Một trong những trọng tâm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2010 là tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là một số mặt hàng đầu vào của sản xuất như xăng, dầu, điện, than... và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa, thuốc chữa bệnh.
Tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng - Ảnh minh họa |
Chính phủ yêu cầu trước ngày 11/10/2010, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường những tháng cuối năm 2010.
Các Bộ, ngành địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và yêu cầu kiềm chế lạm phát; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo hướng khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô.
Giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống 5,95% GDP
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì, tập trung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2010 cao hơn dự toán, kết hợp với việc quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống mức 5,95% GDP; chủ động điều hòa, sử dụng ngân sách nhà nước để bảo đảm các nhiệm vụ mới phát sinh, hạn chế việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý đăng ký, kê khai thuế; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tạo điều kiện thông thoáng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp tục chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và FDI; không mở thêm danh mục dự án đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Thực hiện việc rà soát, điều chuyển vốn theo hướng tập trung cho các công trình hoàn thành, các công trình quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ thi công.
Phát huy hết công suất các nhà máy điện hiện có |
Phát huy hết công suất các nhà máy điện hiện có
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo biện pháp phát huy hết công suất các nhà máy điện hiện có, điều tiết nguồn cung cấp điện, hạn chế tình trạng cắt điện, bảo đảm từng bước cân đối nguồn điện cả trước mắt và lâu dài; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm điện cả trong sản xuất và tiêu dùng.
Đặc biệt, giám sát có hiệu quả các nội dung có liên quan đến giá điện như giá bán điện của các nhà máy, cơ sở sản xuất điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công khai, minh bạch giá thành sản xuất điện. Trên cơ sở đó, tham mưu với Chính phủ để có sự điều hành giá điện hợp lý theo cơ chế thị trường; trong đó nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ giá điện đối với đối tượng người thu nhập thấp, người nghèo...
Về sản xuất và tiêu thụ xi măng, Bộ Xây dựng chủ động đề xuất phương án tiêu thụ xi măng trong nước, tập trung vào các công trình làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và các công trình hạ tầng khác.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2010 ước đạt 6,52%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,29%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,89%; dịch vụ tăng 7,24%. Kinh tế vĩ mô được cải thiện; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách đạt khá, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi, đồng thời góp phần giảm bội chi; đầu tư phát triển tiếp tục đẩy mạnh, giải ngân các nguồn vốn có chuyển biến tích cực, vốn đầu tư nước ngoài tăng; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập siêu tiếp tục xu hướng giảm; tốc độ tăng huy động vốn, dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở xã hội... được quan tâm và phát triển. |
(Theo Thảo Trang // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com