Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nigeria không muốn phụ thuộc dầu lửa

Là nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi, nhưng Nigeria đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn lực kinh tế. Họ đã cải cách lĩnh vực mỏ để mở cửa cho đầu tư nước ngoài.

Nằm cách thủ đô kinh tế Lagos chừng 900km về phía Đông Nam, nhiều mỏ than ở Enugu, một trong 36 bang của Nigeria, đã được giao cho công ty tư nhân Alconica của Ấn Độ khai thác. Theo dõi các công nhân làm việc, giám đốc Rajendra Bhargava hài lòng: “Chúng tôi kinh doanh rất tốt ở Nigeria!” Các xe tải chở than khai thác được từ đây thẳng hướng cảng Harcourt, phía Nam đất nước, nơi than sẽ được chuyển sang Trung Quốc để sản xuất điện.

Không khí làm việc hăng say cũng phổ biến ở nhiều khu mỏ khác trên cả nước Nigeria. Được giao vào tay tư nhân từ năm 1999, ngành khai thác mỏ đã tăng mạnh từ tháng 5/2009, sau khi ban hành đạo luật tái cấu trúc lĩnh vực mỏ, loại bỏ các khu mỏ bất hợp pháp.

Bên cạnh các công ty tư nhân trong nước, nhiều công ty đa quốc gia (Mỹ, Anh, đặc biệt cả Trung Quốc và Ấn Độ) cũng được phép khai thác lòng đất Nigeria, nơi có 32 loại mỏ tự nhiên, từ mỏ kẽm, bitum, đến mỏ sắt, vàng…

Còn nhớ, trong những năm 1964 -1998, không một công ty tư nhân nào được tham gia bởi theo luật mỏ của Nigeria, chỉ chính phủ có quyền can thiệp vào lĩnh vực này. Nhưng các công ty nhà nước có liên quan lại quản lý không tốt và mỏ bị khai thác bất hợp pháp tràn lan nên ngành này chỉ đóng góp 0,05% cho GDP cả nước.

Trong thời thuộc địa, công nghiệp khai khoáng từng là một trong những ngành phát triển nhất của châu Phi. Nhưng đạo luật về mỏ, cùng với sự bất ổn chính trị sau cuộc nội chiến (1966-1970) và một loạt các cuộc đảo chính đã làm nhụt chí các nhà đầu tư tư nhân. Mặt khác, sau khi phát hiện những mỏ dầu đầu tiên vào năm 1956, Nigeria đã ưu tiên cho sản xuất dầu thô. Nền kinh tế Nigeria từ đó rất dễ bị tổn thương trước sự lên xuống của giá dầu thế giới.

Ngày nay, bất chấp giá dầu đang ở mức cao, đất nước này quyết định giảm sản lượng dầu quốc gia, vốn đã bị giảm 40% vào tháng 4/2008 vì bạo lực giữa các nhóm vũ trang ở khu vực đồng bằng sông Niger, vựa dầu lớn của đất nước. Đây được coi là một bước đi khá táo bạo đối với đất nước mà 90% nguồn thu ngoại tệ có được nhờ “vàng đen”.

Mục đích của chính quyền Nigeria là rút bài học từ quá khứ, để giảm tính dễ bị tổn thương của một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu dầu, cần phải đa dạng hóa nền kinh tế và tạo ra một khuôn khổ thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Từ năm 1999, cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo đã ban hành Luật Mỏ mới, mở lĩnh vực khai thác mỏ cho các công ty tư nhân và xác định một chế độ thuế ưu đãi cho nhiều nhà đầu tư. Kể từ đó, chính phủ không phát quyền khai thác mỏ nữa, mà là do Mining Cadastre Office (MCO), một cơ quan công quyền độc lập, ra đời từ năm 2006, đảm nhiệm.

Đáng tin và năng động, cơ quan này thúc đẩy các thủ tục ký kết các hợp đồng khai thác hoặc thăm dò. Giải pháp có tính kích thích này được tăng cường nhờ việc ban hành đạo luật về tái cấu trúc lĩnh vực mỏ, đòi hỏi các công ty phải tuân thủ các chuẩn mực môi trường. Khi bị cấm hoạt động, các nhà khai thác bất hợp pháp buộc phải hợp thành một công ty hợp tác xã và tuân thủ các quy định để được tiếp tục kinh doanh mỏ.

Đơn xin khai thác mỏ được gửi tới MCO rất nhiều. Gần 900 công ty địa phương và quốc tế hiện đang hoạt động tại nước này. Theo Bộ Phát triển mỏ, phần đóng góp cho GDP của các quặng cứng đã tăng 10% từ tháng 5/2008 nhờ việc bán quyền khai thác cho tư nhân và tiền thu từ các loại thuế. Dự kiến thu ngân sách trong lĩnh vực này sẽ tăng cao, đạt mục tiêu biến mỏ thành “con gà đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế quốc gia.

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi