Sau một thời gian ồ ạt lập sàn giao dịch bất động sản, một tỷ lệ không nhỏ các đơn vị này rơi vào cảnh “chợ chiều” do không có giao dịch.
Cuối tháng 7, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã làm “chấn động” giới kinh doanh bất động sản (BĐS) khi rầm rộ công bố mở sàn giao dịch BĐS mang tên mình tại quận 7, TP HCM.
Cá nhân, công ty đua mở sàn
Ngoài môi giới BĐS trong nước, Nguyễn Phi Hùng còn cam kết sẽ giúp các nhà đầu tư mua, thuê nhà tại Mỹ. Tuy nhiên, tại trang web của công ty nguyenphihung.com, thay vì hình ảnh các dự án BĐS lại là phần lớn hình ảnh của ca sĩ này. Bởi vậy, nhiều người cho rằng, ca sĩ này mở sàn để “PR” cho mình nhiều hơn là kinh doanh BĐS.
Mới đây, Công ty Lilama HSB và Công ty 584 khi triển khai xây dựng dự án chung cư 584 Lilama SHB tại quận Bình Tân, cũng quyết định thành lập hai sàn giao dịch BĐS chỉ để bán những căn hộ tại dự án này. Tuy nhiên, một lãnh đạo của công ty cho biết, hiện dự án mới khởi công nên chắc phải mất mấy tháng nữa mới có hàng để bán. “Trước mắt, đội ngũ nhân viên của sàn sẽ kiếm việc khác để làm”, vị này cho biết.
Hiện, nhiều ngân hàng cũng đang “nhảy” qua lĩnh vực BĐS bằng việc thành lập sàn giao dịch BĐS như Anbinhland (Ngân hàng An Bình), Eximland (Ngân hàng Eximbank), DongAland (Ngân hàng Đông Á)…
Biến tướng để “lách luật”?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, nguyên nhân chính khiến nhiều sàn vắng là do DN mới lập sàn chưa tìm được hàng để phân phối khi thị trường BĐS đang trầm lắng. “Những sàn hoạt động chuyên nghiệp khi vừa môi giới, định giá, xúc tiến đầu tư, có đầy đủ thông tin dữ liệu về giá cả từng khu vực... mới chiếm khoảng một nửa”, ông Châu nhận định.
Còn theo ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc hệ thống sàn ACBR, trên thị trường có hai loại sàn, một loại chuyên cung cấp các giao dịch BĐS, còn loại sàn thứ hai do DN tự lập chỉ để phục vụ các dự án của họ. Đây thực chất là biến tướng hình thức phòng kinh doanh của công ty để lách luật. Một sàn như vậy, chỉ đầu tư khoảng 400 triệu đồng là có thể “chạy” êm, nếu điều hành tốt, có thể thu được nhiều tiền từ dịch vụ môi giới, quảng cáo, tiếp thị…
Cụ thể, tại nhiều sàn giao dịch BĐS, khi nhân viên dẫn khách hàng đi xem căn hộ đều lấy phí hỗ trợ (xăng dầu, điện thoại) của khách hàng từ 50.000 đến 100.000 đồng một lần, bất kể khách có thuê, mua được nhà hay không. Khi khách hàng giao dịch thành công, nhân viên môi giới còn lấy 1 - 2% phí môi giới trên tổng giá trị giao dịch. Ngoài ra, các sàn còn có doanh thu từ các dịch vụ như định giá, tư vấn pháp luật…
Giám đốc một công ty địa ốc tại TP HCM vừa mở sàn giao dịch BĐS tiết lộ, theo Luật kinh doanh BĐS, nếu DN mua bán BĐS thì bắt buộc phải thông qua sàn. Ký gửi tại các sàn phải tốn phí môi giới 1 - 2% trên tổng giá trị căn hộ. “Nếu lập sàn, DN sẽ tận thu được các loại phí trên, ngoài ra còn tạo được công ăn việc làm cho nhân viên kinh doanh”, vị này cho biết.
Hoạt động thoi thóp
Khảo sát của Đất Việt tại các “chợ” địa ốc lớn TP HCM, như trên quận 2, 7, 9…, những sàn ăn nên làm ra trong giai đoạn hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay như ACBR, Hồng Quân, Đất Xanh... Còn một phần không nhỏ đang “thoi thóp” do không có giao dịch.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng văn phòng giao dịch Vinaland Trần Não, quận 2, TP HCM, cho biết, hiện ở khu vực quận 2 có rất nhiều nơi gọi là sàn giao dịch BĐS, nhưng chỉ có khoảng 20 đơn vị là đáp ứng được điều kiện quy định. Ngay tại Sacomreal (Công ty địa ốc của Ngân hàng Sacombank), lãnh đạo hệ thống sàn này cũng vừa phải “gom” một số chi nhánh vì hoạt động không hiệu quả.
Có mặt tại một sàn giao dịch BĐS trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM được khai trương rầm rộ vào cuối tháng 10/2008,, chúng tôi thấy cả buổi sáng hầu như không có bóng dáng khách hàng nào. Ngay cả các nhân viên tại đây cũng vắng lặng, chỉ còn lại một cô tiếp tân. Theo cô này, từ ngày thành lập sàn đến nay hầu như không có giao dịch nên nhân viên đã bỏ đi hết. Hiện công ty chỉ giữ lại mình cô vừa làm tiếp tân, vừa làm nhân viên môi giới.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, hiện trên địa bàn TP HCM có tổng cộng 147 sàn BĐS. Tuy nhiên, số sàn đủ điều kiện được đăng tải trên website là 106 sàn. Như vậy, có thể thấy hiện có 41 sàn đang hoạt động “chui”. |
(Theo // Báo xây dựng )