Melbourne là thành phố lớn thứ nhì ở Úc (sau Sydney) với số dân 3,8 triệu người. Được thành lập năm 1835, trở thành thủ đô khi Liên bang Úc ra đời ngày 1-1-1901. Năm 1927, thủ đô dời về Canberra, và Melbourne trở thành thủ phủ của bang Victoria ở vùng bờ biển đông nam nước Úc.
Theo thống kê, dân cư Melbourne thuộc hơn 200 quốc gia khác nhau, sử dụng hàng trăm ngôn ngữ và theo hàng trăm tôn giáo và tín ngưỡng.
Toàn cảnh Melbourne |
Chúng tôi đến Melbourne vào đầu tháng 12 năm 2008. Thời điểm này ở Nam bán cầu là cuối mùa xuân sang đầu mùa hạ, thời tiết đáng lý ra phải thật mát mẻ dễ chịu. Nhưng rủi thay, trời chẳng chiều người, cơn dông nổi lên trong mấy ngày liên tiếp, trời trở lạnh và mưa lất phất.
Ấn tượng đầu tiên là đường phố rộng rãi, có rất nhiều cây xanh, công viên và đặc biệt là nhiều công trình kiến trúc cổ theo phong cách thời nữ hoàng Victoria ở Anh (thế kỷ XIX). Tiêu biểu nhất là tòa nhà Quốc hội, trụ sở chính phủ, tòa án tối cao, hai nhà thờ Saint Paul và Sain Patrick.
Khu vực này vắng vẻ, ít xe cộ, ít hàng quán và nằm gần những công viên rộng lớn. Dừng chân ở đây, bạn có cảm giác như đang đứng ở một góc phố cổ của thủ đô London của nước Anh (Nhân đây, cũng xin phép mở ngoặc để nói thêm rằng chính thể của nước Úc hiện nay là quân chủ lập hiến với nguyên thủ quốc gia là nữ hoàng Elisabeth II).
Đối với du khách, thật thú vị khi thấy ở Melbourne vẫn còn duy trì hệ thống tàu điện của thế kỷ trước, điều rất hiếm có ở những thành phố hiện đại. Hơn nữa, xe điện hoàn toàn miễn phí, chủ yếu để phục vụ du khách lên xe làm một vòng city tour.
Sau khi thăm những công trình kiến trúc cổ, chúng tôi đến một địa điểm rất có ý nghĩa lịch sử, đó là ngôi nhà của James Cook (1728-1779). Cook là một sĩ quan hải quân và nhà thám hiểm người Anh, là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên bờ biển miền Đông nước Úc. Ông đã tổ chức ba cuộc hải hành từ nước Anh sang Thái Bình Dương và bị giết chết trong một cuộc xung đột với thổ dân ở quần đảo Hawaii.
Để tưởng nhớ công lao của James Cook, chính phủ Úc đã mua lại ngôi nhà cổ xưa của gia đình Cook ở quận Yorkshire, Anh quốc. Ngôi nhà này được xây cất từ năm 1755 và vào năm 1933 đang được chuẩn bị đưa ra bán đấu giá. Năm 1934, ngôi nhà được tháo ra từng mảng và đưa về dựng lại tại Melbourne.
Ngôi nhà James Cook |
Đối với người dân Úc, ngôi nhà nhỏ và xinh xắn này là một kỷ vật thiêng liêng. Nó nằm trong khu vườn Fitzroy rộng đền 26ha, với nhiều loài hoa rực rỡ và những cây du (orme) cổ thụ rợp bóng mát. Du khách đến đây lúc nào cũng đông nườm nượp, chen chúc nhau để tham quan những căn phòng bé nhỏ của ngôi nhà James Cook.
Cuộc sống ở Melbourne thể hiện sự hài hòa giữa các nền văn hóa, các thành phần dân tộc, các tôn giáo khác nhau. Sự đa dạng về văn hóa biểu lộ trước hết ở các công trình kiến trúc, ở bộ mặt của các đường phố. Bên cạnh những tòa nhà theo phong cách kiến trúc thời Victoria là những tòa nhà chọc trời, những công trình văn hóa, khu vui chơi công cộng được xây dựng theo nhiều phong cách hiện đại, tân kỳ, không cái nào giống cái nào.
Vui vẻ và náo nhiệt nhất là khu Chinatown nằm dọc con đường Little Bourke, với các hiệu ăn, cửa hàng rực rỡ ánh đèn neon và các bảng hiệu chữ Hoa. Trong số dân châu Á nhập cư vào nước Úc, thành phần đông nhất là người Hoa. Họ đến Úc ngay từ những năm 1850, để làm phu khai thác các mỏ vàng.
Người Hoa hiện diện ở khắp nơi trong thành phố Melbourne (và cả trong nước Úc) chứ không chỉ tập trung ở Chinatown. Văn phòng công ty, công sở, nhà hàng, khách sạn, chỗ nào cũng có công dân Úc gốc Hoa. Và du khách đến nước Úc đông nhất lúc này cũng là người Hoa, họ đến từ Trung Hoa lục địa, Hong Kong, Đài Loan…
Rải rác khắp thành phố, đủ các hiệu ăn Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hy Lạp, Ý… Chúng tôi ghé vào một tiệm phở Việt Nam, nhưng thú thật là phở ở đây không ngon bằng mấy tiệm “phở Hòa” ở quận Cam thuộc bang California bên Mỹ.
Người Việt sống tập trung ở khu Footscray, nằm sát phía Tây Melbourne. Đây đúng là một khu phố hoàn toàn Việt Nam, không có người da trắng ở lẫn vào. Nhưng cũng vì thế mà phố xá lộn xộn, không sạch sẽ, quang cảnh ở đây giống như một khu phố buôn bán bên Chợ Lớn. Vào trong chợ, chỉ toàn là người Việt với các sạp bán trái cây, các quầy bán quần áo, giày dép, túi xách. Có tiếng rao ơi ới: “Cam đây, cam đây, một ký ba đồng…”. Lại có tiếng cãi lộn, chửi thề bằng “ngôn ngữ Đan Mạch” khiến chúng tôi giật cả mình.
Xe điện miễn phí |
Xe chúng tôi đi về phía Tây thành phố Melbourne. Bức tranh thiên nhiên với những cánh đồng mênh mông đã trải ra trước mắt, tiết trời ấm dần lên, không khí thật trong lành, du khách thoải mái ngắm nhìn những ngôi nhà xinh xắn thỉnh thoảng xuất hiện hai bên đường.
Chúng tôi dừng lại để tham quan một nông trại chăn nuôi gia súc có tên là Warrook Cattle Farm. Đây là một nông trại mẫu nuôi bò sữa, cừu, kangaroo, nhằm giới thiệu với du khách quy trình công nghệ chăn nuôi ở Úc. Trước tiên, chúng tôi ghé vào quán ăn của nông trang để dùng bữa ăn trưa với món thịt bò bít-tết Úc rất nổi tiếng vì thơm và mềm đi kèm một ly rượu vang đỏ cũng do Úc sản xuất.
Chúng tôi lần lượt đi thăm trại nuôi bò sữa. Anh công nhân biểu diễn cách vắt sữa bò, anh không dùng máy vắt sữa mà lại dùng tay, không ngờ con bò có cảm giác nhột, nó hất chân sau một cái khiến anh ta ngã lăn cù, thùng sữa đổ tung tóe, mọi người được một trận cười hả hê. Anh công nhân bắt đầu làm lại, lần này thì con bò chịu đứng yên, và du khách được uống sữa bò nóng hổi vừa mới vắt ra.
Đến khu nuôi kangaroo, thấy chúng tôi cầm trong tay những cốc đựng thức ăn, các con thú dễ thương chạy đến vây quanh để ăn lấy ăn để. Chúng rất hiền, để cho du khách vuốt ve và chụp ảnh chung. Kangaroo và đà điểu là hai con thú được chọn làm biểu tượng cho nước Úc. Đặc điểm của chúng là chạy rất nhanh và phóng về phía trước chứ không biết đi giật lùi.
Sau cùng, tiết mục thú vị nhất là xem cảnh biểu diễn xén lông cừu và xem cảnh chó chăn dắt cừu. Cô công nhân ăn mặc và đội mũ theo kiểu cao bồi, cầm một chiếc roi da thật dài quất mạnh lên không trung, phát ra một âm thanh giòn và to như tiếng pháo nổ. Rồi cô ra lệnh bằng miệng cho hai con chó săn to tướng đứng bên cạnh. Chúng lập tức phóng ra ngoài cánh đồng, nơi có một đàn cừu đang rải rác ăn cỏ. Chúng chạy vòng quanh, khép đàn cừu dồn vào một chỗ rồi hai con chạy hai bên, lùa đàn cừu về chuồng. Đàn cừu ngoan ngoãn chạy nhanh và từng con đi vào chuồng một cách rất trật tự.
Đến Melbourne, không thể không đến thăm các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã, mà nổi tiếng nhất là công viên chim cánh cụt trên đảo Philip (Philip Island).
Hòn đảo này nằm cách Melbourne 140km về phía Tây Nam, đi bằng ôtô chỉ mất có 90 phút. Muốn xem chim cánh cụt ở đây phải đến vào lúc tối. Khu bảo tồn chim cánh cụt chiếm diện tích 340ha, nằm dọc theo bờ biển. Người ta đào những tổ chim trong các bụi rậm ven biển. Ban ngày, chim ra biển kiếm ăn, đến tối lần lượt kéo nhau từng đàn về tổ.
Trên bờ biển, người ta xây nhiều bậc khán đài để du khách ngồi nhìn từ trên cao. Gió biển thổi mạnh và rất lạnh, chúng tôi ngồi co ro chờ đợi, riêng tôi mang theo cả một cái chăn len để trùm lên người. Trời bắt đầu tối, các ngọn đèn bật sáng. Sau những lời giới thiệu qua hệ thống loa của nhân viên khu bảo tồn, mọi người hồi hộp chờ đợi trong im lặng.
Đây rồi, từ dưới nước một vài con chim xuất hiện và đủng đỉnh đi lên bãi cát. Rồi tiếp theo là từng nhóm từng nhóm 5 - 10 con lạch bà lạch bạch kéo theo. Quang cảnh thật là thú vị, ngộ nghĩnh. Loại chim cánh cụt ở đây là loại nhỏ nhất trong số 17 loài chim cánh cụt trên thế giới. Chúng chỉ cao 4 tấc và nặng 1kg, nhưng có thể bơi xa đến 20km trên biển để tìm thức ăn là những loài cá nhỏ li ti và tối thì kéo về tổ trên bãi cát.
Càng về tối, chim kéo về càng đông và cảnh tượng kéo dài cả hai tiếng đồng hồ. Khu bảo tồn chim cánh cụt trên đảo Philip là duy nhất trên thế giới. Hàng năm, số du khách tham quan lên đến nửa triệu người
(Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com