán sụp đổ tháng Mười 1929.

ủy ban Brady (một ủy ban thuộc phủ tổng thống được lập ra để điều tra sự suy sụp này), SEC và các cơ quan khác đổ lỗi cho nhiều nhân tố khác nhau gây ra suy sụp năm 1987 - bao gồm chiều hướng tiêu cực trong tâm lý nhà đầu tư, sự lo lắng của nhà đầu tư về thâm hụt ngân sách chính phủ liên bang và thâm hụt cán cân thương mại, sự thất bại của các chuyên gia trên Thị trường chứng khoán New York trong việc thực thi nhiệm vụ của họ là người mua cứu cánh cuối cùng, và “chương trình thương mại điện tử”, trong đó các máy tính được lập trình sẵn để đưa ra các hoạt động mua hoặc bán khối lượng lớn cổ phiếu khi xuất hiện sự lên xuống đột ngột nào đó trên thị trường.

Sau đó, thị trường chứng khoán đã tiến hành các biện pháp bảo vệ. Nó tuyên bố sẽ hạn chế chương trình thương mại điện tử bất cứ khi nào chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) dao động lên xuống 50 điểm trong một ngày, và nó tạo ra một cơ chế “ngắt mạch” để dừng lại tạm thời tất cả các giao dịch thương mại mỗi khi chỉ số DJIA giảm xuống 250 điểm. Những cơ chế khẩn cấp đó sau này đã được điều chỉnh cơ bản để phản ánh sự tăng mạnh về mức độ chỉ số DJIA. Vào cuối năm 1998, có một thay đổi đã yêu cầu hạn chế chương trình thương mại điện tử khi chỉ số DJIA dao động lên xuống 2% trong một ngày so với mức trung bình vào lúc kết thúc phiên giao dịch gần nhất; cuối năm 1999, thể thức này quy định rằng chương trình thương mại điện tử sẽ bị dừng lại khi thị trường thay đổi khoảng 210 điểm. Những quy định mới này cũng đặt ra một ngưỡng cao hơn để dừng tất cả các giao dịch; trong quý tư năm 1999, việc ngừng tất cả các giao dịch có thể xảy ra nếu như có sự rớt xuống ít nhất là 1.050 điểm của chỉ số DJIA.

Những cải cách đó có thể đã giúp khôi phục lại lòng tin, nhưng chính sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế mới là điều quan trọng hơn. Không giống như hoạt động của mình vào năm 1929, Cục dự trữ liên bang đã tuyên bố rõ ràng rằng nó sẽ giảm nhẹ các điều kiện tín dụng để bảo đảm cho nhà đầu tư có thể đáp ứng các thông báo bổ sung tiền bảo chứng của mình và tiếp tục hoạt động. Một phần nhờ vào điều này mà sự suy sụp năm 1987 đã nhanh chóng bị xóa bỏ khi thị trường phát triển lên tầm cao mới. Đầu những năm 1990, chỉ số Dow Jones lên cao nhất là 3.000 điểm, đến năm 1999 nó đạt đến đỉnh với 11.000 điểm. Hơn thế nữa, khối lượng giao dịch tăng lên hết sức mạnh mẽ. Trong khi khối lượng giao dịch với 5 triệu cổ phiếu đã được xem là một ngày đỉnh điểm trên Thị trường chứng khoán New York vào những năm 1960, thì có một số ngày trong năm 1997 và 1998 đã có hơn một tỷ cổ phiếu được trao đổi. Trên thị trường Nasdaq năm 1998, những ngày có số cổ phiếu được giao dịch nhiều như vậy đã trở thành thường xuyên.

Hoạt động thị trường gia tăng này phần lớn được tạo ra bởi các nhà giao dịch ngày, những người thường mua và bán nhiều lần cùng một loại cổ phiếu trong một ngày với hy vọng thu được lợi nhuận nhanh chóng từ những dao động ngắn hạn. Các nhà giao dịch này nằm trong nhóm ngày càng đông những người sử dụng Internet để tiến hành mua bán. Vào đầu năm 1999, 13% tổng số các giao dịch chứng khoán do cá nhân tiến hành và 25% số giao dịch cá nhân về các loại chứng khoán được thực hiện qua Internet.

Khối lượng giao dịch càng lớn càng dễ dẫn đến biến động. Những dao động trên 100 điểm trong một ngày xuất hiện ngày càng thường xuyên, và cơ chế ngắt mạch đã được thực hiện vào ngày 27 tháng Mười 1997 khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tụt 554,26 điểm. Một sự sụt giảm lớn nữa với 512,61 điểm xảy ra vào ngày 31 tháng Tám 1998. Nhưng lúc đó, thị trường đã tăng cao đến mức sự suy giảm tính ra chỉ bằng khoảng 7% tổng giá trị cổ phiếu, và các nhà đầu tư vẫn ở lại trên thị trường được hồi phục nhanh chóng sau đó.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (1): Tính liên tục và thay đổi
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (2): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 1: Những nhân tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (3): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 2: Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (4): Lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 1: Thuộc địa hóa và phát triển
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (5): Tóm lược lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 2: Nền kinh tế qua các giai đoạn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (6): Doanh nghiệp nhỏ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (7): Các tập đoàn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (8): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 1: Sở giao dịch chứng khoán
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (9): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 2: Các chiến lược thị trường
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (10): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 1: Chính sách tự do và sự can thiệp của chính phủ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (11): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 2
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (12): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 1: Ngân sách, thuế và ổn định nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (13): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 2: Tiền tệ trong nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (14): Ngành nông nghiệp Mỹ: Tầm quan trọng đang thay đổi - Phần 1: Chính sách
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (15): Lao động ở Mỹ: Vai trò của người lao động - Phần 1