Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được đều chỉnh lên ngang bằng giá gạo Thái Lan, nghe tin này ai nấy đều thấy vui. Thế nhưng sự điều chỉnh giá sàn, khiến tình hình xuất khẩu chậm lại rõ rệt.
Từ đầu năm đến nay, chỉ tiêu xuất khẩu hằng tháng, hằng quý luôn hoàn thành. Nhưng từ tháng 8, tình hình bắt đầu xuống.
Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), sản lượng lúa của Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay khoảng 21,3 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm trước. Cơ quan này cho biết, đến hết năm nay, còn khoảng 3,3 triệu tấn gạo hàng hóa. Nếu dành 1,7 triệu tấn phục vụ tiêu dùng trong nước thì còn trên 1,5 triệu tấn để xuất khẩu. Nếu đem so sánh với lượng gạo đã xuất khẩu của VFA từ đầu năm đến nay (5,05 triệu tấn) và lượng hợp đồng doanh nghiệp đã ký khoảng 6,6 triệu tấn thì không thể có đủ gạo để ký kết những hợp đồng mới. Việc nâng giá sàn xuất khẩu loại 5% tấm lên đến 475 USD, chỉ thấp hơn 5 USD một tấn so với Thái Lan, một quyết định được xem là… “xưa nay hiếm”. Tuy nhiên, bốn lần điều chỉnh giá sàn trong một tháng, các doanh nghiệp rất khó để có thể đàm phán ký kết những hợp đồng xuất khẩu mới.
Nếu đem đối chiếu giá mới với những hợp đồng trước đó không lâu, chẳng hạn như hợp đồng xuất 100.000 tấn sang Bangladesh (loại gạo 15% tấm), với giá 389 USD một tấn thì mỗi tấn gạo đã bị “ném tiền qua cửa sổ” tới 60 - 70 USD. Trong khi đó, việc thu mua một triệu tấn gạo tạm trữ chỉ hoàn thành được 96%, lý do là lúa trong dân cạn. Một lần nữa, người trồng lúa lại không được hưởng nhưng doanh nghiệp được lợi đơn, lợi kép vì vừa được Chính phủ hỗ trợ lãi xuất (0%) lại vừa mua được lúa giá rẻ.
Trong buổi họp về vấn đề này gần đây, trước câu hỏi việc nâng mức giá sàn lên cao có phải nhắm đến mục đích bình ổn giá trong nước, hy sinh quyền lợi người trồng lúa để hạn chế lạm phát không thì cả thứ trưởng Công thương lẫn Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong đều không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Ông Phong chỉ nhắc việc điều hành xuất khẩu gạo phải linh hoạt; bảo đảm tiêu thụ hết lúa cho dân, bình ổn thị trường trong nước, bám sát giá thế giới đang có biến động... Còn Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, cho rằng, không thể cứng nhắc trong đảm bảo cho người trồng lúa lãi 30%. Vì như vậy, nông dân trồng loại cây khác cũng đòi hỏi được lời 30%.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com