Tổng thống Mỹ Barack Obama trọng thể tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm 24.11, tại Nhà Trắng. Các nhà bình luận cho rằng chuyến đi này có sứ mệnh giành lại sự chú ý của Mỹ từ chính trị đến kinh tế.
![]() |
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến Mỹ tìm kiếm sự nồng ấm trong quan hệ Mỹ – Ấn. Ảnh: Reuters |
Suốt thời gian qua, cả ông Singh và ông Obama quá bận rộn với các cuộc đua chính trị trong nước để chiếm ghế nguyên thủ, sau đó lại bận rộn đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, nên không có thời gian nuôi dưỡng mối quan hệ Mỹ – Ấn. Dường như, mối quan hệ Mỹ – Ấn vì thế trở nên nguội lạnh.
Ấn Độ không muốn làm “kẻ thứ ba”
Lâu nay quan hệ Mỹ – Ấn rất tốt đẹp. Bên lề hai hội nghị G-20 gần đây, Tổng thống Obama và Thủ tướng Singh cũng thể hiện một mối quan hệ cá nhân hữu hảo. Vậy mà, mới tuần trước khi công du châu Á, Tổng thống Obama dừng chân ở Trung Quốc với thái độ nhún nhường, nhưng phớt lờ Ấn Độ.
Bà Teresita Schaffer cựu chuyên gia Nam Á của bộ Ngoại giao Mỹ và đại sứ Mỹ tại Sri Lanka giải thích trong bối cảnh đó, cộng thêm sự trỗi dậy của Trung Quốc, và cuộc chiến ở Afghanistan, Pakistan ngày một dai dẳng, giới cầm quyền Ấn Độ lo ngại quan hệ Mỹ – Ấn bị xói mòn. Chưa kể, trong tuyên bố chung, Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có nhắc đến quan hệ căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, khiến Ấn Độ lo ngại trở thành “kẻ thứ ba” trong các vấn đề có liên quan đến sân nhà Nam Á. Nhiều chuyên gia cho rằng, Washington vẫn chưa quyết định sẽ đối xử với Ấn Độ như thế nào. Do đó, ông Singh đến Mỹ để bảo đảm quan hệ hữu hảo Mỹ – Ấn vẫn tốt đẹp và gợi ý cho chính quyền Washington biết Ấn Độ muốn đứng ở đâu trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Hâm nóng túi tiền doanh nhân
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, các đơn hàng của Mỹ đặt cho các công ty gia công của Ấn Độ giảm hẳn. Bị ảnh hưởng nặng nhất là các công ty may mặc của Ấn Độ, nơi thu hút lao động nhiều nhất nước này. Cuộc khủng hoảng buộc các công ty này sa thải ít nhất nửa triệu công nhân và tìm hướng xuất khẩu khác, ngoài Mỹ.
Trước nay, mối quan hệ kinh tế Mỹ – Ấn rất nồng ấm. Mỹ là đối tác trao đổi thương mại và là nguồn đầu tư lớn nhất của Ấn Độ. Số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy quan hệ thương mại Mỹ – Ấn chỉ đạt 5 tỉ USD vào năm 1990 nhưng đã tăng lên 14 tỉ USD vào năm 2000. Đến năm 2008, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 50 tỉ USD.
Kể từ khi ông Obama nắm giữ chìa khoá Nhà Trắng, New Delhi lo ngại mối quan hệ thương mại nồng ấm sẽ lạnh nhạt dần, vì trong khi tranh cử, ông Obama nhiều lần chỉ trích cựu Tổng thống Bush để việc làm chảy ra nước ngoài, và hăm he sẽ đánh thuế các công ty Mỹ chia việc ra nước ngoài gia công. Trong khi đó, các công ty Ấn Độ vốn nổi tiếng với khả năng gia công (outsourcing) lại hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ buộc các công ty Mỹ gắn bó với ngành outsourcing ở Ấn Độ để cắt giảm chi phí.
Các tập đoàn Mỹ vẫn muốn giữ chân các công ty Ấn Độ và nhắm vào thị trường Ấn Độ, nhất là phân khúc trung lưu trở lên. Trong vài năm qua, các tập đoàn lớn của Mỹ mở rất nhiều cửa hàng bán hàng cao cấp ở Ấn Độ, bởi tầng lớp trung lưu có nhiều tiền sẵn sàng chi tiêu đang ngày một đông hơn. Tầng lớp này có nhu cầu tiêu dùng hàng hoá có cùng chất lượng và dịch vụ ở các nước phương Tây. Chưa kể, Ấn Độ còn có một thị trường “đang lớn” có nhu cầu tiêu dùng rất cao. Không bao lâu nữa Ấn Độ có hơn một nửa dân số dưới tuổi 25. Đây là cơ hội béo bở cho các tập đoàn bảo hiểm lớn của Mỹ.
Đó là lý do thứ hai khiến ông Singh đến Mỹ lần này. Ông phải bảo đảm các cơ hội làm ăn nói trên không vuột khỏi tầm tay của giới doanh nhân Ấn.
(Theo Ngọc Danh/Reuters, BBC/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com