Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng kiểm kê đất đai 2010-Cơ sở để bảo vệ đất trồng lúa

Theo dự án “Kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010” đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút hoàn thiện, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 8 tới, việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 1-1-2010.

Ông Nguyễn Tiến Khang, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê - Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Khang cho biết:

Việc kiểm kê đất đai năm 2010 là cơ sở cho việc đánh giá và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là việc quy hoạch nhằm khống chế diện tích đất trồng lúa nước và diện tích đất lâm nghiệp cần bảo vệ để đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các sản phẩm của dự án còn là cơ sở xác thực để giải quyết dứt điểm những tranh chấp lâu nay về địa giới hành chính.

PV: Mục tiêu và cách thức tiến hành kiểm kê đất đai như thế nào, thưa ông?

Ông NGUYỄN TIẾN KHANG: Mục tiêu của dự án nhằm xác định diện tích tự nhiên trong địa giới hành chính của từng đơn vị hành chính các cấp, với xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là đơn vị cơ bản. Kết quả ở cấp xã là cơ sở để tổng hợp kiểm kê đất đai cấp huyện, tỉnh, vùng và cả nước. Hiện trạng diện tích tự nhiên sau kiểm kê đất đai năm 2010 được so sánh, đối chiếu với hồ sơ địa giới hành chính nhằm hoàn chỉnh hồ sơ địa giới hành chính, phục vụ giải quyết dứt điểm tranh chấp về địa giới hành chính.

Tất nhiên, muốn giải quyết dứt điểm những tranh chấp này tôi cho rằng cần có dự án riêng thực hiện trong năm 2010 và các năm tiếp sau, qua đó xác định hiện trạng sử dụng quản lý có khớp với hồ sơ địa chính đang quản lý hay không, nếu có sự sai lệch thì nguyên nhân do đâu, giải pháp hợp lý nhất là như thế nào…

Những loại đất gì sẽ được kiểm kê?

Trong từng đơn vị hành chính, từng vùng tự nhiên kinh tế và toàn quốc sẽ kiểm kê diện tích 3 loại đất chính gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng và thêm nhóm quan sát là đất có mặt nước ven biển. Đất nông nghiệp gồm nhiều nhóm nhỏ như đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối... Đất phi nông nghiệp có đất ở, đất chuyên dùng, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng. Nhóm đất chưa sử dụng có đất bằng, đất đồi núi, núi đá không có rừng cây...

Ông có thể nói rõ hơn về “đất quan sát”? Việc thu thập số liệu thống kê loại đất này có ý nghĩa gì?

Hiện nay diện tích đất có mặt nước ven biển (như đất mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản, đất mặt nước ven biển có rừng ngập mặn, đất mặt nước ven biển có mục đích khác, diện tích rất đáng kể) chưa được phân cấp quản lý rõ ràng, dẫn đến một số trường hợp khó xử lý, gây vướng cho hoạt động quản lý, sử dụng đất ven biển, đơn cử trong trường hợp các doanh nghiệp làm đường ống dẫn dầu khí vào bờ hoặc thuê để nuôi trồng, kinh doanh thủy sản…

Cụ thể, sản phẩm của dự án là gì?

Bộ số liệu kiểm kê diện tích đất đai năm 2010 của cả nước, 8 vùng tự nhiên kinh tế; bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của cả nước, 8 vùng tự nhiên kinh tế; tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của 63 tỉnh, thành phố; báo cáo kết quả thực hiện kiểm kê đất đai năm 2010 của cả nước với các nội dung cụ thể như hiện trạng và cơ cấu sử dụng đất, biến động diện tích và chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến 2010, đề xuất các giải pháp sử dụng đất có hiệu quả và hoàn thiện chính sách quản lý đất đai. Cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng sẽ có các sản phẩm cụ thể.

Còn việc giải quyết các tranh chấp về địa giới hành chính, cụ thể như việc từng có 2 xã ở Hà Nội “tranh nhau” một làng nghề nổi tiếng nhiều năm nay, có giải quyết được thông qua việc kiểm kê này?

Việc kiểm kê sẽ cung cấp thêm căn cứ về hiện trạng quản lý, sử dụng. Còn đưa ra phán quyết thì phải đối chiếu với hồ sơ địa chính nữa, mà như thế – như tôi đã đề nghị - cần tiến hành tiếp một dự án nữa.

Xin cảm ơn ông!

(Theo ANH THƯ // SGGP online)

  • Hai kịch bản về tăng trưởng và lạm phát cho năm 2010
  • Ngân hàng Nhà nước dự báo tăng trưởng và lạm phát năm 2009 và 2010
  • Năm 2010, phấn đấu tăng GDP từ 6,5-7%
  • Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010
  • Du lịch chưa thực sự trở thành “mũi nhọn”
  • Hứa hẹn một môi trường bán lẻ hấp dẫn
  • Quảng Ngãi thu ngân sách hướng đến 13.000 tỷ năm 2010
  • Tổng kiểm kê đất đai 2010-Cơ sở để bảo vệ đất trồng lúa
  • Năm 2010 sẽ giảm ngập?
  • Dự kiến năm 2010, tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,5%
  • Từ 1/1/2010 xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ khó khăn hơn
  • Năm 2010: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của BR-VT là 11%
  • Tháng 9/2010 công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở
  • Năm 2010, Hà Nội sẽ khởi công 5 dự án giao thông lớn
  • Phê duyệt Chương trình "Đối tác Tư pháp, giai đoạn 2010-2015"