Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có thể giảm xuống 7,7% năm 2008

Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có thể sẽ giảm xuống 7,7% năm 2008, do bị tác động bởi sự hỗn loạn tài chính toàn cầu, lạm phát, sản xuất nông nghiệp gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, và đà tăng trưởng thậm chí có thể còn sụt giảm hơn nữa, so với mức dự báo 8,5% mà Hội đồng cố vấn kinh tế (EAC) của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đưa ra trước đó.

Hội đồng cố vấn cho rằng một số nhân tố tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế đã gia tăng trong năm 2008 với việc kinh tế toàn cầu bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng thế chấp dưới tiêu chuẩn và sự tăng giá dầu và giá cả các hàng hóa khác. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế tài khóa 2008 (đến tháng 3/2009) dài 70 trang, EAC nhận định: "Không nước nào, trừ những nước xuất khẩu hàng hóa lớn, có thể hy vọng không bị tổn thương từ tình hình thế giới bất lợi như vậy. Lạm phát, tăng trưởng kinh tế và những thành quả kinh tế vĩ mô của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Nền kinh tế đang bay cao của Ấn Độ, thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, hiện bị "xì hơi" không chỉ do tình hình toàn cầu mà còn bởi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát của chính phủ nước này. Lạm phát của Ấn Độ hiện đang là 12,01%, mức cao trong vòng 13 năm qua, do giá hàng hóa tăng trong khi lãi suất đang ở mức đỉnh trong 7 năm qua.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 7 năm qua để hạn chế nhu cầu tiêu dùng, và hạ mức dự báo tăng trưởng GDP từ 8,0-8,5% xuống 8%, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Kinh tế Ấn Độ đã tăng 9% năm 2007 và 9,6% năm 2006.
EAC dự báo tăng trưởng nông nghiệp chỉ khoảng 2,0%, giảm so với 4,5% năm 2007 và 10% cách đây 5 năm. Mặc dù nông nghiệp chiếm chưa đến 20% GDP, nhưng "sức khỏe" của ngành này lại rất quan trọng đối với kinh tế Ấn Độ, vì khoảng 60% trong tổng dân số 1,1 tỷ người sống dựa vào nông nghiệp.
Theo EAC, Ấn Độ có thể đạt mục tiêu thâm hụt tài chính 2,5% GDP trong năm 2008, nhưng có những "rủi ro tài chính nghiêm trọng" từ các khoản nợ ngoài ngân sách bắt nguồn từ kế hoạch giảm mạnh hỗ trợ nông nghiệp lớn, việc trợ giá dầu tiêu dùng và chi trả dịch vụ dân sự gia tăng. Đà tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ còn bị kiềm chế mạnh bởi tình trạng thiếu điện thường xuyên, hạ tầng giao thông kém. EAC cũng cảnh báo kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng chậm hơn nếu tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi và triển vọng kinh tế châu Á có thể "có tác động lớn tới kinh tế Ấn Độ", trong bối cảnh khu vực này đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại vào cuối năm năm nay và đầu năm tới.

(Theo Vietstock)